Thời điểm này, nông dân cả nước đang tích cực chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và chăm sóc rau màu…, phục vụ nhu cầu của người dân dịp Tết Nguyên đán 2024. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các mặt hàng nông sản, thực phẩm an toàn trên thị trường dồi dào, đa dạng về chủng loại.
Tuyển lựa và đóng gói trái thanh long, cung cấp cho thị trường dịp Tết tại Hợp tác xã Tầm Vu, huyện Châu Thành (Long An). (Ảnh THU CÚC)
Theo Sở Công thương Hà Nội, ước tính hàng hóa bán ra trong dịp Tết Nguyên đán 2024 trị giá khoảng 40.900 tỷ đồng (tăng 10% so với Tết năm 2023). Về tình hình cung ứng thực phẩm cho thị trường dịp này, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, nhu cầu tiêu dùng đối với một số nhóm hàng thiết yếu (gạo, thịt lợn, thịt gà, thịt bò, thủy hải sản…) của thành phố là tương đối lớn, khoảng 150.000 tấn. Hiện thành phố Hà Nội đã ký kết hợp tác với 43 địa phương phát triển hơn 900 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, quảng bá sản phẩm nông sản và đặc sản vùng miền của các tỉnh, thành phố với sự tham gia của 1.130 đầu mối.
Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã chuẩn bị hơn 22.000 tỷ đồng giá trị hàng hóa phục vụ Tết Giáp Thìn, với hơn 8.500 tỷ đồng cho hàng hóa bình ổn thị trường, gồm: gạo, thịt lợn, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản. Lượng nông sản cung ứng cho thị trường thành phố thông qua ba chợ đầu mối và 221 chợ truyền thống đạt bình quân 7.600 tấn/ngày.
Trao đổi thêm về vấn đề này, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản Nguyễn Ngọc An chia sẻ, công ty dự kiến sẽ cung ứng ra thị trường gần 1.100 tấn thực phẩm tươi sống, tăng 5% so với cùng kỳ và 3.800 tấn thực phẩm chế biến. Cùng với việc bảo đảm bình ổn giá, doanh nghiệp còn giảm giá các sản phẩm thiết yếu vào các ngày cuối tuần và một số nhóm hàng cho khách hàng mua sắm Tết muộn.
Để chủ động nguồn hàng phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, gây tăng giá bất hợp lý, tỉnh An Giang đã triển khai kế hoạch bình ổn thị trường với tổng số tiền dự trữ hàng hóa ước đạt 1.249 tỷ đồng, cùng sự tham gia của 20 doanh nghiệp. Tại tỉnh Cà Mau, các doanh nghiệp thương mại trên địa bàn tham gia chuẩn bị hàng hóa thiết yếu phục vụ thị trường Tết với tổng trị giá hơn 1.000 tỷ đồng.
Người dân thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh sản xuất rau an toàn. (Ảnh NGỌC MAI)
Về mặt hàng rau, theo nhận định của các chuyên gia trồng trọt, thời tiết năm nay tương đối thuận lợi cho cây trồng. Từ nay đến Tết Nguyên đán, thời gian đủ để nông dân chủ động chuẩn bị nguồn rau cung ứng cho thị trường. Hiện giá bắp cải, su hào, cà rốt, khoai tây, súp lơ, cà chua..., ở nhiều nơi có xu hướng tăng. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương thông tin, vụ đông năm nay, thành phố gieo trồng 28.512 ha rau các loại, cho nên lượng rau xanh sẽ đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhất là trong dịp Tết (tiêu thụ khoảng 100.000 tấn rau xanh, tăng 15% so với tháng bình thường).
Tại huyện Đông Anh (Hà Nội), có 800 ha rau trồng ở các xã: Vân Nội, Tiên Dương, Bắc Hồng, Nam Hồng..., trong đó có 600 ha được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn; với 33 hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau an toàn, rau hữu cơ. Đơn cử như Hợp tác xã Sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Bắc Hồng, mỗi ngày cung cấp cho thị trường 4 tấn rau xanh các loại, bảo đảm an toàn thực phẩm.
Trong khi đó, giá thủy, hải sản ở các chợ dân sinh tại Hà Nội có xu hướng tăng. Giá cá trắm từ 80 nghìn đến 120 nghìn đồng/kg, cá rô phi từ 50 nghìn đến 60 nghìn đồng/kg, tôm từ 240 nghìn đến 400 nghìn đồng/kg; giá thịt bò từ 270 nghìn đến 350 nghìn đồng/kg; giá thịt lợn ở mức từ 90 nghìn đến 160 nghìn đồng/kg, có thể tăng nhẹ trong những ngày áp Tết. Theo chị Nguyễn Thị Phương, tiểu thương bán gà ở chợ Châu Long (Hà Nội), giá gà ta hiện ở mức từ 140 nghìn đến 150 nghìn đồng/kg, đến sát Tết chắc sẽ cao hơn, do sức mua tăng.
Để nhân dân cả nước đón Tết đầm ấm, tiết kiệm, một trong những nhiệm vụ cấp thiết lúc này của các bộ, ngành liên quan gồm: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Y tế là đẩy mạnh phối hợp liên ngành trong công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) bởi ở nhiều nơi, một số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm (chủ yếu là các điểm nhỏ lẻ, thường xuyên biến động) vẫn có những vi phạm. Các chợ "cóc" hoạt động thường xuyên, gây khó khăn cho công tác quản lý, kiểm tra và xử lý vi phạm VSATTP.
Để khắc phục bất cập nêu trên, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm đã tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành từ Trung ương đến cấp xã trong dịp này; lập 5 đoàn liên ngành, kiểm tra VSATTP tại các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Kon Tum, Gia Lai... Trong đó, tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và lễ hội có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm, các tỉnh có cửa khẩu, các thành phố lớn.
Cùng với đó, UBND thành phố Hà Nội cũng đã ban hành Kế hoạch số 295/KH-UBND về bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Thìn và lễ hội Xuân năm 2024.
Cụ thể, từ ngày 15/12/2023 đến hết ngày 15/3/2024, Ban Chỉ đạo Công tác an toàn thực phẩm thành phố lập 4 đoàn liên ngành kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại các quận, huyện, thị xã…; đồng thời chỉ đạo các ban quản lý chợ thường xuyên nhắc nhở tiểu thương bán hàng đúng giá niêm yết, vệ sinh môi trường và chấp hành các quy định về VSATTP.
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) tập trung tuyên truyền các biện pháp bảo đảm VSATTP, phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, nhất là các biện pháp vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen trong lựa chọn, sử dụng thực phẩm để bảo đảm an toàn, không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Theo Báo Nhân Dân
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, đến hết năm 2023, tổng số cơ sở nằm trong khu vực không được phép chăn nuôi (theo Nghị quyết số 70/2021/NQ-HĐND, ngày 09/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quy định khu vực không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi) của các huyện: Đà Bắc, Cao Phong, Kim Bôi, Tân Lạc, Lạc Sơn, Yên Thủy và Mai Châu là 5.364 cơ sở. Còn các huyện: Lương Sơn, Lạc Thủy và thành phố Hòa Bình chưa tổng hợp được số cơ sở chăn nuôi có diện tích dưới 50 m2.
Năm 2023, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thành phố tổ chức giải ngân 19,195 tỷ đồng vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân. Tăng trưởng nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân là 8,248 tỷ đồng, nâng tổng số quỹ lên 54,288 tỷ đồng.
Vụ Dự báo Thống kê (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) vừa công bố báo cáo kết quả của Cuộc điều tra xu hướng kinh doanh quý I/2024, theo đó dự báo, mặt bằng lãi suất sẽ giảm nhẹ trong năm 2024.
Các chuyên gia quốc tế dự báo xuất khẩu, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)… sẽ có triển vọng tươi sáng trong năm nay.
UBND huyện Lương Sơn vừa khởi công công trình cứng hóa đường liên xã từ Suối Bến, xã Liên Sơn, huyện Lương Sơn đi xóm Chỉ Ngoài, xã Hùng Sơn, huyện Kim Bôi.
Thung Nai (Cao Phong) là xã vùng hồ Hoà Bình. Xã có 7 xóm, trong đó 3 xóm gần cảng Thung Nai, thuận tiện cho phát triển dịch vụ đưa đón khách du lịch và các dịch vụ khác. Đây là lợi thế của xã trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới. Cơ cấu kinh tế nông - lâm - ngư nghiệp hiện chiếm trên 50%, du lịch - dịch vụ chiếm 40%.