Đoàn công tác Ban Chỉ đạo các dự án trọng điểm của tỉnh kiểm tra tiến độ giải phóng mặt bằng dự án Nhà máy sản xuất vôi và bột nhẹ Xuân Thiện Hòa Bình.
Dự án Nhà máy xi măng Xuân Thiện Hòa Bình có quyết định chủ trương đầu tư tháng 12/2021, tổng diện tích khu vực mặt bằng nhà máy là 77,22 ha. Trong tổng diện tích 77,77 ha chủ đầu tư cần GPMB để thực hiện dự án, có 75,3 ha là đất thỏa thuận chuyển nhượng của 71 hộ gia đình, cá nhân, tương ứng với 203 thửa đất; 2,47 ha là đất do UBND xã Yên Bồng quản lý. Đối với diện tích GPMB thông qua hình thức thỏa thuận chuyển nhượng, đến nay, chủ đầu tư đã kiểm đếm và lập phương án đền bù cho 67 hộ với tổng diện tích 68,83 ha. Trong đó, diện tích đã trả tiền và hoàn thành GPMB là 24,55 ha với 88 thửa đất; diện tích chưa thỏa thuận được là 44,28 ha với 99 thửa đất; diện tích chưa đồng ý kiểm đếm là 6,47 ha với 16 thửa đất của 11 hộ gia đình.
Ông Nguyễn Huy Hoàng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xuân Thiện Hòa Bình trao đổi: Đây là dự án doanh nghiệp phải tự thỏa thuận với các hộ dân về giá đền bù. Quá trình thực hiện, có những hộ yêu cầu giá quá cao, khác xa các hộ lân cận nên Công ty chưa thống nhất được toàn bộ các hộ dân vì nếu tăng giá cho 1 hộ thời điểm này là phá hủy toàn bộ kết quả cũ. Ngoài ra, còn các vướng mắc trong quá trình đền bù GPMB liên quan đến đất đai, giấy tờ, như: một số thửa đất vẫn chưa được cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) mới nên chưa thực hiện được chuyển nhượng. Người được cấp GCN đã mất và chưa làm thừa kế. Một số trường hợp bị mất GCN nên chưa thể làm thủ tục chuyển nhượng… Xác định khó mấy cũng phải thực hiện xong công việc quan trọng này, chủ đầu tư tiếp tục thỏa thuận với người dân về giá đất, hoàn thiện các thủ tục chuyển nhượng để dự án được giao đất, phấn đấu trong quý II/2025 sẽ hoàn thành thủ tục đất đai, đến quý IV/2025 có thể khởi công dự án.
GPMB cũng là "điểm nghẽn” khiến dự án Nhà máy sản xuất vôi và bột nhẹ Xuân Thiện Hòa Bình chậm so với tiến độ đề ra. Dự án này có tổng diện tích đất sử dụng 143,81 ha. Trong đó, diện tích xây dựng nhà máy sản xuất vôi và bột nhẹ 101,83 ha; diện tích xây dựng bến cảng 41,98 ha. Thực hiện GPMB dự án này, chủ đầu tư gặp khó khăn trong việc thỏa thuận với các hộ dân do GCN quyền sử dụng đất của người dân bị thất lạc rất nhiều, không đảm bảo các điều kiện để làm thủ tục chuyển nhượng, mất nhiều thời gian hoàn thiện hồ sơ về đất đai… Thêm vào đó, một số hộ chưa đồng thuận với mức giá đền bù. Cùng với nỗ lực thỏa thuận với các hộ dân về giá và phương án đền bù GPMB, công ty đang tích cực hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan đến đăng ký danh mục các dự án có chuyển đổi đất lúa, đất rừng; lập, thẩm định chuyển mục đích sử dụng rừng cho tuyến đường và nhà máy…
"Bên cạnh nỗ lực hoàn thiện thủ tục pháp lý và các nội dung thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư, chúng tôi rất mong nhận được sự hỗ trợ hiệu quả của các cấp chính quyền trong công tác đền bù GPMB để dự án sớm được giao đất. Công tác thi công xây dựng sẽ được thực hiện ngay khi được thuê đất, giao đất” - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xuân Thiện Hòa Bình bày tỏ.
Hiện nay, toàn tỉnh có 14 dự án trọng điểm, trong đó 4 dự án được triển khai trên địa bàn huyện Lạc Thủy là: Nhà máy xi măng Xuân Thiện Hòa Bình, Nhà máy sản xuất vôi và bột nhẹ Xuân Thiện Hòa Bình (triển khai tại xã Yên Bồng), Tuyến cáp treo Hương Bình, Khu du lịch văn hóa và nghỉ dưỡng Lạc Thủy (triển khai tại xã Phú Nghĩa). Ngoài dự án xây dựng tuyến cáp treo Hương Bình đã được bàn giao 100% đất sạch để đầu tư xây dựng thì 3 dự án còn lại đều gặp khó trong công tác GPMB.
Đồng chí Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch UBND huyện Lạc Thủy cho biết: Xác định tầm quan trọng của các dự án trọng điểm đối với sự phát triển của địa phương, các cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở cũng như các đơn vị liên quan đã tích cực vào cuộc, đồng hành cùng chủ đầu tư trong quá trình thực hiện dự án. Thực tế xuất hiện những khó khăn đòi hỏi cần nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, nhất là trong GPMB. Vì vậy, thời gian tới, các cơ quan chuyên môn của UBND huyện, Chi nhánh Văn phòng đất đai, UBND các xã tiếp tục phối hợp với chủ đầu tư thực hiện các nội dung công việc nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ dự án. Qua làm việc, chủ đầu tư cũng cam kết thực hiện chi trả ngay tiền đền bù GPMB cho các trường hợp đã đồng ý thỏa thuận, quyết tâm không để GPMB trở thành "điểm nghẽn" làm giảm hiệu quả đầu tư, uy tín, tầm nhìn, sức mạnh của doanh nghiệp, đồng thời không làm ảnh hưởng bất lợi đến môi trường thu hút đầu tư của huyện Lạc Thủy.
Được biết, song song với nỗ lực thực hiện các dự án trọng điểm, huyện Lạc Thủy tích cực đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công năm 2024. Đây là địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong 9 tháng cao nhất toàn tỉnh, với kết quả đến ngày 30/9, toàn huyện giải ngân đạt trên 70% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024.
Khánh An