(HBĐT) - 1. Phạm vi phân bố của các di tích khảo cổ Văn hóa Hòa Bình Văn hoá Hoà Bình không chỉ tồn tại ở Việt Nam mà còn xuất hiện và tồn tại ở nhiều quốc gia thuộc khu vực Đông Nam á, kéo dài từ phía nam Trung Quốc đến đảo Sumatra của Indonexia theo chiều dọc, từ Thái Lan qua Đông Dương sang tận Philippin theo chiều ngang và tồn tại trong khoảng thời gian dài từ cuối kỳ Pleistocene đến giữa kỳ Holocene.
Tại Việt Nam, các di tích văn hoá Hoà Bình phân
bố không đều, tập trung nhiều nhất tại 2 tỉnh Hoà Bình (72 điểm) và Thanh Hoá
(32 điểm), số còn lại phân bố rải rác ở các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Hà Giang,
Ninh Bình, Nghệ An, Quảng Bình và Quảng Trị. Các di tích chủ yếu tập trung ở
các vùng núi đá vôi tại các thung lũng hoặc các hang động, mái đá. Cư dân Văn
hoá Hoà Bình đã có ý thức trong việc chọn lựa nơi cư trú. Các di tích chủ yếu
nằm trong các hang động và mái đá cao ráo quanh các thung lũng, có hệ sinh thái
phổ tạp thuận lợi cho việc săn bắn và hái lượm. Đặc biệt là rất sẵn nguyên liệu
cuội để chế tác công cụ lấy từ các sông, suối chảy qua lòng thung lũng. Hướng
của hang động thường là hướng đông - nam, tây- bắc đối với vùng khí hậu nhiệt
đới gió mùa ẩm của vùng núi thượng du. Đây là hướng lý tưởng để tránh gió mùa
đông bắc, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông, đảm bảo đủ nhiệt độ và ánh
sáng trực tiếp ban ngày. Các di tích thường phân bố thành từng cụm trong các thung
lũng hẹp, mỗi cụm có từ 5 - 7 di tích và diện tích từ 50 - 150m, độ cao trung
bình so với mặt ruộng từ 10 - 20m. Ngoài các di chỉ trong hang động và mái đá
còn có một bộ phận rất nhỏ cư dân Văn hoá Hoà Bình phân bố ngoài trời và thềm
sông, suối.
2. Cuộc sống của cư dân Văn hóa Hòa Bình
Về công cụ sản xuất, các di vật chính của thời kỳ Văn
hóa Hòa Bình tại tỉnh Hòa Bình và các tỉnh từ Quảng Bình đến Thái Nguyên là các
dụng cụ bằng đá cuội ghè đẽo tương đối thô sơ một mặt hoặc chỉ phần lưỡi. Cuội
là những hòn đá trên núi bị nước lũ cuốn đi, va chạm, chà xát lẫn nhau trong
lòng sông, lòng suối làm vỡ nhỏ ra và các góc cạnh bị mài mòn. Cuội thường hình
tròn, dẹp hay bầu dục; bề mặt nhẵn tự nhiên của cuội được gọi là vỏ cuội. Người
cổ Hòa Bình nhặt cuội lòng sông hay trên bờ và chọn một số lượng vừa đủ những
hòn cuội có hình dạng và cỡ lớn thích hợp với thứ dụng cụ theo ý muốn. Họ chỉ
đẽo một đầu hay một bên rìa cuội để có cạnh sắc và tận dụng nguyên trạng phần
vỏ cuội nhẵn mòn tự nhiên. Các nhà khảo cổ đã thử nghiệm đẽo cuội hầu tìm hiểu
kỹ thuật người xưa. Kỹ thuật đẽo đá là sự kết hợp tổng hoà của các thủ pháp
chẻ, bổ, đập, bẻ, ghè- đẽo, mài- cưa. Về loại hình rất phong phú và đa dạng như
công cụ hình đĩa, công cụ 1/4 viên cuội, công cụ hình hạnh nhân, nạo lưỡi dài,
nạo lưỡi ngắn, rìu dài, rìu ngắn, bôn, rìu mài lưỡi... Ngoài công cụ đá, người
Hoà Bình đã biết chế tác và sử dụng một số công cụ bằng xương, sừng và vỏ trai
như: rìu xương, đục xương, mũi nhọn và nạo vỏ trai. Trong những lớp đất thuộc
nền Văn hoá Hoà Bình muộn đã tìm thấy rất nhiều mảnh gốm thô làm từ đất nung
nặn bằng tay hoặc làm bằng khuôn đan, sau đó trang trí hoa văn vặn thừng, khắc
vạch và trổ lỗ. Về tầng văn hoá là vết tích của người xưa để lại, tuỳ thuộc vào
thời gian cư trú mà tầng văn hoá có độ dày mỏng khác nhau. Tầng văn hoá có độ
dày từ 0,3 – 4 m như di tích hang xóm Trại ở huyện Lạc Sơn. Thành phần cấu tạo
chủ yếu của tầng văn hoá gồm: đất sét vôi xen các vỏ nhuyễn thể chủ yếu là ốc
suối và ốc núi, xương cốt động vật, vỏ và hạt một số loài thảo mộc, dấu tích
than tro, di cốt người và mộ táng, công cụ chủ yếu là công cụ đá, các phế liệu
chế tác và mảnh gốm. Nhìn chung, các di tích Văn hoá Hoà Bình có nhiều lớp phức
tạp, các lớp đó ít nhiều phản ánh tính chất, giai đoạn hoặc mức độ sớm, muộn
của Văn hoá Hoà Bình. Về mộ táng, cư dân Văn hoá Hoà Bình thường chôn người
chết ngay trong nơi cư trú. Mộ có thể đặt ngay trong góc hang hoặc gần bếp lửa.
Điều này phản ánh tâm lý của người nguyên thuỷ muốn người chết ở gần mình hơn,
được nghỉ ngơi ở chỗ sinh hoạt thường ngày để tạo sự đầm ấm và tránh thú dữ ăn
thịt. Hầu hết thi hài người chết được rắc thổ hoàng sau khi chôn và chủ yếu
được chôn theo tư thế nằm co bó gối. Đáy mộ có lót than tro, thổ hoàng, đá răm.
Đa số xung quanh mộ được ghè đá làm hộp mộ và người chết thường được chôn theo
những công cụ bằng đá, đồ trang sức. Con người, xã hội và kinh tế trong thời đại Văn hoá Hoà Bình đã có những
bước chuyển biến về sinh học, phương thức kiếm sống và đời sống xã hội. Về con người, họ từ người vượn
Homeretur tiến hoá thành người hiện đại Homosapiens. Về phương thức kiếm sống,
từ khởi điểm cho đến một thời gian dài trong thời đại Văn hoá Hoà Bình, cư dân
sống bằng săn bắn và hái lượm. Đến giai đoạn Hoà Bình muộn, với sự ra đời của
kỹ thuật mài, con người mới chuyển từ kinh tế khai thác tự nhiên sang kinh tế
sản xuất nông nghiệp, dù mới ở mức độ hình thành sơ khai. Lúc này săn bắn và
hái lượm không còn giữ vai trò độc tôn nhưng vẫn giữ vai trò chủ đạo, chăn nuôi
vẫn chưa ra đời. Về mặt chế độ xã hội, cư dân Văn hoá Hoà Bình sống trong chế
độ mẫu quyền, tụ cư thành những gia đình lớn. Điều đó thật dễ hiểu khi mà những
tàn tích thức ăn còn lại được các nhà khảo cổ học phân tích cho thấy người Hoà
Bình hái lượm trội hơn săn bắt. Phụ nữ không chỉ sinh nở mà còn là nhân lực
chính cho hoạt động hái lượm, tạo nguồn thực phẩm chính và ổn định vì thế mà họ
chiếm vai trò chủ đạo trong cộng đồng.
(Còn nữa)
P.V (TH)
Bài 4: Một số
di tích khảo cổ tiêu biểu
của Văn hóa Hòa Bình