Trồng mướp hương mang lại thu nhập ổn định cho gia đình anh Nguyễn Xuân Trúc, xóm Tân Lập 2

Trồng mướp hương mang lại thu nhập ổn định cho gia đình anh Nguyễn Xuân Trúc, xóm Tân Lập 2

(HBĐT) - Với kỹ thuật chăm sóc không đòi hỏi khắt khe, cây bền, sai quả, giá cả và đầu ra ổn định, mô hình trồng mướp hương đã, đang được nông dân các xóm Tân Lập 1, Tân Lập 2, xã Trung Minh (thành phố Hòa Bình) nhân rộng với diện tích tập trung trên đất ruộng lên tới 4,5 ha.

 

Vụ mướp này, gia đình anh Nguyễn Xuân Trúc ở xóm Tân Lập 2 trồng gần 3.000 m2 mướp hương. Trồng từ tháng 12/2010, tháng 3 vừa rồi, anh bước vào mùa thu quả. Anh Trúc cho biết: Chỉ mất khoảng 80 – 100 ngày trồng, chăm sóc nhưng lại có thể tận thu loại quả này liên tục từ 6 - 8 tháng/năm. Thường thì đến tháng 8, tháng 9 hàng năm, mướp mới hết cho thu hoạch, bà con nông dân lại dọn vườn, dựng lại cây que chuẩn bị cho vụ trồng mướp kế tiếp. Anh Trúc phấn khởi: Ngày đầu vụ, anh thu từ 20 – 50 kg, giá bán buôn 20.000 đồng/kg. Mấy tháng qua, hầu như ngày nào gia đình anh cũng được thu quả, mỗi lần thu từ 70 – 100 kg quả/ngày, ngày cao điểm thu tới 170 kg, giá bán buôn bình quân 10.000 – 12.000 đồng/kg. Có dạo thị trường khan hiếm rau xanh, quả được giá, mướp mua tại vườn với giá 25.000 đồng/kg.

 

Cùng với anh Nguyễn Xuân Trúc, nhiều nông dân năng động khác như các ông: Đào Ngọc Hợi, Trần Duy Trinh ở xóm Tân Lập 1, Phạm Quốc Hùng, Trần Văn Đích, Nguyễn Giám Phái, Đào Xuân Mạnh ở xóm Tân Lập 2 đã mạnh dạn nhận thầu diện tích đất 5% của xã để trồng mướp. Nhờ vậy, cánh đồng màu Tân Lập ngày càng được mở mang, gần như quanh năm xanh màu xanh của lá, thơm ngát mùi mướp hương. Ông Thiều Quyết Thắng – Trưởng xóm Tân Lập 2 cho biết: Ban đầu, số hộ, diện tích trồng mướp hương chỉ lẻ tẻ, tự phát. Được cấp ủy, chính quyền ủng hộ, tạo điều kiện, đồng thời nhận thấy hiệu quả của giống cây này nên các hộ trồng mướp ngày càng nhiều, hộ nọ chia sẻ kinh nghiệm, cách làm cho hộ kia, cùng giúp nhau phát triển kinh tế. Đến nay đã có gần 30 hộ của cả 2 xóm phát triển mô hình trồng mướp hương với diện tích thấp nhất 500 m2, nhiều nhất 3.000 m2 /hộ.

 

Theo ông Đào Ngọc Hợi, xóm Tân Lập 1, bà con ở các xóm thường chọn giống mướp hương được người tiêu dùng ưa chuộng để trồng. Để mướp sai quả, thu hoạch lâu, các hộ tuân thủ tốt quy trình trồng, chăm sóc, đầu tư làm giàn bằng nguyên giang, lành hanh hoặc lưới thép để mướp leo. Quá trình cây sinh trưởng, phát triển, nông hộ sử dụng phân bón với tỷ lệ nhất định, chủ yếu là khâu chăm sóc, tỉa bớt lá già, lá úa, lá bệnh, tạo thoáng mát cho giàn, hạn chế sâu bệnh hại. Khi mướp cho quả, bà con lưu ý nương quả , thả thõng xuống để quả thẳng, đẹp, tránh bị cong queo.

 

Thời điểm thu hoạch rộ, giá mướp trên thị trường vẫn giữ ổn định ở mức từ 10.000 – 12.000 đồng/kg. Không ít hộ gia đình thu hàng chục tấn quả/vụ trồng. Trừ chi phí, bình quân mỗi hộ trồng mướp hương nơi đây có thu nhập từ 50 – 100 triệu đồng/vụ. Mang lại giá trị kinh tế cao, nhu cầu tiêu thụ trên thị trường thành phố Hòa Bình và các huyện lân cận lớn, người trồng mướp hương ở  xóm Tân Lập lạc quan nắm bắt cơ hội làm giàu trên đồng đất quê hương.

 

                                                               

                                                                      Bùi Minh

 

Các tin khác


Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Huyện Lạc Sơn: Tổng đàn vật nuôi có trên 1,3 triệu con

Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Sơn, hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện đạt trên 1,3 triệu con.

Đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn thành lập thị xã Lương Sơn

Ngày 26/4, Ban chỉ đạo hoàn thiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn của tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn. Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Cựu chiến binh huyện Lạc Thủy thi đua làm kinh tế giỏi

Những năm qua, phong trào "Cựu chiến binh (CCB) thi đua làm kinh tế giỏi" trên địa bàn xã Hưng Thi (Lạc Thủy) có sức lan tỏa sâu rộng, được các hội viên nhiệt tình hưởng ứng. Từ phong trào xuất hiện nhiều CCB điển hình, gương mẫu trong phát triển kinh tế, trở thành tấm gương trong lao động sản xuất, đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục