Lãnh đạo Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh nghiệm thu đề án khuyến công quốc gia trên địa bàn thành phố Hòa Bình.
Hiệu quả từ những đề án khuyến công thực chất
Những ngày cuối năm, xưởng sản xuất của Công ty TNHH Hải Phương Trang, xã Xuân Thuỷ, huyện Kim Bôi bước vào cao điểm sản xuất phục vụ nhu cầu Tết Giáp Thìn 2024. Với nhiều đơn hàng trực tiếp số lượng lớn từ Hà Nội và một số tỉnh lân cận, gần như 100% công nhân tại công ty phải làm việc hết công suất. Vất vả là vậy nhưng cả chủ doanh nghiệp và công nhân đều phần khởi khi tiếp tục nhận được sự tín nhiệm từ đối tác. Phấn khởi hơn, kết quả có được ngoài sự nỗ lực của doanh nghiệp còn là sự hỗ trợ kịp thời của chính quyền địa phương đã giúp công ty nâng cao năng suất lao động của công nhân thông qua việc thực hiện đề án "Hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong may túi siêu thị” của Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Hoà Bình.
Cùng với Công ty TNHH Hải Phương Trang, trong năm 2023, nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh đã tiếp cận được nhiều nguồn lực quan trọng để mở rộng sản xuất thông qua các chương trình hỗ trợ thiết thực từ Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Hoà Bình. Với mức hỗ trợ 288 triệu đồng, các cơ sở đã đầu tư và lắp đặt, vận hành máy móc, thiết bị vào sản xuất. Với việc sử dụng công nghệ tiên tiến, các sản phẩm sản xuất ra đạt các yêu cầu kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu thị trường, đồng thời tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh cho cơ sở; tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương.
Đồng chí Dương Quốc Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Năm 2023, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh đã thực hiện 7 đề án hỗ trợ nâng cấp hệ thống máy móc, thiết bị cho các cơ sở sản xuất công nghiệp, gia công sản phẩm trên địa bàn tỉnh. Hoạt động hỗ trợ tập trung giúp các cơ sở đầu tư dây chuyền, máy móc, thiết bị tiên tiến nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm để từ đó hạ giá thành, tạo việc làm ổn định cho người lao động, tiết kiệm nguyên vật liệu và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, song năm 2023, với sự nỗ lực của các cấp chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp, phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã từng bước phục hồi sản xuất. Trong đó các ngành khai khoáng, chế biến, chế tạo, cung cấp nước; xử lý rác thải, nước thải có mức tăng trưởng ổn định. Trong đó ngành khai khoáng có mức tăng trưởng cao nhất 23,9%, kết quả này đánh dấu nỗ lực của các doanh nghiệp khai khoáng. Ngành chế biến, chế tạo có mức tăng trưởng 0,32%. Cơ cấu nội ngành công nghiệp tiếp tục chuyển biến tích cực theo đúng định hướng tái cơ cấu ngành là tăng tỷ trọng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, giảm sự phụ thuộc vào ngành sản xuất và phân phối điện. Bên cạnh đó, sản phẩm may mặc tăng khoảng 10%; sản phẩm gạch tăng khoảng 5,01%; xi măng tăng khoảng 5%; sản phẩm điện tử tăng khoảng 3%; kết cấu thép tăng khoảng 3%.
Phát triển sản xuất công nghiệp trở thành động lực của nền kinh tế
Năm 2024, tỉnh ta đặt mục tiêu chỉ số sản xuất công nghiệp bình quân tăng 12% (sản lượng điện sản xuất đạt 8.700 triệu Kwh, điện thương phẩm đạt 1.380 triệu Kwh). Để đạt được các mục tiêu nêu trên, UBND tỉnh xác định tiếp tục thực hiện 4 đột phá chiến lược cùng những giải pháp chủ yếu như: Xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách cơ cấu lại ngành công nghiệp. Thúc đẩy, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng trong các ngành công nghiệp. Phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên (công nghiệp nền tảng, công nghiệp chế tạo, công nghiệp công nghệ cao...) và công nghiệp hỗ trợ nhằm tạo tác động lan tỏa cho toàn ngành công nghiệp. Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp công nghiệp.
Công ty TNHH Global Cap (Khu công nghiệp Lương Sơn) là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Đồng chí Phạm Tiến Dũng, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Bám sát chỉ đạo của UBND tỉnh, ngành Công Thương xác định phát triển sản xuất công nghiệp thực sự trở thành động lực của nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng cao, bền vững và hiệu quả. Ngành quyết liệt triển khai hiệu quả Đề án số 07-ĐA/TU, ngày 1/11/2021 của Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2021 - 2025. Thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương về thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ. Nghiên cứu triển khai chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, chú trọng đáp ứng các quy tắc về nguồn gốc xuất xứ trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Tăng cường công tác khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp. Tập trung đào tạo phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống gắn với các điểm du lịch và sản xuất hàng xuất khẩu; hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến, mô hình trình diễn kỹ thuật. Đẩy mạnh công tác tư vấn phát triển công nghiệp, thúc đẩy sự phát triển của cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn. Triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình khuyến công địa phương tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2025 theo Chỉ thị số 04/CT-BCT, ngày 19/2/2021 của Bộ Công Thương và Kế hoạch số 156/KH-UBND, ngày 10/8/2021 của UBND tỉnh về đẩy mạnh các hoạt động khuyến công, tạo động lực mới cho phát triển công nghiệp nông thôn tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021- 2025.
Thanh Hoà
Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khánh đã ký ban hành Kế hoạch số 11/KH-UBND về việc thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh (MTKD), nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Hòa Bình năm 2024.