Cũng như những lần tăng lương trước đây, bên cạnh tâm lý phấn khởi khi được tăng lương, đa phần người dân lo ngại giá cả thị trường có thể "té nước theo mưa".


Người dân mua hàng tại Siêu thị Go!, Big C Thăng Long, Hà Nội. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Mức lương cơ sở chính thức được điều chỉnh tăng thêm 30%, mức cao nhất trong lịch sử, từ 1,8 triệu đồng/người/tháng lên 2,34 triệu đồng/người/tháng; lương hưu cũng điều chỉnh tăng 15%; mức lương tối thiểu (theo tháng và theo giờ) tăng 6% so với năm 2023. Cũng như những lần tăng lương trước đây, bên cạnh tâm lý phấn khởi khi được tăng lương, đa phần người dân lo ngại giá cả thị trường có thể "té nước theo mưa". Vậy tăng lương sẽ là động lực kích thích tăng trưởng hay sẽ tác động làm gia tăng lạm phát cho nền kinh tế? Để cùng làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên TTXVN đã có trao đổi với TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thuộc Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Từ ngày 1/7, mức lương cơ sở đã chính thức được điều chỉnh tăng. Ông đánh giá như thế nào về những tác động tích cực của chính sách này đối với nền kinh tế?

Trong 6 tháng đầu năm 2024, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng tương đối tốt; trong đó động lực tăng trưởng đầu tàu là kinh tế đối ngoại với hoạt động xuất nhập khẩu khởi sắc so với năm 2023. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, mặc dù nhu cầu tiêu dùng trong nước đã có sự gia tăng so với cùng kỳ năm trước, nhưng so với cùng giai đoạn tăng trưởng trước năm 2020, thời điểm dịch COVID-19 chưa tác động đến nền kinh tế Việt Nam, nhu cầu tiêu dùng và dịch vụ hàng hóa trong nước vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng và sự phục hồi của nền kinh tế.

Vì vậy, đợt tăng lương lần này cùng với các giải pháp kích cầu tiêu dùng trong nước khác của Chính phủ được kỳ vọng sẽ hỗ trợ Việt Nam tăng tổng cầu nền kinh tế. Trong bối cảnh doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, một số doanh nghiệp vẫn đang trong trạng thái sản xuất cầm chừng, việc hỗ trợ tăng lương trong giai đoạn này, bao gồm lương tối thiểu, tăng lương hưu và lương cho những người phụ thuộc tiền ngân sách hàng năm, hàng tháng, sẽ giúp người lao động có thu nhập thấp, người phụ thuộc lương hưu tối thiểu đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống. Do vậy, vấn đề an sinh xã hội và mức sống tối thiểu của người lao động sẽ được đảm bảo hơn.

Bên cạnh các tác động tích cực như ông vừa chia sẻ, vẫn có nhiều lo ngại rằng việc tăng lương sẽ tạo ra áp lực tăng giá các mặt hàng nói chung. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

Về nguyên tắc, tăng lương sẽ tạo ra những yếu tố đẩy áp lực lạm phát về cuối năm. Bởi khi tăng lương, người lao động hưởng lương từ ngân sách nhà nước chiếm khoảng 8% lực lượng lao động, một phần sẽ đưa vào tích lũy và một phần sẽ phải tiêu dùng. Như vậy, điều này sẽ tạo ra một cầu kéo mới cho tăng trưởng về hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong nước. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nói chung mặc dù đã có sự chuẩn bị nhưng vẫn sẽ đối mặt với những yếu tố khiến chi phí đầu vào gia tăng do phát sinh thêm chi phí lao động có thể từ việc trả lương hoặc bảo hiểm xã hội, vì vậy, các khoản dành cho người lao động sẽ phải tăng lên.

Đợt tăng lương năm 2008, năm 2011 trùng thời điểm lạm phát "phi mã” hai chữ số, nhưng theo chuyên gia là do bất ổn chính sách tiền tệ, tài khóa chứ không vì tăng lương. Còn tăng lương lần này liệu có tạo ra áp lực lạm phát không, thưa ông?

Trước hết, các yếu tố phải có sự đồng thuận từ nhiều bên. Đợt tăng lương năm 2008 và năm 2011 trùng với thời điểm nền kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng tài chính kinh tế nghiêm trọng, do đó đã có những tác động tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam.

So với giai đoạn 2008 - 2011, thời điểm hiện nay là một bức tranh hoàn toàn khác. Mặc dù thế giới có những vấn đề căng thẳng, áp lực lạm phát cũng như các cuộc đua chạy đua lãi suất gia tăng, nhưng nhờ việc kiểm soát tốt giúp ổn định kinh tế vĩ mô đã giúp Việt Nam trở thành một môi trường đầu tư ổn định, hấp dẫn, thu hút được lượng vốn đầu tư nước ngoài kỷ lục. Nhờ việc ổn định cán cân nền kinh tế giúp Việt Nam kiểm soát được lạm phát. Qua đó, nợ Chính phủ trên GDP đã giảm xuống thấp, có sự ổn định dài hạn.

Trước dịch COVID-19, kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng khá, việc ổn định các chính sách tiền tệ chúng ta cũng như chính sách tài khóa đã giúp việc tập trung ổn định kinh tế vĩ mô tốt. Từ lạm phát, tỷ giá cho đến lãi suất tương đối cân bằng. Trong giai đoạn đó, mặc dù Việt Nam cũng có những giải pháp có tính chất tình thế ở trong những giai đoạn nhất định.

Ví dụ như năm 2022,  Việt Nam đã phải có những giải pháp tình thế để xử lý những cái bất ổn bên ngoài cũng như một số rủi ro bên trong. Tuy nhiên, về cơ bản là Việt Nam đã thành công. Thêm vào đó, sự hỗ trợ của kinh tế đối ngoại trong giai đoạn vừa qua đã có những đột phá lớn so với giai đoạn trước đó, tạo ra sự yên tâm lớn về cán cân thanh toán.

Cùng với chính sách tăng lương, Chính phủ cũng đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để tránh tình trạng "tăng lương - tăng giá”. Ông đánh giá như thế nào về chính sách điều hành giá cả của Chính phủ trong thời gian qua?

Mặc dù thế giới rơi vào trạng thái lạm phát, bất ổn, nợ công tăng cao bởi trong giai đoạn COVID-19, nhiều nước đã có những chính sách tài khóa mở rộng, can thiệp hỗ trợ làm bệ đỡ cho tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó, Việt Nam cũng đã có những chương trình hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp và người lao động, bên cạnh đó là những chính sách tương đối hài hòa. Chính phủ Việt Nam đã sử dụng nhiều biện pháp kết hợp và tương đối hài hòa để thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế cũng như hỗ trợ doanh nghiệp, người kinh doanh và người lao động.

Việt Nam đã thực hiện chính sách tài khóa mở rộng bao gồm các chính sách hỗ trợ trực tiếp, đầu tư công, tăng lương cho các thành phần kinh tế và người lao động. Bên cạnh đó, việc Ngân hàng Nhà nước linh hoạt trong việc điều hành chính sách tiền tệ, xử lý những rủi ro tài chính trong nước, đối phó với áp lực lãi suất và tỷ giá của những năm trước đây cho đến đầu năm nay, đều được đánh giá cao. Những chính sách kết hợp của Ngân hàng Nhà nước, đặc biệt là chính sách kỹ thuật và tiền tệ, đã giúp Việt Nam ổn định vững chắc nhất định vào sự phục hồi của nền kinh tế.

Ngoài sức ép từ tăng lương lên mặt bằng giá cả nửa cuối năm 2024, các cơ quan có thẩm quyền sẽ điều chỉnh giá một số mặt hàng Nhà nước quản lý theo lộ trình (như giá điện, học phí đại học, giá dịch vụ y tế...). Vậy theo ông, cần có giải pháp gì để tránh hiện tượng "té nước theo mưa”?

Việc kiểm soát giá đối với những mặt hàng Nhà nước có thể kiểm soát được, cộng với việc bình ổn những mặt hàng thiết yếu đã trở thành một công cụ của Nhà nước trong quá trình ổn định sự biến động của lạm phát. Từ nay đến cuối năm, Việt Nam vẫn kiểm soát nhưng cũng phải tính đến khả năng chịu đựng của các ngành đó.

Nhằm tránh áp lực lạm phát từ nay đến cuối năm, đặc biệt là lạm phát cơ bản, Việt Nam cũng nên đưa ra một sự điều phối có lộ trình. Nếu đã tăng giá các mặt hàng theo lộ trình với những mặt hàng Nhà nước kiểm soát giá, Chính phủ nên cân nhắc đến việc không áp thêm các loại thuế mới với người dân và doanh nghiệp. Bởi bên cạnh việc tăng trưởng và đảm bảo nguồn thu ngân sách, yếu tố ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là một vấn đề hết sức quan trọng.

Trân trọng cảm ơn ông!


Theo TTXVN

Các tin khác


Thành phố Hòa Bình giao trách nhiệm cho các đơn vị đẩy nhanh tiến độ giải ngân

Cấp ủy, chính quyền thành phố Hòa Bình đang tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị được giao quản lý dự án đôn đốc các nhà thầu thi công nghiệm thu khối lượng hoàn thành, làm thủ tục thanh toán với Kho bạc Nhà nước. Đồng thời, rà soát, nắm bắt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của từng dự án, kịp thời đề xuất UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh kế hoạch vốn đối với những dự án không có khả năng giải ngân hoặc giải ngân đạt thấp sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn.

Kỳ vọng áp lực tỷ giá giảm nhiệt

Tỷ giá VND/USD gần đây đang có có dấu hiệu hạ nhiệt và được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì xu hướng tích cực này trong thời gian còn lại của năm. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, dù áp lực lên tỷ giá có thể giảm bớt, sức mạnh của đồng bạc xanh và những biến động khó lường từ thị trường ngoại hối quốc tế vẫn sẽ là thách thức đối với việc điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Áp lực giải ngân đầu tư công ngành giao thông

Trong điều kiện một số dự án đang tiếp tục hoàn thiện thủ tục đầu tư, gặp khó khăn, vướng mắc trong đền bù giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, thủ tục cấp mỏ vật liệu xây dựng chưa được xử lý dứt điểm, điều kiện thời tiết bất lợi cuối năm,... là những yếu tố tiềm ẩn thách thức đối với mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2024.

Chi 100 triệu đồng để xử lý sạt lở cống đê Ngòi Dong, thành phố Hòa Bình

Ngày 15/8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Công Sứ đã ký ban hành Công văn số 1359/UBND-KTTH về việc hỗ trợ kinh phí để xử lý giờ đầu sự cố sạt lở tại hạ lưu cống CĐ34 (Km0+820) đê Ngòi Dong, thành phố Hòa Bình.

Đánh giá kết quả thực hiện thu ngân sách nhà nước 7 tháng năm 2024

Sáng 15/8, Ban chỉ đạo đôn đốc thu, nộp ngân sách nhà nước tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện thu ngân sách 7 tháng. Đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Mùa thu hái “lộc rừng” ở Bà Rà

Sau những ngày mưa thẫm đất, gia đình anh Triệu Lục Liên lại nắm cơm, mang nước kéo nhau lên rừng. Hơn 2ha rừng của gia đình ngoài trồng keo thì phần lớn là trồng bương, vầu để lấy măng. Theo ước tính, vụ măng năm nay gia đình anh có thêm nguồn thu hàng chục triệu đồng...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục