(HBĐT) - Từ năm 2012, lễ hội đình Cổi, xã Bình Chân (Lạc Sơn) được phục dựng. Phần lễ tổ chức theo nghi thức truyền thống của người Mường cổ là rước kiệu và sắc phong. Phần hội tổ chức múa chèo đình truyền thống kết hợp với hoạt động văn hóa, văn nghệ, TD-TT, các trò chơi dân gian dân tộc Mường vùng Lạc Sơn. Từ đó đến nay, lễ hội là một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh của bà con trong vùng.
Hòa cùng dòng người đi rước kiệu, bà Bùi Thị Nẻo ở xóm Cài, xã Vũ Lâm (Lạc Sơn) cho biết: Từ ngày khôi phục lễ hội đình Cổi năm nào tôi cũng tham gia. Lễ hội đã tái tạo được những nét văn hóa, sinh hoạt từ thuở sơ khai của người Mường Lạc Sơn. Không chỉ giúp chúng tôi nhớ lại thời cha ông mình mà còn giúp thế hệ trẻ hiểu hơn những nét văn hóa của người Mường cổ.
Trò chơi ném còn tại lễ hội đình Cổi.
Mê mẩn với những chiếc cù quay trong lễ hội, Bùi Văn Tuấn ở xã Bình Chân cho hay: Nếu không có lễ hội mở ra trò chơi dân gian như chơi cù, ném còn thì chúng cháu không biết đến những trò chơi dân gian này.
Theo truyền thuyết dân gian của dân tộc Mường và lời kể của các cụ cao niên trong làng, đình Cổi xưa còn có tên gọi là đình Chung Điếm. Được khởi dựng vào đầu thế kỷ XIX, tọa lạc trên khu ruộng Cọi Khưa, gần chân núi Khụ Bậy. Đình làm theo kiến trúc nhà sàn của người Mường gồm có 3 gian, 2 chái với 6 hàng chân cột được kê trên đá tảng, mái lợp tranh dài khoảng 8 m, rộng khoảng 5 m, cao 7 m, gồm cửa chính, 1 cửa phụ và 7 cửa voóng, gầm sàn cao 1,4 m, mặt quay hướng nam. Vật dụng để dựng đình chủ yếu làm bằng gỗ. Các vị thần được thờ chính tại đình Cổi là Quốc Mẫu Hoàng Bà, Vua Cả (Thánh Tản), Vua Cun, Vua Hai (Cao Sơn và Quý Minh Đại Vương), thành hoàng, ông bà nhất huyệt, kem, cai.
Tương truyền vào một ngày đẹp trời, Quốc Mẫu đang dạy các cung nữ dệt vải trên cung đình chợt bà nghe thấy tiếng chim hót líu lo, tiếng suối chảy róc rách hòa quyện vào nhau làm trong người cảm thấy thư thái. Bà đưa tay vén bức màn dệt bằng những dải mây hồng nhìn xuống hạ giới thấy đất đai phì nhiêu, màu mỡ nhưng cuộc sống người dân ở đó vô cùng cực khổ. Thấy vậy bà liền cho gọi những người hầu cận xuống hạ giới để dạy dân cách làm ăn, sinh sống. Khi xuống hạ giới, Quốc Mẫu liền cải trang thành dân thường để tìm hiểu cuộc sống của người dân. Quốc Mẫu cùng các vua đi từ Ba Vì đến đồng Khậm Mu, xóm Cổi thì trời mưa. Bà dừng chân nơi đây tận mắt nhìn thấy cuộc sống cực khổ của nhân dân. Quốc Mẫu Hoàng Bà cùng các vua dạy dân cách trồng trọt, khai phá ruộng nương. Vua út, Vua ả dạy cách trồng bông, dệt vải. Vua Cun, Vua Hai hướng dẫn cách khai phá làm ruộng nương. Vua Cả là người trị thủy cho nước lũ khỏi ngập mùa màng, khi hạn hán thì đảo vũ để có nước cho hoa màu. Quốc Mẫu là người chỉ dạy những điều hay, lẽ phải ở đời.
Nhớ ơn công đức, lời dạy của Quốc Mẫu và các vua, người dân trong vùng đã lập đình thờ. Cứ mỗi độ xuân về, nhân dân trong vùng lại về đình Cổi thực hiện các nghi lễ bày tỏ lòng tôn kính, cảm ơn tới Quốc Mẫu và vua, dâng lên đấng thần linh các thành quả đã đạt được trong năm cũ và cầu mong năm mới gặp nhiều may mắn.
Lễ hội đình Cổi bắt đầu từ đó và được duy trì qua nhiều thế hệ, giờ đây đã trở thành nét văn hóa truyền thống đặc sắc không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt tâm linh của người Mường.
Theo các cụ cao niên kể lại, đình Cổi đã được nhận 2 sắc phong một do Vua Khải Định và một do Vua Bảo Đại cấp. Hiện nay, đình còn giữ được một ống đựng sắc phong, một hộp đựng sắc phong và một đòn kiệu. Qua nhiều biến cố của lịch sử, nhiều hiện vật cổ, quý giá của đình không còn. Nhiều năm lễ hội đã không diễn ra. Đến năm 2001, trên khu đất dựng đình năm xưa, nhân dân xã Bình Chân đã dựng tạm một lán nhỏ để đặt bàn thờ. Thời gian qua, di tích đã nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền, sự ủng hộ của các nhà hảo tâm, du khách thập phương và nhân dân trong huyện. Di tích từng bước được trùng tu, tôn tạo để phát huy những giá trị văn hoá lịch sử và du lịch tâm linh. Năm 2012, UBND huyện Lạc Sơn quyết định phục dựng lại lễ hội đình Cổi và đình đã được xây dựng lại. Năm 2014, UBND tỉnh công nhận di tích đình Cổi là “Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh”.
Đồng chí Bùi Văn Tặng, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Chân cho biết: Đến nay, nhân dân huyện Lạc Sơn và khách thập phương đều nhớ ngày mồng 7- 8 tháng giêng hàng năm là ngày khai hội đình Cổi. Họ đến đây để trẩy hội cầu may, tài lộc đầu năm, cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, xóm làng bình yên, người người được khỏe mạnh, nhà nhà hạnh phúc, quê hương đổi mới, đất nước phồn thịnh.
Việt Lâm
(HBĐT) - Thực hiện Chương trình tổ chức Năm du lịch quốc gia 2017 Lào Cai - Tây Bắc của Bộ VH-TT&DL, ngày 4/1/2017, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 01/KH-UBND về tổ chức các hoạt động, sự kiện và tham gia các hoạt động trong Chương trình Năm Du lịch quốc gia 2017- Lào Cai - Tây Bắc tại tỉnh. Trong đó, một trong những hoạt động đầu tiên là tuần Lễ hội du lịch tỉnh năm 2017 từ ngày 4 đến 10 tháng giêng năm Đinh Dậu.
(HBĐT) - Dù ai đi đâu về đâu /Mùa xuân ngày hội cùng nhau đón chào /Dù ai mải miết nơi nào /Chùa Tiên mở hội cùng vào du xuân /Dù ai đi xa đi gần /Chùa Tiên Phú Lão hội xuân tìm về.
(HBĐT) - Lên với Mai Châu cũng có nghĩa là lên với cộng đồng người Thái sống tập trung ở các bản làng vùng cao. Nét đẹp văn hóa riêng hiển hiện trong mỗi nếp nhà, từ lời ăn, tiếng nói, trang phục, ẩm thực đến cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, kỳ thú. Đó cũng là điểm cộng để Mai Châu hút khách du lịch quanh năm. Theo thống kê, dân tộc Thái hiện chiếm tỷ lệ trên 60% trong tổng số các dân tộc sinh sống ở địa bàn huyện. Đặc biệt, nhiều bản người Thái như bản Lác - Chiềng Châu, bản Văn, bản Pom Coọng - thị trấn Mai Châu, gần đây là bản Nhót - Nà Phòn, bản Bước - Xăm Khòe nhờ biết gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa đặc sắc của dân tộc kết hợp với sự nhanh nhạy mở mang dịch vụ du lịch đã trở thành điểm đến của đông đảo khách trong nước, quốc tế.
(HBĐT) - Một chiều cuối năm Bính Thân 2016, cùng cán bộ văn hoá xã Sủ Ngòi (thành phố Hoà Bình), chúng tôi ra thăm đình Ngòi. Đi trên đê Quỳnh Lâm nhìn xuống làng Ngòi xưa từ xa xa đã thấy mái đình thấp thoáng. Tọa lạc trên một khu đất rộng, bằng phẳng, tường xây bao quanh, đình làng Ngòi được phục dựng lại uy nghiêm, bề thế.
Đêm 10, rạng sáng 11-2 (tức ngày 14, rạng sáng 15, tháng Giêng năm Đinh Dậu 2017), Lễ khai Ấn Đền Trần đã được tổ chức trang trọng tại Khu di tích Đền Trần, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định. Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tới dự lễ khai ấn.
(HBĐT) - Tối 9/2, Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh phối hợp với trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ đã tổ chức Ngày thơ Việt Nam. Đồng chí Nguyễn Văn Chương, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã tới dự và đánh trống khai hội.