Nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội (TDCSXH), huyện Đà Bắc từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững, trở thành điểm sáng nổi bật khi nhìn lại 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với TDCSXH.


Với quyết tâm thoát nghèo, gia đình ông Đinh Công Thắng ở xóm Tân Sơn, Toàn Sơn (Đà Bắc) được vay 50 triệu đồng đầu tư nuôi bò sinh sản. 

Nguồn lực để giảm nghèo

Gia đình ông Đinh Công Thắng ở xóm Tân Sơn, xã Toàn Sơn là một trong hàng nghìn hộ nghèo vay vốn từ Ngân hàng CSXH huyện Đà Bắc. Không cam chịu đói nghèo, vợ chồng ông quyết tâm vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn TDCSXH dành cho hộ nghèo để đầu tư nuôi bò sinh sản, ngoài ra còn trồng rau, trồng cỏ, nuôi gà tăng gia sản xuất. Ông Thắng luôn biết ơn và trân quý những đồng vốn được vay với lãi suất ưu đãi, thời gian cho vay phù hợp với mô hình kinh tế hộ gia đình nên đó chính là chiếc "cần câu” hữu hiệu giúp gia đình ông tự tin vươn lên thoát nghèo.

Theo thống kê kết quả cho vay các chương trình TDCSXH trên địa bàn huyện Đà Bắc, tổng dư nợ thực hiện đến ngày 31/5/2024 đạt 619,443 tỷ đồng, tăng 439,915 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, cho vay hộ nghèo dư nợ trên 223 tỷ đồng với 4.086 hộ vay, bình quân dư nợ 54,7 triệu đồng/hộ; cho vay hộ cận nghèo dư nợ trên 140 tỷ đồng với 2.610 hộ vay, bình quân 53,7 triệu đồng/hộ; cho vay hộ mới thoát nghèo dư nợ trên 43 tỷ đồng với 880 hộ vay, bình quân 49 triệu đồng/hộ; cho vay giải quyết việc làm dư nợ trên 51 tỷ đồng, cho 894 lao động, bình quân 57 triệu đồng/lao động… Cùng với đó, nguồn vốn TDCSXH còn được giải ngân theo nhiều chương trình thiết thực, đáp ứng nhu cầu của học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, hộ gia đình sản xuất - kinh doanh vùng khó khăn, thương nhân vùng khó khăn, hộ dân tộc thiểu số (DTTS), cho vay ưu đãi dành cho vùng DTTS và miền núi…

Với tổng số tiền giải ngân trong 10 năm (2014 - 2024), vốn TDCSXH được đầu tư đến 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện, góp phần giúp trên 3.200 hộ thoát nghèo; tạo việc làm cho trên 1.600 lao động; trên 260 học sinh, sinh viên hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập… Vốn TDCSXH cũng góp phần đắc lực xây dựng trên 7.040 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, xây gần 900 căn nhà cho hộ nghèo và gia đình chính sách. Đặc biệt, đây là nguồn lực quan trọng giúp huyện thực hiện có hiệu quả công cuộc giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh xã hội. Kết quả giai đoạn 2021 - 2023, huyện giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 41,98% xuống còn 25,77% (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều), KT-XH có nhiều khởi sắc.

Khởi sắc huyện vùng cao

Đà Bắc là huyện vùng cao điều kiện KT-XH khó khăn bậc nhất của tỉnh. Hiện nay, toàn huyện có 16 xã, 1 thị trấn với 122 xóm và tiểu khu. Trong đó, 13 xã khu vực III; 4 xã khu vực I; 13 xóm đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực I. Theo kết quả điều tra, rà soát năm 2023, toàn huyện có 3.796 hộ nghèo, chiếm 25,77% và 3.624 hộ cận nghèo, chiếm 24,61% dân số.

Trong điều kiện KT-XH còn nhiều khó khăn, những năm qua, huyện Đà Bắc nỗ lực thực hiện chủ trương đa dạng hóa nguồn lực thực hiện hiệu quả TDCSXH. Cùng với nguồn vốn của Trung ương chuyển về, huyện chú trọng huy động và tập trung các nguồn lực tài chính, đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay của các đối tượng đủ điều kiện và có nhu cầu.

Đặc biệt, với quyết tâm đưa Chỉ thị số 40-CT/TW đi vào cuộc sống, các cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác TDCSXH với các mô hình tổ chức phù hợp, phương thức quản lý tín dụng hiệu quả đã khẳng định tính ưu việt, đặc thù riêng có của Ngân hàng CSXH so với các tổ chức tín dụng khác tại địa phương. Nhờ khai thác tốt TDCSXH, huyện đã thực hiện hiệu quả công cuộc giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

Tính từ năm 2021 đến nay, nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã giúp trên 11.780 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Từ đó có 2.296 hộ thoát nghèo, 1.385 lao động được tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm, 124 lao động được đi xuất khẩu lao động, 5.420 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường được xây mới, cải tạo; đặc biệt, nhiều hộ hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững… Đó là những con số "biết nói”, cho thấy chủ trương của Đảng về TDCSXH đã mang lại lợi ích thiết thực, đóng góp nhiều hơn cho công tác giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống người dân, bảo đảm "không để ai bị bỏ lại phía sau” trong quá trình phát triển.

Đồng chí Nguyễn Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc trao đổi: Trong 10 năm qua, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác TDCSXH, nhất là thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác TDCSXH trên địa bàn huyện. Bám sát chỉ đạo của Ban Bí thư, toàn huyện tạo được sự thống nhất trong nhận thức và hành động, từ đó phát huy sức mạnh tổng hợp trong triển khai TDCSXH trên địa bàn. Đây được xác định là nhiệm vụ quan trọng trong chương trình, kế hoạch, hoạt động thường xuyên của cấp ủy, chính quyền, địa phương, đơn vị.

Thu Trang


Các tin khác


Cao Dạ cẩm - kết tinh từ loại dược liệu quý

Từ xa xưa, đồng bào dân tộc Mường ở huyện Yên Thủy đã biết dùng cây dạ cẩm hay còn gọi là dây ruột gà, dây ngón cúi để chữa bệnh đường ruột. Dạ cẩm được các thầy lang, mế Mường, thầy thuốc nam dùng để phối trộn với một số vị thuốc nam khác thành bài thuốc chữa bệnh đường ruột hiệu quả. Ngày nay, ngày càng có nhiều người tiêu dùng biết đến công dụng của cây dạ cẩm. Để loại dược liệu quý này phát huy tối đa công dụng, HTX Nông nghiệp Yên Trị, xóm Tân Thành, xã Yên Trị (Yên Thủy) đã nghiên cứu và đưa ra thị trường sản phẩm Cao Dạ cẩm.

Hội Nông dân huyện Cao Phong: Giải ngân 300 triệu đồng Quỹ Hỗ trợ nông dân

Nhằm hỗ trợ hội viên nông dân có điều kiện phát triển sản xuất, thu nhập ổn định, từ đầu tháng 5/2024, Hội Nông dân huyện Cao Phong đã hướng dẫn Hội Nông dân các xã, thị trấn và các hội viên xây dựng dự án, bình xét các hộ có nhu cầu vay vốn. Qua khảo sát, nắm tình hình từ nhu cầu chính đáng của hội viên, Hội Nông dân huyện nhận thấy việc xây dựng "mô hình chăn nuôi dê sinh sản” tại xã Hợp Phong là cần thiết.

Huyện Kim Bôi: Phấn đấu đến hết năm 2025, có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao

Tính đến nay, huyện Kim Bôi có 6/16 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), gồm các xã: Nam Thượng, Sào Báy, Vĩnh Đồng, Mỵ Hòa, Đông Bắc, Vĩnh Tiến (đạt 37,5%); chưa có xã đạt chuẩn NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu.

Huyện Tân Lạc: Các xã tăng tốc về đích nông thôn mới

Tính đến nay, huyện Tân Lạc chưa có xã nào đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao, có 10/15 xã đạt chuẩn NTM, bình quân đạt 16,0 tiêu chí/xã. Theo kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng NTM năm 2024, huyện đặt mục tiêu năm nay có thêm 1 xã đạt chuẩn NTM là Ngổ Luông; 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao là Đông Lai và Tử Nê; phấn đấu đến cuối năm, bình quân đạt 16,5 tiêu chí/xã và có thêm 3 sản phẩn OCOP được công nhận.

Hội Liên hiệp phụ nữ xã Quyết Thắng: Hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế

Xác định hỗ trợ hội viên phụ nữ phát triển kinh tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, góp phần xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, thời gian qua, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Quyết Thắng (Lạc Sơn) đã có nhiều hoạt động thiết thực giúp hội viên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV: Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản quy định 13 điểm mới có lợi cho nhà đầu tư

Theo chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Quốc hội dự kiến sẽ thông qua hiệu lực của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) sửa đổi vào ngày 1/8/2024, sớm hơn 6 tháng. Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) Hoàng Hải cho biết, các quy định sửa đổi, bổ sung mới có lợi cho người dân, doanh nghiệp đang được dư luận quan tâm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục