Nhờ vốn chính sách, gia đình chị Sùng Y Nông, xã Pà Cò (Mai Châu) đã phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống, đem lại thu nhập ổn định.
Một ngày trung tuần tháng 6, chúng tôi có dịp tham gia một buổi giao dịch của NHCSXH huyện Mai Châu, tại xã Pà Cò. Đây là xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn, nơi sinh sống của trên 600 hộ đồng bào Mông. Hôm nay, bà Mùa Y Số, xóm Cang đến điểm giao dịch xã để trả khoản vay 50 triệu đồng. Trước đây, gia đình bà Số chỉ có 1 con bò, thu nhập chính đến từ hơn 1 ha ngô. Nhận thấy tiềm năng nuôi bò sinh sản, gia đình bà đã vay 50 triệu đồng từ NHCSXH để mua thêm 1 cặp bò sinh sản. Đến nay, đàn bò tăng lên 7 con. Bà Số chia sẻ: "Trước đây khó khăn lắm, nhờ vốn vay từ NHCSXH huyện mới mua được cây giống, con giống để phát triển kinh tế. Bây giờ con bò, con lợn đã sinh sản, gia đình có thu nhập ổn định nên trả hết nợ cho ngân hàng, khi nào cần mở rộng sản xuất mới tiếp tục vay”.
Đến xóm Pà Cò 1, dấu ấn của vốn chính sách cũng khá đậm nét. Như chia sẻ của bà con nơi đây, con trâu, con bò có được phần lớn là nhờ vay vốn chính sách. Mấy năm trước, gia đình chị Sùng Y Nông, xóm Pà Cò 1 cũng mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ NHCSXH để chăn nuôi bò và đầu tư làm thổ cẩm. Nếu như trước đây, công việc hàng ngày của chị Nông gắn liền với nương rẫy thì nay vẽ sáp ong, dệt thổ cẩm là công việc đem lại thu nhập ổn định cho gia đình. "Nhờ vốn chính sách mà gia đình đã khôi phục, phát triển nghề dệt thổ cẩm để bán sản phẩm ra nước ngoài. Tính ra, có tháng cao nhất thu được trên 20 triệu đồng, còn bình quân mỗi tháng được khoảng 10-15 triệu đồng”, chị Nông chia sẻ.
Đồng chí Phàng A Chà, Phó Chủ tịch UBND xã Pà Cò nhấn mạnh: Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đời sống người dân được cải thiện từng ngày. Trong đó, TDCS đóng vai trò rất quan trọng trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Nguồn vốn không chỉ giúp nhiều hộ thoát nghèo, mà còn vươn lên làm giàu với những hướng phát triển kinh tế mới, như: làm du lịch cộng đồng, trồng cà chua, chè shan tuyết, đậu đỗ. Hiện nay, xã Pà Cò có trên 400 hộ vay vốn từ NHCSXH để phát triển kinh tế.
Sự chuyển mình tích cực của đất khó Pà Cò là minh chứng cho sự vươn lên của nhiều vùng quê trong tỉnh khi có sự hiện diện của TDCS. Đồng chí Nguyễn Minh Hưng, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh cho biết: Hơn 20 năm qua, TDCS luôn là chỗ dựa tin cậy cho người nghèo và các đối tượng chính sách, đặc biệt từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW đã tác động mạnh mẽ đến công tác TDCS. Tính trong 10 năm qua, chi nhánh đã giải ngân trên 10.473 tỷ đồng cho hơn 347,4 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn. Đến nay, tổng dư nợ các chương trình TDCS đạt trên 5.096 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng hằng năm đạt 17%, gấp 2,7 lần so với trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW. TDCS tiếp tục được đánh giá là một trong những "trụ cột” quan trọng trong hệ thống các chính sách giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.
Viết Đào