Điều quan trọng trong điều hành giá xăng là phải tạo được thị trường cạnh tranh trước khi thả nổi giá theo cơ chế thị trường. Các cơ quan chức năng gần như bất lực trước các đợt tăng giá sữa

 

Ngày 21-2, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai đã ký ban hành thông tư số 25 điều chỉnh mức thuế suất nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng xăng dầu. Theo đó, thuế nhập khẩu xăng được giảm từ 4% xuống 0%, thuế dầu hỏa và dầu diesel giảm từ 5% xuống 3%.

Tình hình đến đâu tính đến đó!

Quyết định giảm thuế nhập khẩu được Bộ Tài chính đưa ra trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới tăng cao liên tục nhiều tháng nay. Chỉ tính riêng trong nửa đầu tháng 2, giá xăng dầu thành phẩm tại thị trường Singapore đã tăng từ 0,89% đến 5,18%.

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) Vương Thái Dũng cho biết giảm thuế có tác dụng giúp doanh nghiệp (DN) bớt khó khăn. Nhưng tác động từ giảm thuế không nhiều vì hiện nay, mức chênh lệch giữa giá bán lẻ tại thị trường trong nước và giá cơ sở rất lớn. Tính đến ngày 21-2, mức chênh lệch giá xăng của Petrolimex là hơn 2.500 đồng/lít, các mặt hàng còn lại đều có mức chênh lệch hơn 1.000 đồng/lít.

Cứ mỗi lần kêu lỗ, ngành xăng dầu lại được phép tăng giá bán hoặc được giảm thuế nhập khẩu. Ảnh: TẤN THẠNH
Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), ông Nguyễn Tiến Thỏa, ghi nhận khó khăn của các DN đầu mối nhập khẩu xăng dầu là có thật nhưng việc lùi thuế cộng với việc cho phép sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu sẽ giúp DN bù đắp được một phần chi phí, bảo đảm hoạt động bình thường.
Về vấn đề để DN tự quyết định giá bán, ông Thỏa cho rằng: “Thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng xăng dầu hiện nay còn thấp so với mức trần 10%, giá cơ sở chưa tính đủ nên chưa thể để DN tự quyết định giá bán theo thị trường. Hơn nữa, trong thời điểm này cần giữ giá cả ổn định để kiềm chế lạm phát theo nghị quyết của Chính phủ”. Trả lời câu hỏi “sau khi đã lùi thuế, nếu giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng thì giá trong nước có tăng không?”, ông Nguyễn Tiến Thỏa nói “chưa thể biết được vì đến lúc đó mới tính”.

Nhiều bất cập từ cách tính giá

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng trước mắt, cần sửa đổi công thức tính giá cơ sở trong Nghị định 84 để có giá xăng phù hợp. Trong giá cơ sở đã có 300 đồng/lít lợi nhuận định mức, nên khi giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ không có nghĩa là DN đã lỗ như vẫn nhầm tưởng. Do đó, công thức tính giá cơ sở chỉ nên bao gồm giá mua cộng thuế và các chi phí tối thiểu. “Về lâu dài, vấn đề quan trọng trong điều hành giá xăng, trước hết là phải tạo dựng được thị trường cạnh tranh, sau đó mới để DN tự quyết định giá theo nguyên tắc thị trường” - ông Nguyễn Minh Phong nói.

Thời gian qua, giá nhiều mặt hàng sữa tăng liên tục khiến người tiêu dùng phải bội chi Ảnh: HỒNG THÚY

Ông Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, phân tích: Bất cập trong cơ chế điều hành giá xăng dầu chính là quy định tính giá trong cả 30 ngày. Như vậy sẽ phản ánh sai giá thị trường do giá xăng dầu thế giới liên tục biến động và tạo cơ hội để DN lợi dụng nhanh nhảu tăng giá hoặc chần chừ giảm giá.

Quản không nổi

Sở Tài chính TPHCM cho biết vừa tiếp nhận thông báo của Công ty Nam Dương (nhà phân phối sữa XO của Hàn Quốc) xin điều chỉnh tăng giá trong tháng 2-2012. Từ cuối năm 2011 đến nay, các hãng sữa lớn lần lượt điều chỉnh giá với mức tăng cao nhất lên đến 19%. Đầu tháng 2 vừa qua, nhiều mặt hàng sữa tiếp tục tăng giá như sữa bột, sữa nước Anlene của Công ty Fonterra Brands Việt Nam thông báo tăng giá từ 5%-10%. Công ty FrieslandCampina cũng chính thức tăng giá 5% đối với các mặt hàng sữa nước, sữa đặc…

Trước tình hình trên, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục phó Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), cho biết bộ đã có văn bản đề nghị sở tài chính các tỉnh, thành phải tiến hành thanh, kiểm tra giá sữa, trong đó có cả chi phí đầu vào. Đối với DN, không được phép tăng giá sữa nếu không có biến động bất thường.

Theo Cục Quản lý giá, sữa có tên trong danh mục 14 mặt hàng thiết yếu do Nhà nước quản lý giá. Sữa ngoại hiện chiếm trên 70% thị phần, trong đó một số hãng sữa độc quyền nhập khẩu và phân phối. Theo quy định, muốn tăng giá sữa, DN chỉ cần thông báo đăng ký giá mới với cơ quan chức năng và đưa ra lý do tăng giá hợp lý do các yếu tố đầu vào tăng. Chỉ trường hợp mức tăng giá bất thường, cơ quan chức năng mới can thiệp. Lý do các DN sữa đưa ra thường là giá nguyên liệu đầu vào tăng, biến động tỉ giá, thuế nhập khẩu…

Ông Nguyễn Quốc Chiến, Trưởng Ban Vật giá Sở Tài chính TPHCM, cho biết: Sở đang kiểm tra cơ cấu giá thành sữa bột dành cho trẻ em tại những DN có đăng ký giá và kiểm tra tình hình niêm yết, bán theo giá niêm yết đối với những mặt hàng sữa còn lại để kịp báo cáo cho Bộ Tài chính trước ngày 31-3. Hiện TPHCM có khoảng 18 đơn vị kinh doanh sữa đăng ký giá tại sở, không ít đơn vị chỉ là nhà phân phối nhỏ hoặc các siêu thị có bán sữa. Theo quy định, chỉ mặt hàng sữa bột dành cho trẻ em (không phân biệt nội địa hay nhập khẩu) dưới 6 tháng tuổi phải đăng ký, kê khai giá bán. Còn lại, các sản phẩm sữa khác, cơ quan quản lý Nhà nước chỉ kiểm tra việc niêm yết và bán theo giá niêm yết.

Về thời gian tối thiểu tăng giá, quy định là trong vòng 15 ngày liên tục, giá bán lẻ sữa tăng từ 20% trở lên so với giá thị trường trước khi có biến động, cơ quan chức năng có quyền áp dụng các biện pháp bình ổn giá. Để “lách” quy định này, các hãng sữa vô tư điều chỉnh tăng giá bán miễn là mức tăng mỗi lần không quá 20%. Bằng chứng là chỉ tính từ năm 2009 đến nay, nhiều công ty sữa đã tăng giá đến hơn 10 lần, mỗi lần tăng ít nhất 5% - 7%. Ngoài ra, do các DN sữa không bắt buộc phải đăng ký giá bán nên việc kiểm tra của các cơ quan Nhà nước chỉ tiến hành sau khi DN tăng giá và gần như bất lực trước các đợt tăng giá sữa.

Giá bán lẻ cao gấp đôi giá vốn

Theo các chuyên gia về giá, để quản lý mặt hàng sữa, cơ quan thuế, hải quan cần kiểm tra số lượng, giá sữa nguyên liệu đầu vào, giá sữa thành phẩm nhập khẩu để có cơ sở so sánh với giá bán. Năm 2009, Thanh tra Bộ Tài chính đã thanh tra 3 công ty nhập khẩu, phân phối sữa lớn ở Việt Nam và kết luận giá sữa nhập khẩu bán lẻ tại các công ty này cao gấp 2 lần giá vốn. Mức chênh lệch này là do các khoản chi phí lương, quản lý, quảng cáo, tiếp thị… quá cao. Thời điểm ấy, Bộ Tài chính đã yêu cầu các DN chấn chỉnh hoạt động này nhằm đưa giá sữa về đúng thực tế.

 

                                                                           Theo Báo NLĐ

 

Các tin khác


Những người thực hiện hoài bão đưa nông sản “xuất ngoại”

Với lợi thế sẵn có về khí hậu, đất đai, nông sản phong phú, nhiều tiềm năng... ngành nông nghiệp tỉnh đã và đang nỗ lực thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, HTX đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp chế biến, từng bước khẳng định vị thế một số nông sản đặc trưng địa phương trên thị trường quốc tế. Trong đó, tín hiệu tích cực trong xuất khẩu nông sản những năm gần đây có sự đóng góp không nhỏ của những người "nặng lòng” với nông nghiệp địa phương.

Lương Sơn vùng đất anh hùng

Viết tiếp truyền thống vẻ vang trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, trong suốt chiều dài lịch sử, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lương Sơn luôn đoàn kết, năng động, sáng tạo dựng xây quê hương ngày một đổi mới.

Sức vươn Lạc Thuỷ

Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lạc Thuỷ không ngừng nỗ lực, đạt được những bước phát triển mạnh mẽ. Huyện tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, tạo môi trường thu hút nguồn lực đầu tư phát triển. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng và dịch vụ thương mại.

Hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm

Những năm qua, huyện Đà Bắc đã triển khai các hoạt động đồng hành, hỗ trợ nông dân trong phát triển sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm. Qua đó giúp nông dân tăng thu nhập, góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới.

Quản lý, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản

Những năm gần đây, hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, hội nhập quốc tế, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố tăng cường năng lực công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm (ATTP) nông, lâm, thủy sản. Từ đó góp phần nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh sản phẩm nông, lâm, thủy sản của tỉnh tại thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu, nhất là bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục