Những năm gần đây, với kỹ thuật chăm sóc và quy trình sản xuất ngày càng được nâng lên, đáp ứng được những tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm khắt khe, cây mía Hòa Bình đã được xuất khẩu đến một số nước trên thế giới. Để nâng cao giá trị của sản phẩm, thúc đẩy xuất khẩu mía bền vững, ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng mía ăn tươi tại các vùng trồng mía trong tỉnh.


Công nhân công ty Đầu tư thương mại Tiến Ngân (TP Hòa Bình) sơ chế mía trắng.

Vùng nguyên liệu mía đạt tiêu chuẩn xuất khẩu của Công ty TNHH Đầu tư thương mại Tiến Ngân ở xã Tân Mỹ (Lạc Sơn) có diện tích gần 4 ha. Ông Nguyễn Lê Điệp, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư thương mại Tiến Ngân (phường Dân Chủ, thành phố Hòa Bình) cho biết: Những năm gần đây, tại vùng nguyên liệu mía của công ty, các hộ trồng được cán bộ của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) tỉnh về tập huấn kỹ thuật, cách chăm sóc cây mía. Bởi vậy, trình độ thâm canh của nông dân ngày càng nâng lên, chất lượng và năng suất mía đảm bảo, một số diện tích mía Hòa Bình đã vượt qua các yêu cầu để có thể xuất khẩu. Nếu như khoảng 2 năm trước, tỉ lệ sâu nứt trên cây mía cao ở mức 40 - 50% thì hiện nay đã giảm đáng kể, còn khoảng 30%. Thời điểm này, vùng nguyên liệu mía xuất khẩu tại xã Tân Mỹ đã được công ty Tiến Ngân thu mua gần hết, chỉ còn khoảng trên 1 vạn cây nữa là kết thúc niên vụ. Để có thể tăng khối lượng xuất khẩu, công ty hy vọng sẽ mở rộng được vùng nguyên liệu chất lượng cao trong thời gian tới.

Năm 2023, tổng diện tích mía tại các vùng trong toàn tỉnh là 6.605 ha. Trong đó, diện tích mía ăn tươi (mía tím, mía ép nước) 4.529 ha (chiếm 68,6%), năng suất đạt gần 75 tấn/ha, sản lượng gần 34.000 tấn; giá mía thương phẩm khá ổn định với mức từ 4.500 - 5.000 đồng/cây, thu nhập bình quân từ cây mía đạt khoảng 200 - 250 triệu đồng/ha. Tổng lượng mía xuất khẩu năm 2023 sang các thị trường Hàn Quốc, EU, Hoa Kỳ... đạt 280 tấn, giúp đẩy mạnh thị trường tiêu thụ trong nước.

Đồng chí Nguyễn Hồng Yến, Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV tỉnh cho biết: Những năm qua, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất giống mía nuôi cấy mô đã bước đầu phát huy hiệu quả. Cây mía cho năng suất, chất lượng cao, mẫu mã đẹp hơn; nguồn giống gốc thuần chủng tiếp tục được duy trì, phát triển để cung cấp vật liệu nhân giống mở rộng diện tích cho các vụ sau. Trong toàn tỉnh đã hình thành một số vùng sản xuất mía ăn tươi chủ lực, có chất lượng tốt, có thương hiệu như: vùng trồng mía ở huyện Cao Phong (các xã Nam Phong, Dũng Phong, Thu Phong, Tây Phong, Thạch Yên); vùng trồng mía ở huyện Tân Lạc (các xã Phong Phú, Mỹ Hòa, Phú Vinh); vùng trồng mía tại huyện Lạc Sơn (các xã Ân Nghĩa, Tân Mỹ, Yên Nghiệp); vùng mía tại xã Tú Sơn (huyện Kim Bôi).

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, việc phát triển cây mía ăn tươi đứng trước nhiều khó khăn, thách thức khi bộ giống mía còn ít, chưa phong phú để rải vụ, thâm canh; kỹ thuật canh tác, phòng trừ sâu bệnh của đa số người dân chưa đồng bộ, dẫn đến chất lượng không đồng đều; diện tích mía có hướng suy giảm, phải cạnh tranh nhiều cây trồng khác; chất lượng các giống mía cũ đã suy thoái, chưa có đủ nguồn giống bổ sung; quy mô phân tán, cản trở việc đầu tư cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa tập trung; đầu ra không ổn định, có thời điểm giá thấp và ứ đọng do việc liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm còn rời rạc, chưa rõ nét; chưa có nhiều nhà đầu tư trong hoạt động sơ chế, chế biến.

Để nâng cao năng suất, chất lượng mía ăn tươi trên địa bàn tỉnh, mới đây, Sở NN&PTNT đã ban hành Công văn số 1253/SNN-TTBVTV về việc thực hiện các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng mía ăn tươi trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Theo đó, Sở NN&PTNT đề nghị UBND các huyện, thành phố và các đơn vị thuộc Sở triển khai các nhiệm vụ, giải pháp với các nội dung: Chỉ đạo UBND các xã rà soát tổng thể thực trạng, có đánh giá cụ thể về giống, năng suất, sản lượng mía. Lựa chọn những khu vực phù hợp theo hướng tập trung, có điều kiện thâm canh, cơ giới hóa và nước tưới để phục vụ sản xuất trong thời gian tới. Đẩy mạnh việc hỗ trợ thành lập các HTX sản xuất và tiêu thụ mía, đảm bảo gắn kết người trồng trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ mía. Hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nâng cấp, cải tiến dây chuyền công nghệ sơ chế, chế biến mía ăn tươi. Chủ động bố trí lồng ghép các nguồn kinh phí, các chính sách khuyến khích phát triển vùng trồng mía tập trung để áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất; đầu tư thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Tiếp tục mở rộng diện tích mía từ giống nuôi cấy mô để nâng cao năng suất, cải thiện chất lượng mía thương phẩm. Phổ biến và chỉ đạo thực hiện rộng rãi quy trình kỹ thuật canh tác mía tím. Tổ chức xây dựng, quản lý tốt các chợ mía ở các vùng sản xuất tập trung, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc thông thương. Đẩy mạnh hoạt động quảng bá thương hiệu sản phẩm mía tím, mía trắng Hòa Bình...


Thu Hằng

Các tin khác


Đa dạng loài thủy sản nuôi trên hồ Hoà Bình

Thời gian qua, trên hồ Hoà Bình xuất hiện mô hình nuôi một số loài thuỷ sản mới với nhiều triển vọng. Đây là hướng đi hứa hẹn đem lại giá trị kinh tế cao khi đa dạng sản phẩm thuỷ sản, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm cản trở phát triển kinh tế

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu thực tế chất lượng tăng trưởng chưa nhiều cải thiện, chất lượng tăng năng suất đạt thấp, chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế.

Kiểm tra thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia tại xã Ngổ Luông, huyện Tân Lạc

Ngày 29/5, Đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) tỉnh làm trưởng đoàn đã kiểm tra công tác triển khai thực hiện các CTMTQG tại xã Ngổ Luông, huyện Tân Lạc. Tham gia đoàn có lãnh đạo các Sở, ngành và huyện Tân Lạc.

Huyện Lương Sơn xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu

Để giữ vững tiêu chí huyện nông thôn mới (NTM) và thực hiện Nghị quyết thành lập thị xã Lương Sơn, huyện Lương Sơn đã tập trung xây dựng mô hình khu dân cư (KDC) kiểu mẫu, vườn mẫu trên địa bàn huyện. Thông qua việc xây dựng KDC kiểu mẫu, vườn mẫu nhằm giúp người dân phát huy vai trò chủ thể trong xây dựng NTM, đô thị văn minh.

Cán bộ, đảng viên nêu gương trong thực hiện quy định về quản lý đô thị, đất đai

Quán triệt các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên (CB, ĐV) gắn với việc thực hiện các nghị quyết, kết luận, quy định về công tác xây dựng Đảng, Thành ủy Hòa Bình đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TH.U, ngày 20/4/2021 về trách nhiệm nêu gương của CB, ĐV, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương; cán bộ lãnh đạo, quản lý; thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong công tác quản lý đô thị (QLĐT), quản lý đất đai (QLĐĐ) trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025.

Xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP thuỷ sản

Đến nay, tỉnh ta có 9 sản phẩm thuỷ sản chế biến được công nhận tiêu chuẩn OCOP 3 và 4 sao. Việc xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao giá trị các sản phẩm thuỷ sản nuôi trồng, phát triển nghề nuôi thuỷ sản bền vững.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục