Đây là một loại hình di sản văn hóa đặc biệt của người Mường có dung lượng khổng lồ, có sự ảnh hưởng sâu sắc, chi phối đến mọi mặt đời sống của người Mường bao đời qua, hiện tại và cả tương lai. Di sản độc đáo chứa đựng những giá trị nhân văn, văn hóa, lịch sử, nhân sinh quan, vũ trụ quan, ngữ văn dân gian của người Mường. Giới học giả trong và ngoài nước đánh giá Mo Mường như "Bộ bách khoa thư dân gian” về dân tộc Mường, những gì có ở người Mường đều được phản ánh trong Mo Mường.
Mo Mường bao gồm ba lĩnh vực chính cấu thành: Lời mo và diễn xướng, môi trường diễn xướng và con người thực hành diễn xướng mo tức là nghệ nhân mo. Trong đó, lời mo gắn liền với nghệ nhân mo chiếm vị trí quan trọng nhất.
Trong hơn một thế kỷ đã qua, kể từ khi người Pháp khởi xướng, tiến hành nghiên cứu khoa học về các dân tộc đa số và thiểu số ở Việt Nam đã có hàng trăm công trình khoa học lớn, nhỏ nghiên cứu về mo. Mo trở thành một trường hợp hiếm hoi trong số những sản phẩm văn hoá của người thiểu số ở Việt Nam thu hút được chú ý nghiên cứu nhiều nhất cho đến giờ.
Lịch sử nghiên cứu lâu dài, số lượng các công trình nghiên cứu nhiều đã đem đến kết quả là việc nghiên cứu về mo cũng đạt được những thành tựu to lớn. Có thể kể tới một số lĩnh vực nghiên cứu cùng tên tuổi của các học giả có những công trình nghiên cứu tiêu biểu về Mo như: Lĩnh vực chính trị xã hội: Grossin P., Bùi Văn Kín...; lĩnh vực dân tộc học: Cuisinier J., Nguyễn Từ Chi...; lĩnh vực sưu tầm và dịch thuật: Vương Anh, Hoàng Anh Nhân, Bùi Thiện, Quách Giao, Đinh Văn ân, Bùi Nợi, Bùi Huy Vọng... Lĩnh vực nghiên cứu văn học: Nguyễn Đổng Chi, Võ Quang Nhơn, Bùi Văn Nguyên, Cao Huy Đỉnh, Đặng Văn Lung, Phan Ngọc, Phan Đăng Nhật, Trương Sĩ Hùng, N.I. Nikulin... Lĩnh vực nghiên cứu cấu trúc, ngữ âm, diễn xướng và âm nhạc: Bùi Văn Thành, Kiều Trung Sơn.
Lời Mo: Chính là các bài mo, cát mo, roóng mo (các chương, hồi) hay nói chuẩn xác hơn đó là các bài văn vần được dân gian truyền miệng được sử dụng làm lời khấn trong các nghi lễ tín ngưỡng, lễ cầu mạnh khỏe đặc biệt được dùng trong tang lễ... Nhìn tổng thể Mo Mường được làm nên và kết cấu bởi rất nhiều bài văn vần truyền miệng. Khi thực hiện nghi lễ lời Mo được thầy mo xướng lên những khúc mo, chương mo theo những giai điệu nhất định, phù hợp với nội dung và mục đích và nghi lễ đó hướng tới.
Trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều bản Mo được sưu tầm, song có 3 bản Mo chính đã được sưu tầm và xuất bản có dung lượng và quy mô rất lớn, một là của Bùi Thiện, bộ Mo của Bùi Nợi và bộ Mo Mường do UBND tỉnh công bố năm 2010, đó là chưa kể các sưu tầm được công bố rải rác trong các công trình, các ấn phẩm của nhiều tác giải sưu tầm được công bố lâu nay. Hiện nay, cách phân chia Mo theo các nội dung, mục đích sử dụng thành các chương, hồi, tiếng Mường gọi là các kát, roóng chưa thống nhất, mỗi vị phân chia theo nhìn nhận của riêng mình, với lại nội dung các chương Mo cụ thể mang yếu tố vùng miền, mỗi chương Mo vừa là bản chính song cũng là dị bản của nhau
Theo nhà sưu tầm Bùi Thiện thì tiến hành đầy đủ mo phải mất 23 ngày mo liên tục với 115 roóng (chương, hồi) Mo và hơn 44. 000 câu thơ mo. Đầy đủ hơn vì bản của Bùi Thiện sưu tầm không chỉ mo trong tang lễ mà còn ở ngoài tang lễ bao trùm lên nhiều lĩnh vực như tín ngưỡng dân gian, nghi lễ vòng đời, các nghi lễ cầu mạnh khỏe của người Mường. Tất nhiên, các nghi lễ ngoài tang lễ chỉ sử dụng một phần nhỏ các lời Mo phù hợp với mục đích nghi lễ đó hướng tới
Trong công trình Mo Mường dài 3 tập của Bùi Nợi có hơn 22.000 câu thơ mo.
Bản Mo Mường Hòa Bình do UBND tỉnh xuất bản năm 2010 có dung lượng 46 chương lớn với trên 22.500 câu thơ mo...
Mỗi một bản mo, một dòng mo lưu giữ đều có những điểm giống hay khác nhau, mỗi vùng Mường, việc diễn xướng mo, lời mo đều có khác nhau đôi chút. Điều này chứng tỏ yếu tố dị bản, sự phong phú của mo rất đa dạng.
Trong dân gian Mường thực hiện mo, thực hiện nghi lễ hay nói ngắn hơn mo là loạt các nghi lễ được tiến hành trong tang lễ nhằm thực hiện các thủ tục trước khi mang người chết đi mai táng.
Về tổng thể lời Mo Mường có ba loại chính cùng được sử dụng trong tang lễ, đó là: Mo nghi thức, mo kể chuyện và mo nhòm.
Mo nghi lễ nhằm thực hiện các thủ tục cúng, tế như các nghi lễ: kwét khăng - quét quan tài, tạp ma - đạp ma, nhập khăng - nhập quan, kẹ - chữa bệnh cho hồn ma, nhương ăn, nhương oỏng - cúng dâng cơm cho hồn người chết, cúng tổ sư nghề thầy Mo, nhập mộ... Đây là những nghi lễ, thủ tục bắt buộc phải tuân thủ trong một tang lễ.
Mo kể chuyện tiếng Mường gọi là mo tiêw, đây là thầy mo kể chuyện lịch sử, chuyện xưa cho hồn ma và những người tham dự tang lễ nghe. Loại hình mo này chủ yếu thực hiện vào ban đêm. Mo kể chuyện teé tất teé rác - Đẻ đất, đẻ nước, toọc moong - săn muông khổng lồ, kốn chu kẻw lội - kổn chu kéo lội, đẻ bát, đẻ sanh nồi, đẻ trống đồng... Vùng Mường ở Tân Lạc, Cao Phong còn mo kể chuyện Wần wa khụ Kổi - Vườn hoa núi Cối...
Teé tất teé rác - Đẻ đất, đẻ nước là câu chuyện mang tính sử thi kể về việc sinh ra đất và nước như ngày nay chúng ta nói việc sinh ra vũ trụ, sinh ra muôn loài và sinh ra con người. Toọc moong - Săn muông khổng lồ, nói về thời kỳ sơ sử con người chống chọi với muông thú, thiên nhiên hoang dã để sinh tồn. Kốn chu kẻw lội - kổn chu kéo lội nói về con người chinh phục loài cây có thân mình bằng đồng, bông thau, thiếc mang về để sử dụng. Thực chất đây là sử thi nói về thời kỳ sơ sử con người tìm ra kim loại đồng, biết nấu quặng thành đồng để chế tác thành công cụ, vũ khí... mà đỉnh cao của nó là văn minh Đông Sơn rực rỡ thời Vua Dịt Dàng, Vua Hùng dựng nước.
Các nhà nghiên cứu đã liệt các chương mo kể chuyện thuộc loại hình sử thi mang dáng dấp sử thi sáng thế còn nhiều điều chưa được nghiên cứu làm rõ.
Mo nhom - mo nhòm thực chất cũng là loại mo có tính nghi lễ, là thủ tục thầy mo dẫn hồn người chết đi các thế giới: Trên trời, dưới nước, vào mường ma, dưới lòng đất của thế giới người tí hon để ti nhom - đi nhìn, thăm thú các vùng đất, quê mường; thực hiện các "thủ tục”: Làm sạch mình, xử kiện, xin hình hài cho kiếp sau... trước khi sang thế giới bên kia.
Loại hình mo nhom - mo nhòm tiêu biểu có các roóng mo - chương mo: Mo lêênh tlơi - mo lên trời, mo kwốc nam - mo quốc nam...
Mo nhòm có thể coi đó là cuốn địa chí dân gian Mường, trong đó, nhiều vùng mường, địa danh cổ, vùng đất, sản vật... được miêu tả kỹ, rất có giá trị thực tiễn.
Trong khi đó, mo Mường Bi do Bùi Nợi sưu tầm và bản UBND tỉnh Hòa Bình công bố năm 2010 chủ yếu sưu tầm ở vùng Mường Bi, huyện Tân Lạc có những kát - chương mo không có ở Lạc Sơn, tuy nhiên, nội dung có những khác biệt, đặc biệt, các có các kát mo như: Wần wa khụ Kổl - Vườn hoa núi Cối, Ti khôông Tị - Đi sông Tị, nhòm mường Pi - nhòm Mường Bi, các tiểu nội dung như: Đẻ bánh, Sự tích cỗ gà... Qua các vùng mường khác cũng có nhiều khác biệt nữa. Đó là chưa kể mo ở Thanh Hóa, ở Sơn La... càng có những khác biệt hơn. Điều này làm cho mo càng có tính phổ khắp, làm đa dạng phong phú, sâu rộng trong người Mường ở các vùng khác nhau.
(Còn nữa)
Bùi Huy Vọng
(Xóm Bưng, xã Hương Nhượng, huyện Lạc Sơn)