Cầu Thê Húc trong sương sớm (năm 1960). Ảnh: LÊ VƯỢNG Các tác
phẩm ảnh được trưng bày tại triển lãm ảnh "Mười năm - Vì tình yêu Hà
Nội" được chọn lọc từ nhiều bộ ảnh về Hà Nội của các nghệ sĩ nhiếp ảnh:
Lê Vượng, Quang Phùng, Nguyễn Hữu Bảo, nhiếp ảnh gia người Hà Lan Lô-ê
Hơ-rinh và nhà dân tộc học, GS Ðinh Trọng Hiếu, người đã cùng nhà sử học
người Pháp Em-ma-nu-en Poa-xông có công sưu tầm, thực hiện bộ ảnh độc đáo tại
triển lãm ảnh "Hà Nội sắc màu 1914 - 1917" trước đây.
Theo một
thành viên Ban tổ chức, triển lãm lần này là sự kết nối những tình yêu Hà Nội
qua những khoảnh khắc đáng nhớ, như một biên niên sử bằng hình ảnh, thể hiện
vẻ đẹp cổ kính đan xen giữa hiện đại và trong cả sự chuyển biến qua từng thời
khắc lịch sử, cũng như những nét sinh hoạt đời thường với sự dung dị, hồn
nhiên mà vẫn cho thấy dáng vẻ hào hoa, thanh lịch. Triển lãm đã thật sự khơi
dậy ký ức, hoài niệm và tình yêu với thành phố quê hương của người Hà Nội và
của những người dù chỉ "Một lần tới Thủ đô", trong đó có cả những
nhà nghiên cứu, khách du lịch nước ngoài.
Tham dự
triển lãm, nhà dân tộc học, GS Ðinh Trọng Hiếu đã gửi đến Ban tổ chức nhiều
bức ảnh được ông và nhà sử học người Pháp Poa-xông sưu tầm, chú dẫn cẩn thận.
Giáo sư cũng trân trọng gửi riêng hai bức ảnh Ðánh đáo và Nắng
chiều do chính ông chụp bên hồ Gươm năm 1979. Cả hai bức ảnh của ông
đã ghi lại một Hà Nội thời gian khó mà tràn đầy lạc quan, hướng về tương lai.
Ðó là "những đứa trẻ đường phố" đội mũ cối, cởi trần, đi đất hoặc
đi dép cao-su đang tươi cười, hồn nhiên với niềm vui quanh một trò chơi quen
thuộc của tuổi thơ ở hồ Hoàn Kiếm; là hình ảnh người phụ nữ trẻ hồn hậu bế
cậu con trai trong ánh nắng chiếu xiên hướng Tháp Rùa, tự tin và bình yên đến
nao lòng.
Từ Hà
Lan, nữ nhiếp ảnh gia Lô-ê Hơ-rinh cũng gửi tham gia triển lãm hơn mười bức
ảnh chuyên về hàng rong Hà Nội, kết quả của không biết bao lần chị lang thang
trên những ngõ phố và khu chợ của Hà Nội. Chị cho biết: Lần đầu đến Việt Nam
tôi đã bị thu hút bởi những người bán hàng rong với chiếc xe đạp đầy mầu sắc
của họ. Ở Hà Lan chúng tôi sử dụng xe đạp rất nhiều, nhưng chưa bao giờ chở
nhiều thứ như vậy trên một chiếc xe. Tôi thích cái cách họ "tô mầu"
cho thành phố này, và đối với tôi đó là chất liệu đẹp nhất của Hà Nội. Với bộ
ảnh này, Lô-ê Hơ-rinh muốn giới thiệu vẻ đẹp và gam mầu cuốn hút của các gánh
hàng rong, bởi theo chị, họ mới là những người đang hằng ngày kiến tạo nên
các mảnh ghép đầy tính nghệ thuật cho thành phố.
Các nghệ
sĩ nhiếp ảnh nổi tiếng của thành phố như Lê Vượng, Quang Phùng, Nguyễn Hữu
Bảo lâu nay được giới nhiếp ảnh và nhiều người biết đến như các biểu tượng
của tình yêu Hà Nội cũng có nhiều tác phẩm dự triển lãm được lựa chọn từ hàng
trăm bức ảnh trong bộ sưu tập ảnh cá nhân. Cùng chọn chủ đề gánh hàng rong
như nữ nhiếp ảnh gia người Hà Lan, nhưng lão nghệ sĩ Quang Phùng lại hướng về
các hoài niệm, ký ức xưa.
Có những
tác phẩm tưởng như hết sức đơn giản, đời thường, song gửi gắm trong đó thông
điệp khá thú vị và nhiều ý nghĩa như hình ảnh chiếc xe đạp rong chở hoa, quả,
lấm láp bụi đường, phục vụ cuộc sống người Hà Nội. Trong khi đó, nghệ sĩ
"đam mê Hà Nội" Lê Vượng đóng góp một số tác phẩm về nhịp sống,
phong cảnh Hà Nội với những hình ảnh ấn tượng của hồ Gươm, cầu Thê Húc bảng
lảng trong sương sớm như bức tranh thủy mặc, còn nghệ sĩ Nguyễn Hữu Bảo vẫn
tiếp tục là "nhà sử học bằng nhiếp ảnh", giúp người xem hình dung
về một Hà Nội thời bao cấp bình yên mà ấm áp tình người...
|