Ngày 8-3, một ngày sau khi quyết định điều chỉnh tăng giá bán xăng, dầu của Liên bộ Tài chính - Công thương có hiệu lực, thị trường xăng, dầu trở lại hoạt động bình thường. Theo phản ánh của dư luận, ở nhiều địa phương đã có hiện tượng rục rịch tăng giá, nhất là giá cước vận tải.

 

Doanh nghiệp rục rịch tăng giá

Tại TP Hồ Chí Minh, sau khi giá xăng tăng thì giá một số mặt hàng, nhất là giá cước vận tải, cước ta-xi đã rục rịch tăng giá. Ông Thái Văn Chung, Tổng Thư ký Hiệp hội vận tải hàng hóa TP Hồ Chí Minh cho biết: Với việc tăng giá xăng, dầu, sắp tới các đơn vị vận tải sẽ điều chỉnh cước để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ðể bù đắp chi phí vận tải chắc chắn các đơn vị sẽ điều chỉnh tăng giá cước tùy thuộc vào tình hình thực tế. Chủ tịch Hiệp hội Ta-xi TP Hồ Chí Minh Tạ Long Hỷ cho rằng: Trong năm qua, các đơn vị vận tải đang cố gắng vượt qua khó khăn về nguồn vốn, lãi suất ngân hàng, tiết giảm chi phí nhằm hạn chế tăng giá cước. Việc điều chỉnh giá xăng vừa rồi bắt buộc các hãng xe phải điều chỉnh tăng giá cước so với thời điểm hiện tại.

Phó Giám đốc bến xe Miền Ðông Thượng Thanh Hải cho rằng: Mặc dù giá xăng, dầu đã tăng nhưng các DN vận tải sẽ chưa tăng cước, vì đây là thời điểm vắng khách. Nếu tăng giá cước, DN sẽ mất khách cho đơn vị khác. Hiện các nhà xe đang chờ nhau, khi một vài DN tăng giá thì lập tức các đơn vị khác cũng sẽ tăng giá cước vận tải... Ngoài ra, để tăng giá cước, các đơn vị vận tải cũng phải lập kê khai, đề xuất mức tăng giá thì mới được tăng, nên có thể trong vòng 10-15 ngày tới việc tăng giá mới diễn ra.

Ðối với Tập đoàn vận tải Mai Linh, ông Nguyễn Tuấn Sinh, Chủ tịch Công đoàn cho biết: Trong khi chờ việc điều chỉnh giá cước, Mai Linh sẽ hỗ trợ 50% tiền giá xăng vừa tăng để chia sẻ khó khăn với người lao động. Sau một thời gian, công ty sẽ tính toán lại các phương án về giá nhưng phải đạt được lợi ích của các bên, gồm DN, người lao động và khách hàng.

Việc tăng giá nhiên liệu sẽ khiến các DN vận tải sớm muộn cũng sẽ điều chỉnh giá cước, nhưng theo nhiều DN thì việc tăng giá không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của họ. Ông Trần Việt Hùng, Quản lý vận tải DN Công Thành (quận Thủ Ðức) cho biết, trong hợp đồng vận tải luôn có phụ lục hợp đồng kèm theo, nếu giá xăng tăng thì cước vận tải sẽ tăng lên và ngược lại.

Ông Văn Ðức Mười, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) cho biết, ngành thương mại sẽ ít bị ảnh hưởng từ việc tăng giá xăng, dầu. Hiện nay, sức mua của người dân đã xuống khá thấp do kinh tế khó khăn và tình hình thiếu an toàn vệ sinh thực phẩm. Do vậy, không riêng Vissan mà nhiều DN sản xuất khác đều cố gắng kìm giữ giá hàng hóa, có nhiều mặt hàng Vissan còn bán với giá dưới giá thành sản xuất. Các nhà phân phối cũng đưa ra một số giải pháp giữ giá hàng hóa hạn chế biến động do tăng giá xăng, dầu.

Theo ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Tổng giám đốc hệ thống siêu thị Co.opMart, do dự báo được tình hình nên đã chủ động dự trữ được một lượng hàng hóa đáng kể nên có thể không tăng giá bán trong vài tháng tới. Bên cạnh đó, Co.opMart cũng đã thực hiện ứng vốn trước cho các DN cung ứng các mặt hàng thiết yếu để bảo đảm nguồn cung ổn định. Với các DN đề nghị tăng giá, Co.opMart sẽ bàn bạc cụ thể và đưa ra tỷ lệ tăng giá ở mức hợp lý. Bà Phạm Quỳnh Ny, Giám đốc ma-két-tinh của hệ thống siêu thị Vinatexmart cho biết: Ðể giữ giá hàng hóa bán ra ổn định, hạn chế tác động của việc điều chỉnh cước vận tải, Vinatexmart đã và sẽ thực hiện chính sách ứng vốn trước khoảng sáu tháng đối với DN cung ứng hàng hóa.

Nỗi lo của ngư dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long

Tỉnh Kiên Giang hiện có đội tàu đánh cá đứng đầu cả nước, với gần 12 nghìn chiếc, mỗi khi xăng, dầu tăng giá, tác động trực tiếp đến cuộc sống của hàng chục nghìn hộ dân. Chủ tịch Hội Nghề cá TP Rạch Giá Trương Văn Ngử cho biết: Các cửa hàng xăng, dầu không có biểu hiện găm hàng nhưng lại "âm thầm" tăng giá trước 16 giờ ngày 7-3. Ông Phan Quốc Việt, chủ DN Minh Hiếu ở phường An Hòa, TP Rạch Giá cho biết: DN có 10 tàu, trung bình mỗi tháng sử dụng 150 nghìn lít dầu, khi xăng, dầu tăng giá, chi phí phát sinh thêm khoảng 150 triệu đồng/tháng. Khoản chi phí lớn này làm cho hiệu quả những chuyến đánh bắt giảm đi đáng kể, chưa tính việc xăng, dầu tăng giá, nhưng hàng thủy, hải sản lại giảm giá.

Thuyền trưởng tàu BL93842 Lê Văn Cẩm, ngụ thị trấn Gành Hào (huyện Ðông Hải, Bạc Liêu) cho biết: Tăng giá xăng, dầu, mỗi chuyến đi biển chi phí tăng lên vài chục triệu đồng. Một ngư dân tỉnh Sóc Trăng phàn nàn khi giá dầu tăng, ngư dân đang lâm vào tình cảnh hết sức khó khăn. Giá dầu tăng cao, sản lượng khai thác lại sụt giảm, nên hầu hết tàu, thuyền không dám ra khơi. Hiện toàn tỉnh có hơn 40% số tàu, thuyền đang nằm bờ. Mỗi tuần, cảng cá Trần Ðề có khoảng 250 tàu ra khơi, nhưng các chủ tàu rất băn khoăn chưa biết sau khi cập bến có lời hay không.

Nghề khai thác thủy sản hiện tại khá bấp bênh vì ngư trường ngày càng thu hẹp, nguồn lợi thủy sản cạn kiệt, giá lại tụt giảm, nhưng giá nhiên liệu, công lao động và nhiều chi phí khác lại tăng cao đầu tư nhiều nhưng lãi không tương xứng. Một số chủ tàu tỏ ra bi quan khi tính chuyện cho tàu nằm bờ, vì theo tính toán, một cặp tàu đi đánh bắt xa bờ trung bình cần khoảng 30 nghìn lít dầu cho một chuyến biển kéo dài khoảng một tháng. Với giá 21.400 đồng/lít dầu DO, riêng tiền nhiên liệu đã hơn 600 triệu đồng, cộng các chi phí khác khoảng 200 triệu đồng, trung bình một chuyến đánh bắt khoảng 800 triệu đồng, trong khi đánh bắt trúng lắm cũng chỉ đạt mức này. Nếu tàu đánh bắt không có lời, thủy thủ, thuyền viên, ngư phủ không được chia lợi nhuận, cho nên nhiều chủ tàu phải cân nhắc, tính toán lại hiệu quả mới quyết định ra khơi trong cơn... "bão giá" này. Nguy cơ nhiều tàu cá có thể sẽ phải nằm bờ là điều không tránh khỏi.

Thị trường Buôn Ma Thuột mấy ngày trước có hiện tượng găm hàng chờ giá, các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra giờ bán hàng nên các cây xăng, dầu bán hàng bình thường.

Sau một ngày tăng giá, người dân lo lắng trước tác động của việc tăng giá xăng, dầu, nhất là những người trồng cà-phê ở Ðác Lắc. Hiện nay, đang vào mùa tưới cà-phê, cây trồng đang cần nước để cà-phê ra hoa, kết trái nhưng giá xăng, dầu tăng người trồng vẫn chưa biết mình có lãi hay lỗ. Anh Nguyễn Dũng, xã Ea Bar, Buôn Ma Thuột có gần 1 ha cà-phê, một lần tưới phải chi vài triệu đồng mua xăng, dầu cũng xót, có thể làm vỡ kế hoạch đầu tư chăm sóc cà-phê. Gia đình anh là đối tượng "đầu tư ứng trước" vì hết vụ các chủ đầu tư thu nợ ứng trước. Trong khi đó, toàn tỉnh Ðác Lắc có hàng chục nghìn hộ trồng cà-phê như anh, chi phí đầu tư cho mua xăng, dầu tăng thêm không nhỏ. Theo tính toán, mức tăng của giá xăng là khoảng 10% thì chi phí đầu vào của các loại vật tư cũng sẽ tăng tương ứng, nhưng chưa biết giá cà-phê có tăng hay không, đây là câu hỏi đang đặt ra với những nhà trồng cà-phê ở Ðác Lắc hiện nay.

Giá cước vận tải có thể tăng từ 2% đến 5%

Chiều 8-3, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô-tô Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Hiệp hội thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến của giá xăng, dầu. Cách đây một tháng, hiệp hội đã khuyến cáo các thành viên về việc xăng, dầu có thể tăng giá để các đơn vị chủ động phương án điều chỉnh cước vận tải. Hiện tại, thuế xăng, dầu bằng 0%, vì vậy giá xăng, dầu tăng các DN vận tải phải chấp nhận. Ngày 8-3, hiệp hội đã có công văn gửi các đơn vị vận tải, khuyến cáo, nếu đơn vị nào thật sự thấy cần thiết phải điều chỉnh tăng giá cước mới nên tăng, còn không, nên rà soát, bố trí hợp lý các khâu trong quá trình hoạt động nhằm tiết giảm chi phí, hạn chế tác động tăng giá. Không được lợi dụng việc tăng giá xăng, dầu để trục lợi, tăng giá cước bất hợp lý, gây ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội. Hiệp hội cũng đề nghị các DN vận tải cơ cấu lại các lĩnh vực hoạt động, tổ chức vận tải hợp lý, lĩnh vực nào hoạt động kém hiệu quả thì nên thu hẹp hoặc ngừng để tránh gây lãng phí. Quan trọng nhất hiện nay là vẫn còn hiện tượng xe ta-xi chạy lòng vòng trên đường chờ đón khách, hoặc xe tải chạy một chiều gây lãng phí rất lớn. Ðối với hoạt động vận tải hành khách, các DN nên thống nhất đề xuất với các cơ quan quản lý nhà nước địa phương có sự điều chỉnh, sắp xếp lại biểu đồ vận hành chạy tuyến hợp lý, khắc phục tình trạng nhiều xe khách buộc phải rời bến khi trong xe chỉ có một vài khách làm đội chi phí vận tải lên cao. Các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần tạo điều kiện cho DN, còn DN trước biến động tăng giá cần tự khẳng định mình và thích nghi.

Theo dự báo của hiệp hội, giá xăng trong thời gian tới sẽ không có xu hướng giảm, kể cả khi giá xăng, dầu thế giới giảm thì giá trong nước cũng chưa thể giảm ngay do Nhà nước cần phải thu thuế để bù đắp. Theo tính toán của hiệp hội, giá xăng tăng 10% sẽ khiến chi phí hoạt động vận tải ta-xi tăng khoảng 5%, còn dầu đi-ê-den tăng 5% sẽ làm chi phí vận tải hàng hóa và hành khách tăng khoảng 2%. Vì vậy, các hãng ta-xi có khả năng sẽ phải điều chỉnh giá, nhưng để làm được điều này, nhanh nhất cũng phải mất khoảng nửa tháng, do phải báo cáo, đề xuất mức tăng và thực hiện hiệu chỉnh đồng hồ tính cước có sự giám sát của các cơ quan chức năng. Hiệp hội đã khuyến cáo các DN chỉ nên tăng giá cước khi giá xăng, dầu tăng từ 10% trở lên. Lần tăng giá xăng này, có thể các hãng ta-xi sẽ phải điều chỉnh giá cước trước. Còn vận tải hàng hóa và hành khách phải cân nhắc trước khi tăng để cân đối bài toán lợi nhuận và khách hàng. Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội vận tải hàng hóa TP Hồ Chí Minh Lương Hoàng Trung cho rằng: Các DN vận tải đã sắp xếp hoạt động rất hợp lý, có nhiều kinh nghiệm trong bố trí sản xuất. Giá xăng, dầu hiện chiếm tỷ trọng khoảng 40 - 45% trong cơ cấu giá cước hoạt động vận tải hàng hóa, vì thế, các DN đề xuất điều chỉnh lại cơ cấu giá cước với mức tăng khoảng 3% là phù hợp.

 
 
                                                           Theo Nhan Dan
 

Các tin khác


Thẩm định mô hình, điển hình tiên tiến tại huyện Kim Bôi, Cao Phong

Ngày 2/5, đoàn công tác do lãnh đạo Ban Thi đua - Khen thưởng (Sở Nội vụ) làm trưởng đoàn đã tổ chức thẩm tra các mô hình, điển hình tiên tiến năm 2024 trên địa bàn huyện Kim Bôi và Cao Phong.

Xử lý nghiêm tập thể, cá nhân làm chậm tiến độ triển khai dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu

Dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn từ Km19+000 - Km53+000 trên địa bàn tỉnh) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực Tây Bắc. Tuy nhiên tiến độ triển khai chậm, nhất là các thủ tục liên quan đến đất đai, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, chuyển mục đích sử dụng rừng, cắm mốc, trích đo, giải phóng mặt bằng (GPMB)...

Công khai người nộp thuế nợ thuế đến ngày 31/3/2024

Ngày 25/4, Cục Thuế tỉnh có Công văn số 1991/CTHBI-QLN về việc công khai người nộp thuế nợ thuế.

Khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế cạnh tranh để phát triển

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo kết luận số 179/TB-VPCP, ngày 23/4/2024 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình ngày 13/4/2024.

Gìn giữ và phát triển thương hiệu bột sắn dây Nhuận Trạch

Cuối năm 2023, sản phẩm tinh bột sắn dây của Hợp tác xã (HTX) liên kết dịch vụ nông nghiệp và chế biến tinh bột Nhuận Trạch ở thôn Đồng Sẽ, xã Nhuận Trạch (Lương Sơn) được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Đối với người dân địa phương, sắn dây từng là cây trồng giúp bà con cải thiện thu nhập, xóa đói, giảm nghèo. Việc chứng nhận tinh bột sắn dây đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao là tiền đề để các hộ tiếp tục giữ gìn và phát triển, đưa sản phẩm vươn xa hơn trên thị trường.

Đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo sức bật cho phát triển

Phát biểu tại Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư, hợp tác xã Xuân Giáp Thìn, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khánh khẳng định: "Với phương châm chính quyền đồng hành cùng DN, Hòa Bình luôn xác định thành công của DN cũng là thành công của tỉnh; khó khăn, vướng mắc của các DN là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp”. Phương châm đó được thực hiện xuyên suốt, hiệu quả, tạo nên dấu ấn trong quá trình phát triển của tỉnh và cộng đồng DN trong tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục