Hội nữ Doanh nhân Hòa Bình phối hợp với Ban công tác xã hội - cộng đồng, Hiệp hội nữ Doanh nhân Việt Nam tặng quà các hộ dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 trên địa bàn tỉnh.
Nỗ lực đóng góp cho nền kinh tế
4 năm qua là khoảng thời gian khó khăn của DN. Đại dịch Covid-19 khiến chuỗi cung ứng bị đình trệ, tê liệt, dẫn đến khan hiếm nguyên vật liệu sản xuất, thiếu hụt lao động, việc làm... Tuy nhiên, cộng đồng trên 4.200 DN; gần 600 tổ chức kinh tế tập thể và đội ngũ doanh nhân Hòa Bình luôn nêu cao tinh thần vượt khó, nỗ lực thích ứng, chủ động điều chỉnh mô hình sản xuất, kinh doanh, tăng cường ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, tìm kiếm các giải pháp thúc đẩy sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ...
Cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng ủng hộ và nỗ lực lớn của cộng đồng DN, tình hình KT-XH trên địa bàn tỉnh phục hồi, có bước phát triển, đạt kết quả tích cực. Tính đến hết 9 tháng năm nay, chỉ số sản xuất công nghiệp cộng dồn ước tăng 12,1% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số sản xuất ngành công nghiệp quý III/2024 tăng 32,08% so với quý II/2024. Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ 9 tháng ước đạt trên 55 nghìn tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1.478 triệu USD, tăng 20,7% so với cùng kỳ.
Cũng như cả nước, cơ cấu, quy mô DN của Hòa Bình còn khiêm tốn, với khoảng 98% là DN quy mô nhỏ, siêu nhỏ. Tuy nhiên, theo Cục Thuế tỉnh, 9 tháng qua, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 4.800 tỷ đồng, trong đó các DN đóng góp khoảng 70%. Năm 2023, có 28 DN nộp ngân sách trên 10 tỷ đồng với tổng số tiền nộp ngân sách gần 3.000 tỷ đồng. Các DN giải quyết việc làm ổn định cho gần 84 nghìn người lao động, thu nhập bình quân từ 5,5 - 6,2 triệu đồng/người/tháng; các hợp tác xã (HTX) thu hút 16,3 nghìn thành viên và 28 nghìn lao động tham gia, thu nhập bình quân đạt gần 5 triệu đồng/người/tháng.
Nhiều DN, HTX đã đầu tư vào sản xuất sản phẩm hàng hóa chủ lực, xây dựng liên kết giữa DN và nông dân, đưa công nghệ mới vào phát triển sản xuất, đổi mới công nghệ, tăng khả năng và quy mô sản xuất. Nhiều mô hình mới được thành lập, hoạt động hiệu quả, góp phần xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống người dân.
Mặc dù khó khăn nhưng các DN, doanh nhân rất tích cực tham gia công tác an sinh xã hội, thiện nguyện, tham gia hỗ trợ, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Hàng năm, các DN đã đóng góp hàng trăm tỷ đồng cho công tác an sinh xã hội, tiêu biểu như: Agribank, BIDV, các Công ty: Dạ Hợp, Hoàng Sơn, Vĩnh Sơn, Định Nhuận, Anh Kỳ, Mỹ Phong, Sao Vàng...
Sát cánh cùng doanh nghiệp phát triển
Với phương châm: Theo sát bước chân của nhà đầu tư; hỗ trợ tối đa, nhanh chóng và kịp thời; DN phát triển thì tỉnh mới phát triển; hỗ trợ tích cực cho cộng đồng DN là cách hiệu quả nhất để thúc đẩy KT-XH tiếp tục vững bước trên con đường phát triển. Thời gian qua, Hòa Bình tiếp tục bám sát các nghị quyết, chỉ thị của Chính phủ về hỗ trợ, đồng hành cùng DN và xây dựng hệ thống hỗ trợ DN từ tỉnh đến các địa phương, kịp thời nắm bắt thông tin, hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc cho DN.
Cùng với đó, tỉnh duy trì nhiều năm hoạt động đối thoại, giao ban để trao đổi, lắng nghe, tổng hợp những phản ánh của các nhà đầu tư, DN. Ban Chỉ đạo các dự án trọng điểm do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban, họp định kỳ 2 lần/tháng, kịp thời chỉ đạo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương liên quan hỗ trợ DN, nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện các dự án.
Năm 2023, môi trường đầu tư được cải thiện, năng lực cạnh tranh của tỉnh được nâng lên. Chỉ số cải cách hành chính tỉnh Hòa Bình xếp thứ 23 tỉnh, thành phố. Đặc biệt, tính đến tháng 12/2023, Hòa Bình xếp thứ 8 cả nước về chỉ số phục vụ người dân, DN trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công. Hiện nay, thủ tục đăng ký thành lập DN được cấp trong ngày; thời gian cấp phép xây dựng trung bình là 14 ngày…
Với tư duy mới, tầm nhìn mới, Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1648, ngày 20/12/2023. Trong đó, Hòa Bình định hướng phát triển bao trùm, hài hòa; kinh tế phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế liền kề với thành phố Hà Nội, nằm trong quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội, đồng thời là cửa ngõ kết nối Hà Nội với tiểu vùng Tây Bắc; tập trung vào bốn trụ cột gồm: công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; du lịch; nhà ở vệ tinh gắn với giữ gìn bản sắc và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.
Đây chính là cơ hội mới góp phần củng cố, định hình môi trường đầu tư của tỉnh, từ đó kiến tạo, mở thêm cơ hội và mở đường cho các nhà đầu tư, DN tiếp tục có những cơ hội đóng góp, đồng hành cùng địa phương phát triển, tạo tiền đề đưa Hòa Bình "cất cánh” trên hành trình hội nhập.
Phát biểu tại chương trình gặp mặt DN, HTX tiêu biểu xuân 2024, Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khánh đã kêu gọi DN, doanh nhân tiếp tục có nhiều đóng góp tích cực, cùng tỉnh hoàn thành các nhiệm vụ phát triển KT-XH đã đề ra. Đồng thời khẳng định, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách, giải pháp để tiếp sức cho đội ngũ doanh nhân, cộng đồng DN phát triển. Đây là điểm tựa tinh thần quan trọng giúp đội ngũ doanh nhân vững tin, phát triển toàn diện, đạt hiệu quả cao trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ đó tạo sức bật cho sự phát triển chung của tỉnh.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 - 2025 đối với 13 tỉnh, thành phố gồm: Bắc Giang, Cần Thơ, Đắk Lắk, Đồng Nai, Gia Lai, Khánh Hòa, Lào Cai, Ninh Thuận, Quảng Ninh, Phú Yên, Thái Bình, Tiền Giang, Vĩnh Long.