(HBĐT) - Với tiềm năng, lợi thế đặc thù, ngày 1/8/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1528/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đến năm 2030.
Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Lưu Huy Linh cho
biết: Quy hoạch có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển du lịch của tỉnh. Tỉnh
đang xây dựng các đề án, chương trình, kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện Quy
hoạch phát triển Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình của Thủ tướng Chính phủ phê
duyệt. Tỉnh đặt mục tiêu: Huy động mọi nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng
điểm, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh xây dựng Khu du lịch hồ Hòa Bình đến
năm 2025 cơ bản đáp ứng các tiêu chí được công nhận là Khu du lịch quốc gia. Đến năm 2030, Khu du lịch hồ
Hòa Bình có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; sản
phẩm du lịch đa dạng, phong phú, có chất lượng, có thương hiệu, trở thành trung
tâm du lịch lớn nhất tỉnh, là 1/12 khu du lịch trọng tâm của vùng trung du,
miền núi Bắc Bộ với sản phẩm đặc trưng là du lịch tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa
dân tộc Mường gắn với hệ sinh thái lòng hồ.
Trong định hướng cụ thể phát triển sản phẩm Khu du
lịch quốc gia hồ Hòa Bình, tỉnh tập trung xây dựng và phát triển các sản phẩm
du lịch tâm linh đền Thác Bờ, huyện Cao Phong và Đà Bắc; đền Đôi Cô, xã Hiền
Lương, huyện Đà Bắc; xây dựng các sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng chất
lượng cao tại đảo Sung, xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc; khu vực vịnh Ngòi Hoa, hồ
Hoa, xã Ngòi Hoa, huyện Tân Lạc; sản phẩm du lịch vui chơi, giải trí chất lượng
cao tại khu vực vịnh Ngòi Hoa; sản phẩm du lịch cộng đồng tại các xóm Ngòi (xã
Ngòi Hoa), xóm Trụ (xã Thái Thịnh); xóm Ké (xã Hiền Lương), xóm Đá Bia (xã Tiền
Phong). ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch
tìm hiểu văn hóa các dân tộc, đồng thời quan tâm phát triển các sản phẩm du
lịch hỗ trợ.
Tiếp tục khai thác tuyến du lịch đường thủy từ cảng du
lịch Tuần Châu, tỉnh Quảng Ninh lên Hòa Bình để kết nối lên hồ Hòa Bình. Xây
dựng chương trình, tuyến du lịch đường thủy trên sông Đà kết nối các điểm du
lịch khu du lịch hồ Hòa Bình với hồ thủy điện các tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai
Châu. ưu tiên phát triển loại hình lưu trú homestay tại các bản du lịch cộng
đồng; phát triển loại hình nghỉ dưỡng cao cấp tại vùng lõi rộng khoảng 1.000 ha
của hồ Hòa Bình như phân khu Ngòi Hoa, đảo Sung. Quy hoạch xây dựng các khách
sạn 3 - 5 sao tại phân khu Thái Bình, Thái Thịnh; nghỉ dưỡng nổi tại phân khu
Bình Thanh - Vầy Nưa - Hiền Lương. Phát triển các loại hình dịch vụ ẩm thực,
khai thác món ăn truyền thống, đặc sản của dân tộc Mường và các dân tộc thiểu
số trong vùng; xây dựng mô hình phố ẩm thực, chợ văn hóa du lịch ven sông dọc
hai bờ sông Đà, thành phố Hòa Bình… Xây dựng một số điểm dừng chân, trồng hoa,
cây cảnh tạo hình ảnh độc đáo cho Khu du lịch hồ Hòa bình để du khách thăm quan,
chụp ảnh kỷ niệm. Lựa chọn những mẫu sản phẩm hàng lưu niệm mang đặc trưng
riêng có chất lượng, phù hợp với đặc điểm Khu du lịch Hòa Bình.
Tỉnh đang triển khai chính sách hỗ trợ, khuyến khích
doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia phát triển du lịch theo quy hoạch, khuyến
khích doanh nghiệp đầu tư, đóng mới, nâng cấp các loại tàu, thuyền đạt chất
lượng cao phục vụ chở khách du lịch trên hồ Hòa Bình, tạo điều kiện cho các đơn
vị hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch hồ Hòa Bình, ứng dụng khoa học, công
nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch có năng lực cạnh tranh với các
điểm, khu du lịch khác…
Lê Chung