Nhà bia tưởng niệm khu căn cứ cách mạng Mường Diềm là nơi giáo dục truyền thống cho người dân, nhất là thế hệ trẻ.
Sau 8 năm tôi mới có dịp trở lại xã Trung Thành. Trước đây, con đường từ Tân Minh lên Trung Thành là đường nhựa rải cấp phối. Sau trận mưa, đất trôi hết, đá nổi mặt đường. Lần này tôi thật sự ngỡ ngàng trước sự đổi thay nơi đây. Con đường liên xã từ Tân Minh đến Trung Thành - Đoàn Kết - Yên Hòa - Đồng Ruộng đã được rải nhựa phẳng lỳ. Nhiều con đường đến xóm cũng được đổ bê tông sạch sẽ. Đi cùng tôi từ di tích chiến khu về UBND xã, ông Lường Văn Xiên, Chủ tịch UBND xã kể về lịch sử những ngày đầu của chiến khu Mường Diềm.
Đầu tháng 4/1945, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Xứ ủy Bắc Kỳ, Ban cán sự Đảng tỉnh đã quyết định thành lập khu căn cứ cách mạng Mường Diềm. Được sự đùm bọc, giúp đỡ tận tình của nhân dân trong vùng, lực lượng cách mạng của khu căn cứ ngày càng lớn mạnh, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945 tại châu lỵ chợ Bờ, suối Rút, phố Vãng (Hòa Bình) và Mộc Châu (Sơn La). Năm 1946, lực lượng cách mạng Mường Diềm phối hợp chặt chẽ với lực lượng cách mạng khác của tỉnh Hòa Bình tiêu diệt gọn Đảng Đại Việt Duy Tân đến chiếm Mường Diềm làm đại bản doanh và âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng tỉnh Hòa Bình. Bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, lực lượng tự vệ của khu căn cứ cách mạng Mường Diềm phát triển thành một tiểu đoàn bộ đội địa phương do ông Đinh Công Đốc chỉ huy đã cùng nhân dân trong vùng đẩy mạnh chiến tranh du kích, góp phần đập tan âm mưu lập "Xứ Mường tự trị” của giặc Pháp ở tỉnh Hòa Bình. Khu căn cứ cách mạng Mường Diềm đã để lại nhiều bài học quý giá trong quá trình vận động cách mạng. Nhờ những đóng góp trong thời kỳ tiền khởi nghĩa và kháng chiến chống thực dân Pháp, căn cứ Mường Diềm đã được Bộ VH-TT xếp hạng là di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia năm 1996.
ông Xiên cho biết thêm: Những năm trước, đường giao thông khó khăn nên kinh tế của xã chủ yếu là tự cung, tự cấp, ngô, lúa làm ra bị tư thương ép bán giá rẻ. Không có đường thì chẳng chuyển đổi cây trồng được, tiểu thủ công nghiệp cũng không phát triển. Từ khi có đường giao thông, tất cả đã thay đổi. Nông dân mở rộng diện tích canh tác lên gần 400ha. Cùng với đó, bà con đưa nhiều giống mới vào canh tác cho năng suất cao. Diện tích lúa trên 100 ha, năng suất đạt 60 tạ/ha. Ngoài ra, diện tích ngô mở rộng trên 120 ha với năng suất 70 tạ/ha, cây lâu năm trên 60 ha, diện tích khoai, sắn trên 120 ha.
Một trong những thành công nhất của sản xuất nông nghiệp trong những năm qua là Trung Thành đã đưa cây chè shan tuyết vào canh tác với diện tích trên 100 ha, trong đó trên 40 ha đã cho thu hoạch, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho bà con. Từ những nỗ lực phát triển kinh tế giúp người dân xã Trung Thành ổn định cuộc sống. Đến nay, thu nhập bình quân của xã đạt 14,3 triệu đồng/người/năm, 85% hộ được dùng nước hợp vệ sinh, 100% học sinh được đến trường, 90% hộ được sử dụng điện lưới quốc gia. Toàn xã hiện có trên 50% đường giao thông liên thôn được cứng hóa. Xã hoàn thành 9 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.