Bản Sưng, xã Cao Sơn (Đà Bắc) có 100% người dân tộc Dao, nằm trong chuỗi du khách khám phá lòng hồ, là điểm du lịch đang được đầu tư, tạo sức hút đối với du khách xa gần.
Giám đốc Công ty CP DLCĐ Đà Bắc Đinh Thị Hảo cho biết: Công ty được thành lập nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ DLCĐ tại Đà Bắc phát triển theo hướng chuyên nghiệp và hiệu quả hơn, mang lai lợi ích KT-XH lớn hơn cho cộng đồng. Công ty thực hiện mục tiêu: Thúc đẩy phát triển du lịch dựa vào cộng đồng góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói - giảm nghèo bền vững cho các nhóm đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Đà Bắc. Cụ thể: giúp chuyển đổi, nâng cao chất lượng dịch vụ DLCĐ tại Đà Bắc phát triển theo hướng chuyên nghiệp và hiệu quả hơn. Tăng cường quảng bá về DLCĐ Đà Bắc, kết nối thị trường và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm dịch vụ du lịch của người dân Đà Bắc. Mang lại lợi ích KT-XH lớn hơn cho cộng đồng; đồng thời mang đến cho du khách những dịch vụ thú vị, đậm đà bản sắc và thân thiện với môi trường.
Sau 3 năm triển khai thí điểm, đến nay, trên địa bàn huyện có khoảng 50 hộ tham gia hoạt động DLCĐ tại các xóm: Ké (Hiền Lương), Đá Bia (Tiền Phong) và xóm Sưng (Cao Sơn). Hoạt động DLCĐ bước đầu bảo tồn văn hóa và tạo việc làm cho người dân địa phương.
Xóm Ké, xã Hiền Lương nằm sát hồ Hòa Bình, có 85 hộ dân, 100% là người Mường với những nét văn hóa từ nếp ăn, nếp ở hầu như còn nguyên bản, là một trong những điểm DLCĐ của huyện Đà Bắc đang mang lại những cảm nhận thú vị cho du khách trong và ngoài nước. Anh Đinh Quý Hữu, 1 trong 3 gia đình làm du lịch homestay ở xóm Ké cho biết: Các điểm homestay đều nằm gần bờ sông nên rất thuận tiện cho du khách có các hoạt động trên sông Đà như: bơi lội, bơi thuyền kaya, bè mảng, câu cá… Du khách rất thích thú khi được tham quan tìm hiểu phong tục tập quán, sinh hoạt của người địa phương. Khách du lịch ngoài việc được thưởng thức ẩm thực truyền thống như gà đồi, cá hồ, măng chua, rượu cần, rượu hoẵng còn được tham gia cấy trồng, chăn nuôi, nấu cơm lam, đánh bắt cá, múa sạp, múa xòe, đi xe đạp quanh xóm, bơi bè, mảng, tắm suối, đi bộ tham quan phong cảnh của bản làng. Từ xóm Ké, du khách rất thích đi bộ thăm quan theo hành trình tới xóm Ngù, Mái của xã Hiền Lương; vượt qua núi Biều mộng mơ sang xóm Sưng của xã Cao Sơn - nơi có 100% đồng bào người Dao sinh sống.
Sau các tua, tuyến tham quan, khách du lịch đều có ấn tượng tốt về phong cảnh và cư dân bản địa. Hoạt động du lịch đã giúp người dân có thêm thu nhập. Trong thời gian tới, công ty phối kết hợp với chính quyền địa phương, thành lập các tổ, nhóm du lịch để thu hút thêm sự tham gia của người dân.
Lê Chung