Từ ngày 16/6, đoàn công tác của tỉnh Hòa Bình do đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn đã tham gia Chương trình quảng bá địa phương Việt Nam tại Vương quốc Hà Lan và Cộng hoà Liên bang Đức. Tham gia đoàn công tác có lãnh đạo các Sở: TN&MT, GTVT, Tài chính, Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch tỉnh, Huyện uỷ Lương Sơn và Cao Phong. Cùng tham gia Chương trình quảng bá Việt Nam có lãnh đạo các tỉnh: Đắk Nông, Quảng Bình, Phú Yên, Ninh Thuận.

Sáng 17/6 (giờ địa phương), đoàn công tác các tỉnh đã làm việc với chính quyền thành phố Westland. Tiếp và làm việc với đoàn có ngài Bouke Arends, Thị trưởng thành phố Westland, Hà Lan. Cùng tham gia buổi làm việc có ông Ngô Hướng Nam, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa XHCN Việt Nam tại Vương quốc Hà Lan; bà Trần Thị Thu Thìn, Cục phó Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao; lãnh đạo, cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan cùng lãnh đạo đại diện các tỉnh.


Đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tặng quà lưu niệm ngài Thị trưởng thành phố Westland.

Hai bên đã trao đổi, thảo luận về tiềm năng, thế mạnh của các địa phương. Thị trưởng thành phố Westland cho biết, Westland là thủ phủ của nông nghiệp Hà Lan, nổi tiếng về rau và hoa quả. Trên cơ sở hợp tác, chính quyền thành phố Westland mong muốn có thể đóng góp một phần vào sự phát triển của nông nghiệp Việt Nam. Ngài thị trưởng đánh giá tiềm năng của Việt Nam rất lớn, đa số là lao động trẻ, đông và có trình độ; chính quyền thành phố rất kỳ vọng và trông đợi vào sự hợp tác của các tỉnh sau chuyến quảng bá lần này.

Về phía Việt Nam bày tỏ mong muốn thành phố Westland, Hà Lan chuyển giao công nghệ nông nghiệp cho Việt Nam, đồng thời mong muốn ngài Thị trưởng cũng như các nhà đầu tư (NĐT) Hà Lan có thể đến thăm các tỉnh của Việt Nam để hợp tác đầu tư cùng phát triển.

Cũng trong buổi làm việc, trên cơ sở thống nhất cao, hai bên đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác trong thời gian tới. Theo đó, nội dung và phương thức hợp tác được chia làm 5 giai đoạn, gồm giai đoạn 1 tìm hiểu thực trạng trồng trọt của địa phương nhằm tìm hiểu đầy đủ các mục tiêu, vấn đề và lợi ích chung để quyết định hợp tác. Giai đoạn 2 làm rõ hơn mục tiêu và sự quan tâm của các bên nhằm làm rõ vai trò của từng bên trong quá trình hợp tác. Giai đoạn 3 thoả thuận phương thức hợp tác. Giai đoạn 4 định hình giải pháp cụ thể hoá các hình thức hợp tác dựa trên các trao đổi đã thống nhất. Giai đoạn 5 thực hiện và đánh giá việc hợp tác sau khi đã đạt được thoả thuận và đi vào triển khai cụ thể.

Ngay sau buổi làm việc, lãnh đạo Đại sứ quán Việt Nam, chính quyền thành phố Westland và đại diện các tỉnh đã tham gia chương trình tọa đàm giới thiệu tiềm năng, chính sách thu hút đầu tư của các địa phương. Tham dự có ông Ngô Hướng Nam, Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Hà Lan; ngài Bouke Arends, Thị trưởng thành phố Westland; ngài Ivo Meijer, Giám đốc Cơ quan ngoại vụ Westland và hơn 100 đại biểu là các doanh nghiệp, NĐT đến từ Hà Lan.


Chính quyền thành phố Westland thăm gian trưng bày sản phẩm OCOP Việt Nam tại buổi tọa đàm.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Ngô Hướng Nam cho biết, quan hệ giữa Việt Nam và Hà Lan đã có truyền thống lâu đời và vô cùng tốt đẹp. Giao lưu hợp tác giữa các địa phương thời gian qua phát triển mạnh mẽ, ngày càng đi vào chiều sâu và trở thành điếm nhấn trong quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước. Buổi tọa đàm sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới, đóng góp vào mục tiêu phát triển, góp phần tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và các nhà đầu tư, doanh nghiệp Hà Lan.

Đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh đã khẳng định tỉnh Hoà Bình có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển. Ngoài cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, con người thân thiện, Hoà Bình còn là vùng đất có bản sắc văn hoá độc đáo. Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền và nhân dân tỉnh Hòa Bình không ngừng nỗ lực phấn đấu để phát triển KT-XH, nâng cao đời sống nhân dân.

Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, tỉnh Hoà Bình mong muốn hợp tác đầu tư trên tất cả các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, thương mại dịch vụ và hợp tác kinh tế nhiều mặt. Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ kỳ vọng các doanh nghiệp, NĐT tại Hà Lan trong thời gian tới sẽ trở thành một trong những NĐT quan trọng đối với địa phương. Đồng thời cam kết: "Chính quyền tỉnh Hòa Bình luôn trân trọng, nồng nhiệt chào đón các bạn; luôn hỗ trợ đồng hành cùng doanh nghiệp và NĐT để cùng phát triển”.

Trong khuôn khổ tọa đàm, đại diện chính quyền, các tổ chức, NĐT, doanh nghiệp tại Hà Lan đã bày tỏ sự quan tâm đến thị trường Việt Nam, nhất là đối với lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Các đại biểu cùng thảo luận và giới thiệu các công nghệ trong chuỗi giá trị sản xuất sản phẩm nông nghiệp, kỳ vọng sẽ có sự hợp tác lâu dài và bền vững nhằm phát triển kinh tế, lợi ích cho cả hai bên.

Đinh Hòa - Tuấn Anh
(Trung tâm XTĐTTM&DL tỉnh) 

Các tin khác


Toàn tỉnh có 210 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới

Theo báo cáo của UBND tỉnh, 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có 210 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tổng số vốn đăng ký thành lập trên 4.750 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước.

Thu ngân sách nhà nước 5 tháng đạt gần 73% dự toán pháp lệnh

Theo Cục Thuế tỉnh, tính đến hết tháng 5/2024, tổng thu ngân sách nhà nước của tỉnh thực hiện khoảng 2.758,5 tỷ đồng, đạt 72,9% dự toán pháp lệnh, đạt 50,2% dự toán HĐND tỉnh, bằng 202,3% so với cùng kỳ. Trong đó, thu tiền sử dụng đất thực hiện khoảng 1.330,9 tỷ đồng, đạt 161,7% dự toán pháp lệnh, đạt 66,5% dự toán HĐND tỉnh; thu thuế, phí (trừ tiền sử dụng đất) thực hiện 1.427,7 tỷ đồng, đạt 48,3% dự toán pháp lệnh, đạt 40,8% dự toán HĐND tỉnh.

Cao Dạ cẩm - kết tinh từ loại dược liệu quý

Từ xa xưa, đồng bào dân tộc Mường ở huyện Yên Thủy đã biết dùng cây dạ cẩm hay còn gọi là dây ruột gà, dây ngón cúi để chữa bệnh đường ruột. Dạ cẩm được các thầy lang, mế Mường, thầy thuốc nam dùng để phối trộn với một số vị thuốc nam khác thành bài thuốc chữa bệnh đường ruột hiệu quả. Ngày nay, ngày càng có nhiều người tiêu dùng biết đến công dụng của cây dạ cẩm. Để loại dược liệu quý này phát huy tối đa công dụng, HTX Nông nghiệp Yên Trị, xóm Tân Thành, xã Yên Trị (Yên Thủy) đã nghiên cứu và đưa ra thị trường sản phẩm Cao Dạ cẩm.

Hội Nông dân huyện Cao Phong: Giải ngân 300 triệu đồng Quỹ Hỗ trợ nông dân

Nhằm hỗ trợ hội viên nông dân có điều kiện phát triển sản xuất, thu nhập ổn định, từ đầu tháng 5/2024, Hội Nông dân huyện Cao Phong đã hướng dẫn Hội Nông dân các xã, thị trấn và các hội viên xây dựng dự án, bình xét các hộ có nhu cầu vay vốn. Qua khảo sát, nắm tình hình từ nhu cầu chính đáng của hội viên, Hội Nông dân huyện nhận thấy việc xây dựng "mô hình chăn nuôi dê sinh sản” tại xã Hợp Phong là cần thiết.

Huyện Kim Bôi: Phấn đấu đến hết năm 2025, có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao

Tính đến nay, huyện Kim Bôi có 6/16 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), gồm các xã: Nam Thượng, Sào Báy, Vĩnh Đồng, Mỵ Hòa, Đông Bắc, Vĩnh Tiến (đạt 37,5%); chưa có xã đạt chuẩn NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu.

Huyện Tân Lạc: Các xã tăng tốc về đích nông thôn mới

Tính đến nay, huyện Tân Lạc chưa có xã nào đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao, có 10/15 xã đạt chuẩn NTM, bình quân đạt 16,0 tiêu chí/xã. Theo kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng NTM năm 2024, huyện đặt mục tiêu năm nay có thêm 1 xã đạt chuẩn NTM là Ngổ Luông; 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao là Đông Lai và Tử Nê; phấn đấu đến cuối năm, bình quân đạt 16,5 tiêu chí/xã và có thêm 3 sản phẩn OCOP được công nhận.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục