Các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh đều đang lên phương án tăng giá cước vận chuyển.

Các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh đều đang lên phương án tăng giá cước vận chuyển.

(HBĐT) - Quyết định điều chỉnh tăng giá xăng dầu của Bộ Tài chính đã tác động không nhỏ đến các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh. Để đảm bảo hoạt động kinh doanh, loại hình doanh nghiệp này đang bắt đầu lên kế hoạch tăng giá cước.

 

Với 45 đầu xe, trong đó có 31 xe chạy tuyến Hoà Bình - Mỹ Đình, 14 xe chạy tuyến Hoà Bình – Yên Nghĩa, Công ty dịch vụ vận tải Bình An là hãng xe chủ lực của tỉnh vận tải hành khách tuyến Hoà Bình – Hà Nội. Toàn bộ xe của công ty hiện nay đều là xe chạy dầu. Bắt đầu từ ngày 24/2, giá dầu diezel tăng 3.550 đồng/lít (từ  14.750 đồng/lít lên 18.300 đồng/lít) đã tác động không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Trao đổi với chúng tôi, Ông Nguyễn Kiên Cường – Giám đốc Công ty dịch vụ vận tải Bình An cho biết: Đây là đợt tăng giá nguyên liệu lớn nhất kể từ khi chúng tôi thành lập công ty. Từ tháng 10/2009 đến nay giá xăng, dầu đã điều chỉnh nhiều lần, nhưng chúng tôi vẫn cố gắng giữ nguyên giá vé Tuy vậy với mức giá xăng dầu tăng cao như thế này thì công ty buộc lòng phải có sự điều chỉnh. Qua tìm hiểu được biết thêm, 2 – 3 năm vừa qua, chi phí đầu vào của các doanh nghiệp vận tải đã tăng khá cao do tăng giá phương tiện mua mới, lương công nhân, giá phụ tùng thay thế, giá dầu máy, lãi suất ngân hàng, giá thuê văn phòng, bảo hiểm trách nhiệm dân sự tăng…đã thực sự trở thành gánh nặng của doanh nghiệp. Có khoản chi phí như giá mua mới phương tiện, lương công nhân đã tăng tới hơn 50%. Do đó, có thể nói, việc xăng, dầu tăng giá chỉ là yếu tố tác động mạnh chứ không phải là yếu tố quyết định tăng giá cước.

 

Về phương án tăng giá cước, Ông Nguyễn Kiên Cường khẳng định: Cho đến hết ngày 1/3, Công ty dịch vụ vận tải Bình An vẫn áp dụng giá cước theo mức cũ. Tuyến Hoà Bình - Mỹ Đình là 33.000 đồng/vé, tuyến Hoà Bình – Yên Nghĩa là 28.000 đồng/vé. Hiện nay công ty đang lập phương án điều chính giá vé để đề xuất lên  Sở GT – VT, Sở Tài Chính, Cục thuế tỉnh. Khi được sự nhất trí, công ty tôi mới triển khai giá mới. Ông Cường cho biết thêm, xây dựng phương án điều chỉnh giá cước phải cân đối, phù hợp giữa lợi ích của doanh nghiệp vận tải và quyền lợi người tiêu dùng. Doanh nghiệp sẽ tính toán, điều chỉnh hợp lý để vừa không ảnh hưởng đến hoạt động, vừa giữ khách hàng và đảm bảo sự cạnh tranh. Chỉ tính riêng vấn đề giá xăng, dầu tăng sẽ làm chi phí của doanh nghiệp tăng khoảng 10%, nhưng để bù lỗ do việc tăng giá các chi phí đầu vào khác, dự kiến doanh nghiệp sẽ tăng khoảng 15 – 20% giá cước so với giá cũ.

 

Cùng chung thực tế với Công ty dịch vụ vận Bình An, các hãng Taxi trên địa bàn tỉnh ta như: Sông Đà, Hoà Bình, Nhật Anh…cũng đang rục rịch lập phương án tăng giá cước. Lãnh đạo các công ty này cho biết, vì xăng tăng 2.900 đồng/lít, tương đương với gần 18% giá cũ, trong khi giá xăng chiếm tới 30% giá cước taxi nên để đảm bảo hoạt động, các hãng Taxi buộc phải tăng giá nhưng dự kiến mức tăng cũng sẽ không quá cao để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng.

 

Các doanh nghiệp vận tải hàng hoá cũng đang lên kế hoạch tăng giá cước. Chị Nguyễn Thị Hà (tổ 5, phường Đồng Tiến, thành phố Hoà Bình) cho biết: Gia đình tôi có đội xe tải 6 chiếc, chuyên chở thuê đất và vật liệu xây dựng. Với tình hình giá xăng, dầu tăng cao, chúng tôi cũng phải tăng giá khoảng 20% thì mới duy trì hoạt động và có lãi được.

 

Đội ngũ xe ôm cũng không tránh khỏi bị tác động của cơn bão tăng giá xăng, dầu. Anh Bùi Văn Điền – làm nghề xe ôm khu vực Bến xe trung tâm thành phố Hoà Bình than vãn: Bình thường chúng tôi đã phải cạnh tranh vất vả với xe taxi. Thời gian gần đây, đối với các quãng đường ngắn loanh quanh thành phố, người dân chủ yếu chọn taxi thay cho xe ôm. Chúng tôi chỉ có khách đi xa hơn một chút như đến mấy huyện gần thành phố. Xăng tăng giá cao như thế này chỉ còn cách nói khéo với khách để họ trả thêm chút ít bù vào không thì không đảm bảo ngày công. Đối phó với giá xăng tăng cao, trong khi chờ quyết định tăng giá cước, thời gian này đội ngũ lái xe taxi trên địa bàn thành phố Hoà Bình chọn phương án tìm chỗ đỗ đợi khách trung tâm gọi mới đi chứ không chạy lòng vòng kiếm khách như trước đây nữa.

 

Tuy nhiên, qua tìm hiểu chúng tôi được biết, lợi dụng thời điểm nhạy cảm sau khi xăng, dầu tăng giá, dù chưa có quyết định chính thức cho phép tăng giá cước của cơ quan chức năng nhưng một số xe khách từ thành phố Hoà Bình đi các huyện hoặc xe khách liên tỉnh đã tự ý thu tăng từ 2.000 – 5.000 đồng/vé so với giá vé qui định hiện hành. Do đó, người dân cần hết sức lưu ý và kiên quyết chỉ trả tiền vé theo đúng giá vé quy định được niêm yết trên xe. Trong thời điểm này, để các doanh nghiệp không lợi dụng tăng giá cước  quá cao, các cơ quan chức năng cần giám sát hợp lý, đồng thời tăng cường việc kiểm tra, kiểm soát để đảm bảo quyền lợi cho người dân.

                                                                                                           

 

                                                                          Dương Liễu

 

Các tin khác


Tăng trưởng kinh tế với nhiều điểm sáng

Việt Nam là một trong những nền kinh tế đóng góp phần lớn vào mức tăng trưởng tích cực của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Gia hạn thời gian trả nợ, doanh nghiệp có thêm bước đệm phục hồi

Với 6 tháng tiếp tục được giãn, hoãn thời hạn trả nợ vay ngân hàng, các doanh nghiệp sẽ có thêm bước đệm để phục hồi, "bồi dưỡng" và củng cố thêm nội lực, tiếp tục duy trì hoạt động và có điều kiện tích lũy hoàn trả nợ vay.

Số thu thuế nội địa tiếp tục tăng

Theo Tổng cục Thuế, tổng thu ngân sách nhà nước tháng 4 do cơ quan thuế quản lý tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2023, ước đạt 150.100 tỷ đồng và đạt 10,1% so với dự toán.

Điều chỉnh phụ tải, chung tay giảm áp lực cho lưới điện

Để đảm bảo cấp điện an toàn cho khách hàng trong mùa nắng nóng, thời gian qua, Công ty Điện lực Hòa Bình (PC Hòa Bình) đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các khách hàng sử dụng điện lớn trên địa bàn tỉnh tham gia Chương trình điều chỉnh phụ tải điện (DR).

Hôm nay, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đấu thầu vàng miếng

Sáng 16/5, Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức phiên đấu thầu vàng miếng lần thứ 7 với giá đặt cọc 87,5 triệu đồng một lượng.

Nghiên cứu giảm lệ phí trước bạ ô tô lắp ráp trong nước

Với doanh số "ảm đạm" những tháng đầu năm, các đại lý ô tô đều kỳ vọng, chính sách giảm lệ phí trước bạ nếu được áp dụng sẽ tạo một "cú hích" cho doanh số nửa cuối năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục