Bảo tàng tỉnh lưu giữ nhiều di vật của nền Văn hóa Hòa Bình.
Chester Gorman, tiến sĩ Mỹ đã tiến hành đề tài nghiên cứu Văn hóa Hòa Bình ở Đông Nam á cũng là người đầu tiên dùng sàng lọc để đưa ra ánh sáng những tàn tích thực vật trong trầm tích Văn hóa Hòa Bình và gợi ý khả năng nông nghiệp sớm trong khung cảnh Văn hóa Hòa Bình; Nishimura Manasary là nhà khảo cổ học Nhật Bản đã tham gia một số khai quật Hoabinhian ở Thái Lan sau đó sang Việt Nam từ những năm đầu 1990 để nghiên cứu sưu tập hang xóm Trại và công bố trong Hội nghị 60 năm Văn hóa Hòa Bình 1932-1992 ở Hà Nội; Hoàng Xuân Chinh, PGS, chuyên viên thời đại đá, nguyên Trưởng Ban, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học đã khai quật một số hang động và công bố một số bài báo, sách về văn hóa Hòa Bình, trong đó chủ biên cuốn Văn hóa Hòa Bình ở Việt Nam năm 1989; Nguyễn Việt, tiến sĩ khảo cổ học (Đức), người đầu tiên ứng dụng phương pháp sàng lọc và xử lý vi tư liệu vào nghiên cứu khảo cổ học ở Việt Nam vào năm 1982, 1986/87 tại các hang xóm Trại, làng Vành, xóm Tre, hang Muối, Con Moong, động Cang, Sũng Sàm... đưa ra ánh sáng hệ thống tư liệu hữu cơ tàn tích thức ăn hạt quả trong trầm tích hang động Văn hóa Hòa Bình... Ngoài ra còn nhiều nhà khoa học đề cập đến Văn hóa Hòa Bình ở các nước như Nepal, ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Nhật Bản, Trung Quốc...
Định hướng bảo tồn và phát huy
Hiện nay, tỉnh ta có 10 di tích khảo cổ học Văn hóa Hòa Bình đã được xếp hạng cấp quốc gia như: ở huyện Lương Sơn có hang Tằm, xóm Rổng Tằm, xã Lâm Sơn; hang Chổ, xóm Hui, xã Cao Răm. Huyện Tân Lạc có hang Muối, khu I, thị trấn Mường Khến; hang Bưng, xóm Nẻ, xã Ngòi Hoa. Huyện Mai Châu có hang Khoài, xóm Sun, xã Xăm Khòe; hang Láng, xóm Chiềng Châu, xã Chiềng Châu. Huyện Lạc Sơn có hang xóm Trại, xóm Trại, xã Tân Lập; mái đá làng Vành, xóm Làng Vành, xã Yên Phú. Huyện Lạc Thủy có Động Tiên, xóm Lão Nội, xã Phú Lão; hang Làng Đồi (hang Đồng Thớt), xã Thanh Nông. Để thực hiện có hiệu quả việc bảo tồn và phát huy các giá trị của nền Văn hóa Hòa Bình, các ngành, đơn vị chức năng đề xuất thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau: Tiếp tục tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và các cơ quan liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ khoa học về văn hoá, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá đặc sắc của tỉnh nói chung về di tích "Văn hóa Hòa Bình” nói riêng. Tiến hành điều tra khảo sát, thống kê các di tích khảo cổ học Văn hóa Hòa Bình, lập hồ sơ di tích. Tăng cuờng hợp tác với các tổ chức trong nước, quốc tế, khuyến khích tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân nghiên nghiên cứu về "Văn hóa Hòa Bình”. Bằng hình thức trực quan, qua mạng Internet, qua tuyên truyền báo chí, bằng nhiều thứ tiếng khác nhau tăng cuờng tuyên truyền đến nhân dân trong tỉnh và cả nước; chú trọng tuyên truyền tại các trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị lớn của cả nuớc như: Thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh... tại các diễn đàn khoa học quốc tế, đến với bạn bè trên thế giới về "Văn hóa Hòa Bình”. Tiến hành nghiên cứu xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt cho một số di tích khảo cổ của nền "Văn hóa Hòa Bình” tiêu biểu.
Hiện nay, tỉnh ta đang tích cực chuẩn bị cho kỷ niệm 85 năm thế giới công nhận nền "Văn hóa Hòa Bình” (2032 - 2017) với nhiều hoạt động. Đây là dịp để tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu và tôn vinh những giá trị văn hóa khảo cổ đặc sắc về một nền văn hóa thời đồ đá nổi tiếng thế giới trên quê hương Hòa Bình.
P.V (TH)