Muôn sắc thổ cẩm ở chợ phiên Xà Lĩnh, Pà Cò (Mai Châu).

Muôn sắc thổ cẩm ở chợ phiên Xà Lĩnh, Pà Cò (Mai Châu).

(HBĐT) - Có dịp đi đây, đi đó, đến với nhiều phiên chợ từ chợ quê nông thôn đến các chợ vùng cao trong tỉnh, tôi luôn háo hức, xốn xang khi được hòa mình vào một phần cuộc sống của bà con các dân tộc, cảm nhận nét văn hóa chợ vùng miền đặc sắc.

 

Sở dĩ gọi là chợ phiên bởi tất cả các chợ này chỉ họp theo phiên, kể cả dịp Tết, các chợ vẫn diễn ra  đúng ngày, đúng buổi quy định giống như “Luận bất thành văn”.

Cũng nhờ có sự chuẩn bị từ trước nên hàng hóa của các miền quê, các sản vật vùng cao luôn mang đến đầy ắp mỗi chợ phiên. Trước đây, khi chưa có sự giao lưu đa dạng, phần lớn hàng hóa ở chợ là nông sản do bà con các dân tộc tự làm ra với mục đích trao đổi. Dần dà, những hộ kinh doanh, buôn bán dưới xuôi và các vùng lân cận đến họp chợ ngày càng đông, hàng hóa cung ứng cũng phong phú, đa dạng hơn, đáp ứng nhu cầu mua sắm tiêu dùng thiết yếu của người dân. Giờ đây, bà con không phải lặn lội về chợ thị trấn hay chợ họp ở xa để mua từng cây kim, cuộn chỉ, quần áo, vải vóc hay các loại thuốc chữa bệnh, giống cây trồng, thực phẩm, mỳ chính, nước mắm, đường, sữa... Tất cả những hàng hóa này đều có tại chợ phiên.

 

Những lần đi chơi, thăm thú chợ phiên, tôi thường mải miết tìm kiếm, lựa chọn bên những sạp hàng, góc chợ có đông bà con người dân tộc mua bán, trao đổi. Đồ mua về khi là khăn, túi xách thổ cẩm của phụ nữ dân tộc Thái hay chục bánh dày, con dao quắm do người Mông tự chế bày bán tại chợ Xà Lĩnh - Pà Cò, lạng thịt chuột khô - đặc sản ở các chợ phiên huyện vùng cao Đà Bắc, buộc rau su su, vài kg quýt ngọt ở chợ Bò - Lũng Vân hay gà đồi, chai mật ong, cân măng khô vốn là sản vật đặc trưng đến từ miền quê, vùng rừng núi các huyện Kim Bôi, Lạc Sơn, Lạc Thủy, Yên Thủy, Cao Phong. ở thành phố, những vật phẩm này không quá khó tìm bởi thời buổi kinh tế thị trường, ở đâu có nhu cầu, ở đó có nguồn cung. Nhưng chỉ có đến các chợ vùng cao, chợ nông thôn mới mua được thứ mình thực sự ưng ý, người bán là nhà nông chất phác làm ra sản phẩm nên không lo mua phải hàng “rởm”, hàng đã trà trộn, biến chất...                 

 

Điều luôn hấp dẫn tôi và những ai ham mê khám phá chợ phiên là nét văn hóa chợ thể hiện qua cách giao tiếp, ứng xử, ăn mặc mang sắc thái riêng của từng dân tộc, vùng miền. Chợ không chỉ là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn là nơi giao lưu, gặp gỡ, phô diễn bản sắc của các dân tộc. Đến chợ của người Mông, hầu hết phụ nữ đều diện trang phục của dân tộc mình với váy xòe hoa 2 màu đỏ, xanh sặc sỡ, xúng xính cùng âm thanh leng keng, rộn rã của đồ trang sức. Ngược lên vùng cao Đà Bắc, đồng bào Tày xuống chợ cũng rộn ràng váy, áo với họa tiết trang trí xinh xắn, cầu kỳ. Phụ nữ người Dao Tiền, Dao Đỏ  các xã Cao Sơn, Toàn Sơn, Tân Pheo... lại “khoe” trang phục áo dài đến gần đầu gối có thêu hoa văn ở phần cổ, lưng kết hợp với quần chẹt cùng nhiều đồ trang sức như vòng cổ, nhẫn, túi ăn trầu, trang sức bạc khiến cho bộ trang phục thêm tinh tế. Riêng đến các phiên chợ như chợ Rạnh, chợ Bãi Chạo (Kim Bôi), chợ Lồ - Phong Phú (Tân Lạc), bà con chủ yếu diện trang phục dân tộc Mường với yếm, áo cánh ngắn, váy dài tôn thêm vẻ mềm mại của người xứ núi, cạp váy được dệt bằng tơ nhiều màu tạo những hoa văn tinh xảo. 

 

Mua bán ở chợ phiên, sẽ không thấy cảnh ồn ã, xô bồ, mặc cả kỳ kèo bởi bà con các dân tộc không nói thách, cứ ngã thật giá, bán mớ, bán gùi theo cách ước lệ chứ không mấy khi đặt lên bàn cân. Nếu thấy thích món đồ nào, bạn cứ ngắm nghía, hỏi han, tìm hiểu và dẫu không mua cũng chẳng sao, bà con luôn xởi lởi đón chào bằng tâm hồn rộng mở. Phiên chợ thường bắt đầu từ tờ mờ sáng và kết thúc vào cuối buổi trưa. Cứ như vậy, những buổi chợ phiên nơi sinh sống tập trung của đồng bào các dân tộc Mường, Dao, Thái, Mông hàng tuần náo nhiệt diễn ra với sự cuốn hút đến kỳ lạ, mang đến những trải nghiệm đầy thú vị về cuộc sống, sắc thái văn hóa của cộng đồng các dân tộc vùng cao.

 

 

                                                                                 Bùi Minh

 

Các tin khác


Kiểm tra tiến độ dự án đường liên kết vùng

Sáng 4/5, đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã kiểm tra tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu). 

Tiếp tục giãn, hoãn nợ cho doanh nghiệp

Ngân hàng Nhà nước vừa trình Chính phủ đề xuất: gia hạn thêm thời gian thực hiện Thông tư 02, về việc cơ cấu lại thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ thêm 6 tháng.

Lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá Việt Nam là một trong những nền kinh tế đóng góp phần lớn vào mức tăng trưởng tích cực của khu vực.

Điều kiện để trái bưởi tươi Việt Nam xuất khẩu vào Australia

Quả bưởi tươi của Việt Nam có thể được phép nhập khẩu vào thị trường Australia nếu sản phẩm đáp ứng các điều kiện an toàn sinh học.

Quyết liệt các giải pháp tăng nguồn thu ngân sách

Hiện đã qua 1/3 chặng đường thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2024. Bằng việc triển khai đồng bộ, quyết liệt, linh hoạt các giải pháp nuôi dưỡng, phát triển nguồn thu, quản lý thu, tỉnh Hòa Bình đã đạt kết quả tích cực trong thu ngân sách nhà nước (NSNN).

Huyện Tân Lạc phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi thời điểm nắng nóng

Thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường là môi trường thuận lợi cho các dịch bệnh bùng phát, lây lan trên đàn vật nuôi. Do đó, huyện Tân Lạc đã chỉ đạo các ngành chức năng và các xã, thị trấn phối hợp, hướng dẫn người chăn nuôi phương pháp chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục