(HBĐT) - Cùng đoàn công tác của thành phố Hòa Bình, chúng tôi có dịp đến thăm nhà thờ giáo xứ Hòa Bình đúng vào dịp bà con giáo dân hân hoan, phấn khởi chuẩn bị đón chào xuân Đinh Dậu. Người nhanh tay dọn dẹp vệ sinh, người đóng gói bánh kẹo, quà Tết. Các em gái thì tươi tắn luyện tập và chuẩn bị trang phục cho các tiết mục văn nghệ đón chào năm mới. Hòa vào dòng chảy của đời sống văn hóa dân tộc, bà con giáo dân giáo xứ Hòa Bình hân hoan, phấn khởi đón chào năm mới.
Theo các tài liệu ghi chép lại thì từ năm 1925, một số giáo dân từ giáo xứ Hà Thao, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) lên lập ngư nghiệp trên sông Đà và định cư tại đây đã bắt đầu khởi nguồn hình thành nên giáo xứ Hòa Bình. Do ảnh hưởng chiến tranh nên sau đó, giáo xứ Hòa Bình trong 56 năm không còn linh mục, không còn giáo dân. Nhà thờ cũng xóa sổ không còn sinh hoạt cộng đoàn. Đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, năm 2000, UBND tỉnh đồng ý cho linh mục Giuse Nguyễn Trung Thoại được vào tỉnh hoạt động mục vụ cho bà con giáo dân việc hiếu, việc hỉ. Cho đến ngày 28/10/2002, UBND tỉnh chính thức đồng ý cho giáo xứ Hòa Bình tổ chức dâng thánh lễ. Năm 2005, UBND tỉnh đồng ý cho xây một nguyện đường trên thửa đất tại tổ 22, phường Đồng Tiến, thành phố Hòa Bình. Đến năm 2007, UBND tỉnh đã cấp cho giáo xứ Hòa Bình 10.000 m2 đất để xây dựng nhà thờ tại phường Đồng Tiến. Sau 18 tháng xây dựng, nhà thờ giáo xứ Hòa Bình đã được hoàn thành với thánh đường dài 55 m, rộng 18 m và 2 tháp cao 44 m cùng quảng trường rộng hơn 6.500 m2.
Đoàn công tác của tỉnh thăm, tặng quà giáo xứ Ba Cắt, xã Văn Nghĩa (Lạc Sơn) nhân dịp lễ Noel năm 2016. ảnh: Thu Thủy
Đưa chúng tôi đi thăm quan cơ sở vật chất nhà thờ, ông Ngô Văn Nhân - Trưởng ban hành giáo, giáo xứ Hòa Bình phấn khởi cho biết: Từ một địa bàn “trắng” tôn giáo, nhờ sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, giáo xứ Hòa Bình dần hồi sinh. Nhà thờ hoàn thành, đi vào hoạt động là nơi tổ chức các Thánh lễ, đại tiệc của giáo xứ. Bà con giáo dân vô cùng phấn khởi, tích cực sống, lao động sản xuất và chung tay xây dựng tỉnh nhà với phương châm “tốt đời, đẹp đạo”.
Hiện nay, giáo xứ Hòa Bình thuộc giáo phận Hưng Hóa, có 12 giáo họ với khoảng hơn 2.600 nhân danh, sống rải rác trên địa bàn thành phố Hòa Bình và 5 huyện: Kỳ Sơn, Cao Phong, Tân Lạc, Mai Châu và Đà Bắc. Trong đó, đông nhất là họ Trung Minh được thành lập từ năm 2000 với khoảng hơn 700 nhân danh và họ Phương Lâm thành lập năm 1930 với khoảng hơn 400 nhân danh.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, đồng bào Công giáo dùng dương lịch, có Lễ tạ ơn cuối năm theo dương lịch và đón năm mới theo dương lịch nhưng vẫn gắn bó với văn hóa dân tộc qua cách dùng âm lịch và đón Tết cổ truyền dân tộc. Người Công giáo có cách nhắc lịch Tết âm qua câu tục ngữ “Lễ nến (ngày 2/2), Tết đến sau lưng”.
Trò chuyện với chúng tôi, giáo dân Phạm Thị Hồng (phố Ngọc, xã Trung Minh, thành phố Hòa Bình) cho biết: Đã là người Việt thì chúng tôi vẫn luôn coi trọng Tết cổ truyền. Coi đó là thời khắc thiêng liêng mở đầu năm mới. Do đó, người Công giáo cũng nhắc nhau trước ngày Tết đến, công nợ phải lo trả trong năm cũ, mâu thuẫn bất hòa phải được hóa giải trước giao thừa. Ngày Tết, người Công giáo cũng dọn dẹp nhà cửa, sắp xếp bàn thờ, trang trí gia đình, phấn khởi đón Tết theo truyền thống văn hóa cổ truyền.
Đặc biệt, sau giao thừa, đồng bào công giáo giáo xứ Hòa Bình thường đến nhà thờ mừng tuổi Đức Mẹ bằng cách dâng hoa, đọc kinh. Sau đó xin “lộc” bằng cách rút một tờ giấy có in “Lời Chúa” mang về và coi như là lời dạy của Chúa đối với mình về cách sống trong cả năm mới. Ngoài ra, ngày nay, theo lịch Phụng vụ của Công giáo thì mồng 1 Tết: cầu bình an cho năm mới; mồng 2: kính nhớ tổ tiên; mồng 3: thánh hóa công ăn việc làm. Nên một số đồng bào Công giáo sẽ đến viếng nghĩa trang, đọc kinh cầu nguyện cho tổ tiên vào ngày mồng 2, mồng 3 Tết.
Nguyễn Dương
(HBĐT) - Suốt 47 năm (1953-2000), tôi đã cần mẫn mê say đi tới một số vùng đồng bào các dân tôc ở Tây Bắc, Việt Bắc, Tây Nguyên để sưu tầm, nghiên cứu múa dân gian của các dân tộc. Cũng cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc lâu nhất và tìm hiểu sâu, học tập rộng về nghệ thuật múa cội nguồn-tâm hồn các dân tộc Thái, Mường, Dao, Mông, Khơ Mú, Si La, Hà Nhì, Sinh Mun, La Hủ, Kháng, Lào, Lự, Tày, Nùng,… Nhận thấy hầu hết các dân tộc đều có nền nghệ thuật múa lâu đời, phong phú, đặc sắc. Song, điều làm tôi băn khoăn và tự hỏi: Tại sao dân tộc Mường, một dân tộc đông dân cư. Đã sống lâu ở đất Việt Nam từ thời “Đất còn bạc lạc/ Nước còn bời lời của thuở hồng hoang...” ở Việt Nam. Đã có một nền văn hóa lâu đời, phong phú, đặc sắc lại không có nghệ thuật múa ?
(HBĐT) - Táo Quân có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc, nhưng được người Việt chuyển hóa sự tích hai ông một bà là vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc.
(HBĐT) - Chỉ còn hơn 1 tuần nữa sẽ diễn ra Tuần Lễ hội du lịch tỉnh Hòa Bình năm 2017 (từ 31/1 – 6/2/2017, tức từ mùng 4 đến mồng 10 tháng giêng năm Đinh Dậu), đây cũng là hoạt động mở đầu và hưởng ứng Năm du lịch Quốc gia tại tỉnh. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có hàng trăm điểm tổ chức lễ hội vào dịp đầu xuân, tuy nhiên có 38 lễ hội lớn đang được bảo tồn và tổ chức qui mô hơn cả. Tiêu biểu như: lễ hội chùa Tiên, lễ hội đền Bờ, lễ hội Mường Động, lễ hội Khai hạ Mường Bi…
(HBĐT) - Cũng như nhiều người dân khác, đầu năm tôi cùng gia đình thường xuyên đi lễ chùa đều cầu mong một năm mới bình an, sức khỏe, hạnh phúc và nhiều may mắn đến cho bản thân, mọi người trong gia đình và những người xung quanh. Năm nào cũng vậy, những ngày đầu năm mới, tôi cũng đến dâng hương tại Chùa Hòa Bình phật Quang, chùa Tiên (Lạc Thủy), đền Bờ và nhiều lễ hội khác.
(HBĐT) - Năm 2017, huyện Lạc Thủy có 8 lễ hội được tổ chức, trong đó có 2 lễ hội cấp huyện là lễ hội chùa Tiên, lễ hội Nhà máy In tiền và 6 lễ hội cấp xã. Những năm qua, công tác quản lý tổ chức lễ hội mặc dù đã được đẩy mạnh và đã có nhiều chuyển biến tích cực, các lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, công tác quản lý, khai thác các điểm di tích lịch sử văn hoá, di tích thắng cảnh còn lộn xộn chưa đúng với chức năng và yêu cầu, nhiệm vụ của ngành và địa phương; tại các lễ hội vẫn còn các hiện tượng chèo kéo khách, trộm cắp ăn xin, cờ bạc… xảy ra trên địa bàn.
(HBĐT) - Đầu năm mới, cũng là mùa của lễ hội, do đó ngày từ cuối năm 2016, công tác tổ chức, quản lý lễ hội năm 2017 đã được xây dựng kế hoạch, triển khai nội dung cụ thể và tuyên truyền sâu rộng để có những lễ hội an vui, lành mạnh, giàu bản sắc, phù hợp với thuần phong mỹ tục và các giá trị văn hóa của dân tộc.