Việt Nam có khoảng 800 sản phẩm nông sản nổi tiếng ở hầu hết các địa phương nhưng đến nay, mới có 59 nhãn hiệu tập thể, 12 nhãn hiệu chứng nhận và 24 chỉ dẫn địa lý được đăng ký bảo hộ. Những con số trên cho thấy Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của việc xây dựng thương hiệu nông sản.

 

Đó là thực trạng được các nhà khoa học đưa ra tại Hội thảo "Các nhà khoa học với việc bảo vệ thương hiệu nông sản Việt Nam" do Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Câu lạc bộ Nhà báo khoa học và công nghệ, Câu lạc bộ báo chí Liên hiệp hội Việt Nam tổ chức sáng ngày 8/11 tại Hà Nội. 

 
 Việt Nam có khoảng 800 sản phẩm nông sản nổi tiếng (Ảnh: VNN)

Mất "nhãn hiệu", "chỉ dẫn địa lý" không có nghĩa là mất thương hiệu

Những ngày qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng có nói nhiều đến các “thương hiệu” nông sản nổi tiếng như nước mắm Phú Quốc bị lấy “mất”, chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột bị một doanh nghiệp nước ngoài đăng ký sở hữu nhãn hiệu cho sản phẩm cà phê. Đã có nhiều nhận định, đánh giá, quan ngại về khả năng bị xâm hại, bị chiếm dụng thương hiệu, nhất là đối với thương hiệu nông sản nổi tiếng của Việt Nam.

Từ sự việc trên, mở đầu cuộc Hội thảo, các nhà khoa học cho rằng, những nhận định, đánh giá, quan ngại này có nhiều điểm chính xác nhưng cũng có những điểm cần phải bình tĩnh phân tích để nhận định, đánh giá lại. Trước hết, theo các nhà khoa học, việc hiểu đồng nhất, sử dụng đồng nhất thuật ngữ “thương hiệu” với các thuật ngữ “nhãn hiệu” hay “chỉ dẫn địa lý” trong các bài báo sẽ gây ra những hiểu lầm.

Theo ông Nguyễn Văn Bảy – Đại diện Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam, trong các văn bản pháp luật về sở hữu trí tuệ của Việt Nam, chỉ tìm thấy các thuật ngữ “nhãn hiệu”, “chỉ dẫn địa lý”… không tìm thấy thuật ngữ “thương hiệu”. Vì vậy, việc hiểu đồng nhất, sử dụng đồng nhất thuật ngữ “thương hiệu” với các thuật ngữ “nhãn hiệu” hay “chỉ dẫn địa lý” sẽ gây ra những hiểu lầm về sự việc. Ông nhấn mạnh: Từ một nhãn hiệu, một chỉ dẫn địa lý của ta bị nước ngoài “lấy” để đăng ký nhãn hiệu chỉ có thể nói là nhãn hiệu hay chỉ dẫn địa lý của chúng ta bị mất chứ không thể nói là thương hiệu của chúng ta bị mất.

Hơn nữa, thương hiệu của một sản phẩm không đơn giản là một nhãn hiệu hay một chỉ dẫn dùng cho sản phẩm đó. Thương hiệu sản phẩm còn là tất cả những gì doanh nghiệp đạt được (danh tiếng, uy tín, thị trường, sản phẩm) trong cả quá trình lâu dài xây dựng thương hiệu (quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xây dựng mạng lưới bán hàng…) từ một nhãn hiệu hay chỉ dẫn địa lý đã đăng ký cho sản phẩm của mình.

Cùng quan điểm trên, TS Đỗ Gia Phan – Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cũng chia sẻ: Thương hiệu sản phẩm không phải tự nó có sau khi sản phẩm đã được đặt tên, được gắn nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý, cho dù nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đã được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ ở khắp nơi. Việc đăng ký, duy trì việc bảo hộ sở hữu trí tuệ cho sản phẩm chỉ là công việc đầu tiên, tạo điều kiện cần và là cơ sở ban đầu để xây dựng thương hiệu. “Còn muốn xây dựng được thương hiệu cần xây dựng hệ thống phân phối, quảng bá sản phẩm, xây dựng thị trường, quan trọng là nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo được lòng tin với người tiêu dùng” – TS. Đỗ Gia Phan nhấn mạnh.

Tuy nhiên, các nhà khoa học đều khẳng định: Vì thương hiệu được xây dựng trên cơ sở một nhãn hiệu hay một chỉ dẫn địa lý nên việc nhãn hiệu hay chỉ dẫn địa lý bị mất có thể gây ra nguy cơ mất thương hiệu, mất những gì đã đạt được từ việc đầu tư xây dựng thương hiệu.

 Hội thảo nhằm tìm biện pháp bảo vệ thương hiệu nông sản
 nổi tiếng Việt Nam (Ảnh: KT)

Mới đặt cơ sở cho việc xây dựng thương hiệu nông sản nổi tiếng

Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 800 sản phẩm nông sản nổi tiếng ở hầu hết các địa phương. Tuy nhiên, đến nay, mới có 59 nhãn hiệu tập thể, 12 nhãn hiệu chứng nhận và 24 chỉ dẫn địa lý được đăng ký bảo hộ cho các sản phẩm nông sản nổi tiếng. Đồng thời, hiện có 53 sản phẩm nông sản được hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ. Những con số trên cho thấy, chúng ta đang ở giai đoạn đầu của việc xây dựng thương hiệu nông sản nổi tiếng, mới đặt cơ sở, nền móng, điều kiện ban đầu: đó là các nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đã được đăng ký bảo hộ.

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Loãn - Phó Chủ tịch UBND huyệnThanh Hà, tỉnh Hải Dương chia sẻ: vải thiều Thanh Hà được nhiều người biết đến và ưa chuộng bởi những ưu điểm như: vị ngọt thơm, cùi ráo, giòn, vỏ ngoài mịn mỏng, hạt nhỏ….Đây là những đặc điểm khác biệt của vải Thanh Hà so với vải trồng ở các vùng khác. Ngay từ năm 2007, quả vải Thanh Hà là một trong số ít những loại hàng hóa được cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Tuy nhiên, sau 4 năm, để chỉ dẫn địa lý “Thanh Hà” thực sự trở thành tài sản trí tuệ cho người sản xuất và kinh doanh vải thiều thì không phải là chuyện dễ.

Ông Loãn chỉ ra thực tế là đi đến bất cứ nơi nào và mua vải ở đâu cũng được giới thiệu là vải thiều Thanh Hà, điều này cho thấy nhãn hiệu vải Thanh Hà đã bị lạm dụng. Một nghịch lý nữa là: sản lượng vải càng cao thì nỗi lo về giá cả cũng như thị trường tiêu thụ không ổn định của người trồng vải Thanh Hà lại càng lớn; giá quả vải bán ở nhiều nơi vẫn cao nhưng thương lái vẫn dìm giá, ép giá rất thấp, gây thiệt hại lớn đối với người nông dân trồng vải.

Để bảo vệ tốt chỉ dẫn địa lý Thanh Hà cho sản phẩm quả vải thiều, ông đề nghị các nhà kinh doanh, thương lái ở các tỉnh thành hãy đến với Thanh Hà để ký kết hợp đồng trực tiếp mua tiêu thụ vải thiều cho nhân dân. Ông cũng đề nghị các cấp, ngành của Trung ương và địa phương có chính sách phù hợp để bảo hộ vùng và sản phẩm đặc sản vải thiều Thanh Hà như: đầu tư xây dựng vùng sản xuất theo quy trình VietGap; hỗ trợ nông dân khi mùa vải mất mùa; đầu tư các chương trình, dự án khoa học kỹ thuật vào các khâu từ chọn nhân giống, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đến bảo quản, tiêu thụ vải sau thu hoạch để tăng thời gian và giá trị bảo quản vải thiều. Ông cũng đề nghị tăng cường quản lý, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quyền bảo hộ chỉ dẫn địa lý Thanh Hà cho sản phẩm quả vải thiều…

Theo TS. Đỗ Gia Phan – Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, TS. Phạm Văn Tân – Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, ông Nghiêm Quốc Bảo – Phó Chủ tịch Thường trực, kiêm Tổng Thư ký Hội sở hữu Trí tuệ Việt Nam cũng đều cho rằng, cần tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý. Đặc biệt, từ thực tế thời gian qua một số hộ dân và cơ sở chế biến chè tại các xã thuộc huyện Hàm Yên và Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang sản xuất “chè bẩn” làm ảnh hưởng lớn tới thương hiệu chè, các nhà khoa học cho rằng chính người dân nơi có nông sản nổi tiếng cũng cần giữ gìn thương hiệu .

Theo ông Tạ Quang Minh – Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam, sự việc xảy ra đối với cà phê Buôn Ma Thuột cần phải được nhìn nhận một cách cẩn trọng, đánh giá chính xác để tránh gây ra những quan ngại quá mức, đặc biệt là có thể ảnh hưởng không lợi cho việc lấy lại các nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đã bị nước ngoài đăng ký chiếm đoạt.

Bài học không mới là doanh nghiệp phải chủ động xác định, chọn các thị trường tiêu thụ quan trọng ở nước ngoài để đăng ký sở hữu trí tuệ cho sản phẩm của mình. Các cơ quan quản lý cũng cần quan tâm hơn, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện việc này. Trong các vụ việc tương tự khi phát hiện các nhãn hiệu, chỉ dẫn của ta bị doanh nghiệp nước ngoài đăng ký bảo hộ, khi phát hiện nguy cơ thương hiệu sản phẩm của ta bị mất hay bị xâm hại, thay vì đưa ra các thông tin, nhận định, quan ngại quá nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng thì việc cần làm hơn là chúng ta phải cùng với doanh nghiệp địa phương nghiên cứu, tìm và triển khai các biện pháp phù hợp, kịp thời để bảo vệ thương hiệu sản phẩm có nguy cơ bị mất đó./. 

                                                                            Theo ĐCSVN

 

Các tin khác

Các khu công nghiệp tỉnh thu hút 43 dự án đầu tư kinh doanh, sản xuất, tạo việc làm ổn định cho gần 4.000 lao động.
Lực lượng QLTT huyện Cao Phong kiểm tra, kiểm soát thị trường tại các chợ phiên (Ảnh chụp tại chợ Nông sản Bưng)
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh

Nhân Ngày Đô thị Việt Nam (8/11): Hướng tới mục tiêu thân thiện và bền vững

Nhân ngày Đô thị Việt Nam, Bộ Xây dựng và Diễn đàn Đô thị Việt Nam đã phối hợp tổ chức hội nghị "Đô thị Việt Nam thân thiện môi trường - phát triển bền vững".

Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng: Ngân hàng nhỏ không hẳn là yếu

Câu chuyện về tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đang là vấn đề nóng. Một phần vì đây là lĩnh vực quan trọng và nhạy cảm của nền kinh tế, một phần vì hệ thống ngân hàng của chúng ta đang tồn tại rất nhiều vấn đề. Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành đã có cuộc trao đổi với báo chí về vấn đề đang rất được dư luận quan tâm này.

Phòng - chống đói, rét cho gia súc vụ đông: Cần sự chủ động, tích cực từ người chăn nuôi

(HBĐT) - Tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp để làm thức ăn dự trữ cho gia súc; củng cố chuồng trại chăn nuôi đảm bảo điều kiện vệ sinh và phòng - chống rét; khi nhiệt độ ngoài trời xuống dưới 150c thì nhanh chóng di chuyển đàn gia súc từ khu vực thả rông về chỗ nuôi nhốt…

Mai Châu: 9 dự án đầu tư đã đi vào hoạt động, với số vốn gần 190 tỉ đồng

(HBĐT) - Từ năm 2005 đến nay,các cấp ngành của huyện Mai Châu đã cấp phép đầu tư cho 12 dự án và đã có 9 dự án đi vào hoạt động với tổng số vốn trên 189 tỷ đồng.

Vốn ngân hàng bớt nóng

Động thái quay trở lại hút ròng trên thị trường mở của NHNN và các diễn biến tích cực trên thị trường liên ngân hàng cho thấy sự bớt căng thẳng trên thị trường lãi suất liên ngân hàng cũng như tình hình thiếu thanh khoản tạm thời của một số NH nhỏ.

Festival lúa gạo Việt Nam lần 2 tại Sóc Trăng: Tập trung quảng bá gạo Việt

Từ ngày 8 đến 11-11, tại Sóc Trăng sẽ diễn ra Festival lúa gạo VN lần 2-2011. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Trung Hiếu - chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng - cho biết đây là cơ hội để quảng bá, vinh danh hạt gạo Việt. Ông Hiếu nói:

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục