Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đà Bắc giải ngân vốn vay tại điểm giao dịch xã Toàn Sơn.
Cũng như ông Sự, nhiều người dân dễ dàng đến giao dịch hoặc tìm hiểu các dịch vụ tài chính của NHCSXH ngay tại trụ sở UBND xã/thị trấn thay vì phải đến trụ sở ngân hàng. Đều đặn vào một ngày cố định hàng tháng, các điểm giao dịch đặt tại trụ sở UBND xã/thị trấn tổ chức các phiên giao dịch để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, đảm bảo giải ngân nguồn vốn đúng đối tượng, đúng thời điểm và thực hiện hiệu quả công tác thu nợ định kỳ. Các phiên giao dịch được trang bị đầy đủ điều kiện hoạt động, bảo đảm an ninh, an toàn, tạo thuận lợi cho các loại giao dịch cũng như đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin của người dân.
Theo NHCSXH huyện Đà Bắc, hiện nay, các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH) phối hợp NHCSXH đều đặn triển khai giao dịch hàng tháng tại 17/17 điểm giao dịch đặt tại trụ sở UBND xã, thị trấn. Tính đến ngày 31/5/2024, toàn huyện có 244 tổ tiết kiệm và vay vốn với tổng dư nợ gần 608 tỷ đồng, giải ngân cho khoảng 10.400 hộ vay vốn. Điều đáng ghi nhận là có tới 97,1% tổ tiết kiệm và vay vốn không có nợ quá hạn. Đây là kết quả của việc triển khai có hiệu quả phương thức cho vay đặc thù của hệ thống NHCSXH là ủy thác qua các tổ chức CT-XH. Với tinh thần "phục vụ tại nhà, giải ngân, thu nợ tại xã”, phương thức cho vay ủy thác qua các tổchức CT-XH đã phát huy hiệu quả cao, giúp cho tín dụng chính sách (TDCS) đến được với hàng nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Trên phạm vi toàn tỉnh, hoạt động tại các điểm giao dịch xã đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đến trả nợ, nhận tiền vay hoặc giải quyết, xử lý các công việc liên quan đến hoạt động TDCS, giúp người vay tiết kiệm thời gian, giảm chi phí đi lại. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát hoạt động của NHCSXH tại cơ sở. Bên cạnh đó, phương thức ủy thác cho các tổ chức CT-XH hoạt động tại các điểm giao dịch xã cho thấy hiệu quả cao. Với tinh thần "phục vụ tại nhà, giải ngân, thu nợ tại xã”, công tác ủy thác đã đưa vốn TDCS đến các đối tượng thụ hưởng một cách nhanh chóng, kịp thời với quy mô rộng lớn, đảm bảo công khai, dân chủ, hơn nữa còn giúp các tổ chức CT-XH nhận ủy thác có điều kiện tiếp xúc, gắn kết với cộng đồng dân cư thông qua hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn, thu hút nhiều hội viên, thực hiện công tác tuyên truyền, vận động hiệu quả hơn..., góp phần củng cố vững chắc hệ thống chính trị tại cơ sở.
Thống kê đến ngày 30/4/2024, tổng dư nợ TDCS tại 4 tổ chức CT-XH nhận ủy thác đang phối hợp quản lý là 5.027,6 tỷ đồng, tăng 3.196 tỷ đồng, gấp 1,7 lần so với năm 2014, chiếm tỷ trọng 99,6% tổng dư nợ NHCSXH. Cùng với đó, công tác đôn đốc thu hồi nợ được chú trọng, đặc biệt quan tâm nâng cao chất lượng tín dụng tại các địa phương. Kết quả đến nay, nợ quá hạn của NHCSXH chiếm 0,03% tổng dư nợ. Nhờ nâng cao hiệu quả phương thức ủy thác cho các tổ chức CT-XH đã góp phần tạo bước đột phá nâng cao chất lượng TDCS. Đây cũng chính là điểm sáng trong 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với TDCS xã hội.
Khánh An