Vụ Dự báo Thống kê (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) vừa công bố báo cáo kết quả của Cuộc điều tra xu hướng kinh doanh quý I/2024, theo đó dự báo, mặt bằng lãi suất sẽ giảm nhẹ trong năm 2024.


Mặt bằng lãi suất được dự báo sẽ giảm nhẹ trong năm 2024.

Với nhu cầu vay vốn được dự báo cải thiện nhiều hơn trong năm 2024, các tổ chức tín dụng (TCTD) dự báo mặt bằng lãi suất huy động - cho vay có thể tiếp tục giảm nhẹ, bình quân giảm 0,3-0,4%/năm trong quý I/2024 và giảm 0,2%/năm trong cả năm 2024. Huy động vốn toàn hệ thống TCTD được kỳ vọng tăng bình quân 2,6% trong quý I/2024 và tăng 12,1% trong năm 2024, tương đương mức kỳ vọng tại kỳ điều tra trước. Dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được dự báo tăng 4,4% trong quý I/2024 và tăng 14,2% trong năm 2024, điều chỉnh tăng 0,4 điểm phần trăm so với mức dự báo 13,8% tại kỳ điều tra trước.

Cũng theo đánh giá của các TCTD, trong quý IV/2023, nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng có cải thiện nhưng chưa được như kỳ vọng. Trong đó nhu cầu dịch vụ thanh toán và thẻ được nhận định cải thiện mạnh hơn nhu cầu vay vốn và gửi tiền do tính thời vụ vào dịp cuối năm.

Đánh giá tổng thể năm 2023, tỷ lệ TCTD nhận định nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng cải thiện thấp hơn năm 2022, trong đó nhu cầu gửi tiền được nhận định tăng cao hơn nhu cầu thanh toán và vay vốn.

Quý I/2024, tỷ lệ TCTD dự báo nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng cải thiện thấp hơn so với quý IV/2023, nhưng cải thiện mạnh hơn trong năm 2024. Trong đó nhu cầu vay vốn được dự báo cải thiện nhiều hơn nhu cầu tiền gửi và thanh toán, khác với diễn biến của năm 2023.

Theo nhận định của các TCTD, thanh khoản của hệ thống ngân hàng trong quý IV/2023 tiếp tục duy trì trạng thái tốt và cải thiện tích cực hơn dự kiến. Các TCTD đánh giá tình hình thanh khoản trong năm 2023 dồi dào hơn so với năm 2022 và dự báo sẽ tiếp tục dồi dào trong quý I/2024 và cả năm 2024.

Trong quý IV/2023, các TCTD cho biết, tiếp tục điều chỉnh giảm giá bình quân các sản phẩm, dịch vụ, trong đó, tập trung giảm lãi suất biên nhiều hơn so với giảm phí dịch vụ. Xu hướng này được dự kiến duy trì trong quý I/2024 nhưng có khả năng thu hẹp hơn. Mặt bằng giá cả sản phẩm, dịch vụ tài chính kỳ vọng tương đối ổn định trong năm 2024.

Mặt bằng rủi ro tổng thể của các nhóm khách hàng được các TCTD nhận định tiếp tục tăng trong quý IV/2023 và quý I/2024 so với quý trước, nhưng tốc độ tăng đang chậm dần lại. Đánh giá tổng thể năm 2023, mặt bằng rủi ro của khách hàng được nhận định tăng đáng kể so với năm 2022 và tăng mạnh hơn nhiều so với dự báo ban đầu, tuy nhiên kỳ vọng có thể giảm trong năm 2024.

Các TCTD cũng nhận định, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng trong quý IV/2023 tiếp tục xu hướng tăng nhẹ, nhưng được kỳ vọng sẽ giảm nhẹ trong quý I/2024.

Ngoài ra, theo kết quả điều tra, tình hình kinh doanh và lợi nhuận trước thuế của hệ thống ngân hàng trong quý IV/2023 có sự cải thiện nhẹ so với quý trước nhưng thấp hơn nhiều so với mức kỳ vọng ghi nhận tại kỳ điều tra trước.

Đánh giá tổng thể năm 2023, các TCTD nhận định tình hình kinh doanh chưa đạt được như kỳ vọng và điều chỉnh giảm mạnh kỳ vọng về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trước thuế so với mức dự báo tại kỳ điều tra trước. Trong đó, 78,6% TCTD ước tính lợi nhuận trước thuế năm 2023 tăng trưởng dương so với năm 2022; 17,9% TCTD ước tính lợi nhuận tăng trưởng âm và 3,6% ước tính không thay đổi.

Với tình hình kinh doanh và lợi nhuận trước thuế năm 2023 tăng trưởng ở mức thấp và chưa đạt được như kỳ vọng, các TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ khả quan hơn từ quý I/2024 và cả năm 2024 nhưng lợi nhuận trước thuế có thể phục hồi chậm hơn so với tình hình kinh doanh.

Theo kết quả điều tra, 71,6% TCTD đánh giá các nhân tố nội tại đã giúp cải thiện tình hình kinh doanh của đơn vị trong năm 2023 và 81,8% TCTD kỳ vọng cải thiện trong năm 2024. Bên cạnh đó, có 7,3% TCTD nhận định tổng thể các nhân tố nội tại làm suy giảm tình hình kinh doanh của đơn vị trong năm 2023 và dự kiến cho cả năm 2024, chủ yếu là do nhân tố năng lực tài chính của đơn vị (4,4-7,1% TCTD lựa chọn).

Chính sách lãi suất, tín dụng, tỷ giá của đơn vị tiếp tục được 71,4-72,6% TCTD đánh giá là nhân tố nội tại quan trọng nhất ảnh hưởng tích cực tới tình hình kinh doanh của đơn vị trong 3 quý liên tiếp cũng như cả năm 2023 và năm 2024 (80,5% TCTD lựa chọn).

Đối với các nhân tố khách quan, các TCTD đánh giá chính sách tín dụng, lãi suất và tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước tiếp tục là nhân tố quan trọng nhất giúp cải thiện tình hình kinh doanh của TCTD trong quý IV/2023, cả năm 2023 và kỳ vọng cho cả năm 2024. Tiếp sau đó đến cầu của nền kinh tế đối với sản phẩm dịch vụ của đơn vị và điều kiện kinh doanh và tài chính của khách hàng.

Trong năm 2024, các TCTD kỳ vọng tất cả các nhân tố khách quan có tác động tích cực hơn so với năm 2023.

Theo Báo Nhân Dân

Các tin khác


Ngành Thuế triển khai nhiệm vụ công tác năm 2024

Chiều 10/1, Cục Thuế tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết công tác thuế năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và chỉ đạo hội nghị.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát một số dự án trọng điểm tại tỉnh Hải Dương

Trong chương trình công tác tại Hải Dương, chiều 10/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thăm, kiểm tra, nghe báo cáo về một số công trình, dự án trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

Giải ngân vốn đầu tư công cao kỷ lục

Giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 dự kiến đạt 95% kế hoạch, tương đương gần 676 nghìn tỷ đồng, là mức cao nhất từ trước đến nay. Bên cạnh đó, đầu tư công cũng được cơ cấu lại theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho các dự án có tính lan tỏa cao, tạo động lực phát triển, liên kết vùng.

Xuất khẩu nông sản qua cửa khẩu nhộn nhịp đầu năm

Ngay trong những ngày đầu năm mới 2024, những container nông sản vẫn đều đặn được xuất hàng qua các cửa khẩu ở Lào Cai.

Đề xuất bổ sung thêm nhóm hàng hóa không được áp dụng thuế giá trị gia tăng 0%

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Luật thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).

Năm 2024, dự kiến huy động nguồn lực trên 2.963 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới

Ngày 8/1, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 02/KH-UBND về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh Hòa Bình năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục