Đồng chí Bùi Minh Hồng, Trưởng phòng VH-TT huyện Tân Lạc cho biết: Huyện đã xây dựng Đề án phát triển du lịch, ban hành Nghị quyết về phát triển du lịch huyện đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Quy hoạch các khu, điểm du lịch tổng thể và chi tiết gắn với quy hoạch du lịch của tỉnh, quốc gia. Đây là cơ sở quan trọng để huyện tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có, đẩy mạnh xúc tiến quảng bá, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển du lịch.
Trên địa bàn huyện có nhiều thắng cảnh đẹp như: động Mường Chiềng, động Thác Bờ, động Hoa Tiên, thác Trăng, hang núi Kiến, vịnh Ngòi Hoa, khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn - Ngổ Luông… Những bản làng dân tộc còn lưu giữ đậm nét văn hóa truyền thống như làng Mường cổ xóm ải (xã Phong Phú), xóm Cú (xã Tử Nê), xóm Ngòi (Ngòi Hoa)… Nhiều lễ hội được tổ chức thu hút hàng vạn đến hàng chục vạn người tham dự như: Lễ hội Khai hạ Mường Bi (xã Phong Phú), lễ hội Chùa Kè (xã Phú Vinh), lễ hội truyền thống đánh cá suối tháng 3 (xã Lỗ Sơn)… Tất cả đã và đang trở thành những sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, được huyện tập trung đầu tư, khai thác nhằm phát huy hiệu quả giá trị, tiềm năng du lịch. Xây dựng những sản phẩm du lịch chủ yếu, đặc thù, đó là du lịch cộng đồng, nghỉ homestay tìm hiểu văn hóa bản làng dân tộc, thăm quan nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa - tâm linh.
Thác Trăng - xã Do Nhân (Tân Lạc) là thắng cảnh du lịch hấp dẫn du khách.
Xác định phát triển du lịch theo hướng bền vững, gắn với bảo tồn, phát triển bản sắc văn hóa dân tộc, huyện chú trọng dành nguồn lực từ ngân sách, lồng ghép các nguồn vốn phát triển hạ tầng, tăng cường xã hội hóa, khuyến khích mọi nguồn lực đầu tư các loại hình du lịch. Tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thu hút các nhà đầu tư có tiềm năng đến khảo sát, nghiên cứu đầu tư vào du lịch của huyện. Nhiều dự án quy mô lớn từng bước được triển khai, đang trong quá trình khảo sát, nghiên cứu xây dựng dự án như: 2 dự án phát triển du lịch nghỉ dưỡng gắn với bảo vệ rừng tại xã Phú Cường, 3 dự án nghỉ dưỡng chất lượng cao tại xã Ngòi Hoa…
Bên cạnh đó, huyện quan tâm xây dựng và mở rộng các sản phẩm du lịch tại địa phương, lựa chọn ngành, nghề truyền thống để bảo tồn và tạo ra các sản phẩm phục vụ phát triển du lịch. Nổi bật là làng nghề thủ công truyền thống của hợp tác xã Vọng Ngàn tại xóm Cóm - xã Đông Lai với sản phẩn thổ cẩm dân tộc Mường đã tạo được thương hiệu riêng, góp phần gìn giữ nghề truyền thống và phát triển du lịch vùng đất cổ.
Hà Thu