Năm 2017 vừa qua có thể nói là một năm điện ảnh Việt Nam khởi sắc, đón nhận nhiều tin vui. Không chỉ có những tiến bộ về hành lang pháp lý phát triển điện ảnh, mà chất lượng phim chiếu rạp cũng được nâng cao theo thị hiếu khán giả, dòng phim truyền hình sau nhiều năm im ắng cũng đã thu hút khán giả trở lại.


Diễn viên Ngọc Thanh Tâm - vai nữ chính trong phim Đảo của dân ngụ cư.Ảnh: CAO MINH MẪN

Dán nhãn phim và cơ hội quảng bá

Sau nhiều năm nghiên cứu và chỉnh sửa đề án, từ ngày 1-1-2017, Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) chính thức công bố áp dụng trên toàn quốc Bảng tiêu chí phân loại phim để phổ biến theo lứa tuổi, gồm bốn mức: P (phổ biến rộng rãi đến mọi đối tượng), C13 (cấm phổ biến đến khán giả dưới 13 tuổi), C16 (cấm phổ biến đến khán giả dưới 16 tuổi) và C18 (cấm phổ biến đến khán giả dưới 18 tuổi). Việc phân loại phim dựa trên các tiêu chí về chủ đề, nội dung, mức độ bạo lực, tình dục, ma túy, ngôn ngữ tục và tính chất kinh dị có trong tác phẩm điện ảnh. Việc dán nhãn phim được nhận định là bước đi quan trọng và cần thiết cho sự phát triển của điện ảnh Việt vốn chưa rõ ràng và chuyên nghiệp trong khâu kiểm duyệt. Khán giả yêu điện ảnh ủng hộ phân loại phim bởi từ nay họ có dịp thưởng thức trọn vẹn các tác phẩm gắn nhãn 18+ của Việt Nam và thế giới mà trước đó thường bị cấm phát hành hoặc cắt bỏ mạnh tay. Còn các nhà sản xuất phim trong nước cũng có thêm động lực để tự tin sáng tạo khi thực hiện các đề tài mang tính xã hội một cách thẳng thắn, trực diện.

Một trong những thông tin được nhắc đến nhiều nhất của điện ảnh trong năm 2017 là việc Việt Nam được chọn làm bối cảnh quay của bộ phim Hô-li-út (Mỹ) Kong - Đảo đầu lâu. "Bom tấn” có kinh phí lên tới 190 triệu USD đã quay tại nhiều thắng cảnh nổi tiếng trải dài từ vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) cho tới những vùng đất đẹp hoang sơ ở Ninh Bình, Quảng Bình. Mặc dù nội dung phim không thật sự hấp dẫn và thu hút nhưng nhờ cảnh sắc hùng vĩ và khâu hậu kỳ trau chuốt mà hình ảnh Việt Nam sau khi lên phim vẫn nhận được sự chú ý lớn từ khán giả quốc tế. Đoàn làm phim trong các chuyến quảng bá tại nhiều quốc gia cũng dành nhiều lời khen ngợi, gợi mở về việc chọn Việt Nam làm địa điểm làm phim. Hiệu ứng từ bộ phim tiếp tục kéo dài khi đạo diễn J.V. Rô-bớt (Jordan Vogt-Roberts) của phim được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch bầu chọn là Đại sứ du lịch Việt Nam nhiệm kỳ 2017 - 2020. Đó là tín hiệu tích cực để các địa phương có tiềm năng xúc tiến khai thác các sản phẩm du lịch, dịch vụ đặc trưng gắn với phim trường, và cũng là cơ hội để quảng bá đất nước - con người Việt Nam, thu hút nhiều đoàn làm phim đẳng cấp từ khắp thế giới đến khảo sát, ghi hình. Sắp tới, bộ phim Pháp Những nơi tận cùng thế giới dự kiến sẽ khởi quay đầu năm 2018 tại Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Ấn tượng phim trong nước

Nếu như năm 2017 phải chứng kiến sự vắng bóng của phim nhà nước, thì ngược lại là sự bùng nổ của dòng phim giải trí, thương mại do các hãng phim tư nhân sản xuất. Điều đáng nói là số lượng các tác phẩm hời hợt, nhảm nhí đã giảm đáng kể, các phim dần được đầu tư nhiều hơn về cả kịch bản lẫn các khâu chỉ đạo, diễn xuất, quảng bá… Doanh thu phòng vé phim trong nước liên tục ghi nhận những con số mà vài năm trước thôi người làm phim chỉ dám mơ ước. Bất ngờ lớn nhất là bộ phim hài hước - tâm lý học đường Em chưa 18 (đạo diễn Lê Thanh Sơn) đã lập kỷ lục phim Việt có doanh thu lớn nhất từ trước tới nay: 175 tỷ đồng. Không chỉ thắng đậm về thương mại, bộ phim còn được giới chuyên môn đánh giá cao khi xuất sắc giành hai giải Bông sen vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20 dành cho Phim hay nhất và Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất. Bên cạnh đó, phim nghệ thuật tuy ít sôi nổi hơn nhưng cũng kịp ghi dấu ấn với Đảo của dân ngụ cư (đạo diễn Hồng Ánh), Cha cõng con (đạo diễn Lương Đình Dũng) liên tiếp giành giải thưởng hoặc được đề cử, công chiếu tại nhiều liên hoan phim quốc tế.

Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến phim truyền hình bởi các tác phẩm trên màn ảnh nhỏ năm qua cũng có nhiều đột phá, chinh phục khán giả. Ngoài nội dung hấp dẫn hơn, diễn viên được tuyển chọn kỹ hơn, phim truyền hình bắt đầu có những chiến dịch truyền thông bài bản, rầm rộ. Sống chung với mẹ chồng và Người phán xử là hai bộ phim nhận được sự quan tâm đặc biệt của công chúng, khi hầu như mọi diễn biến của phim, thông tin của các diễn viên được cập nhật và chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội. Mặc dù kịch bản phim vẫn có yếu tố vay mượn của nước ngoài, nhưng nhà sản xuất có sự đầu tư nghiêm túc cho bối cảnh, trang phục, âm nhạc... nhấn vào yếu tố mối quan hệ gia đình. Một số phim khác cũng được đánh giá cao như Thương nhớ ở ai, Ghét thì yêu thôi, Lặng yên dưới vực sâu, Ngược chiều nước mắt... Có thể nói, sức hút của phim Việt bắt đầu có thể so sánh cân sức với các loạt phim truyền hình của Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ… vốn vẫn thống trị "giờ vàng” lâu nay. Ngoài ra, các phim truyền hình và sitcom ở thị trường miền nam tuy không tạo nên hiện tượng nhưng vẫn thu được lượt xem cao như Gia đình là số một, Mối tình đầu của tôi...

Điện ảnh Việt chủ động hội nhập

Tháng 5-2017, một cột mốc vô cùng quan trọng trong tiến trình hội nhập với điện ảnh quốc tế là việc Việt Nam xuất hiện chính thức và bài bản tại Liên hoan phim (LHP) quốc tế Can (Cannes, Pháp) lần thứ 70. Lần đầu tiên, văn hóa Việt cũng như một phần diện mạo của điện ảnh Việt được giới thiệu tại một trong những LHP có quy mô và uy tín hàng đầu thế giới. Tại đây, đoàn Việt Nam đã tổ chức nhiều sự kiện quảng bá cũng như thúc đẩy nền điện ảnh Việt như mở gian hàng tại Hội chợ phim, triển lãm "Việt Nam, điểm đến mới cho các bộ phim bom tấn”, giới thiệu các phim Việt đặc sắc, ký nhiều thỏa thuận hợp tác quan trọng với các nền điện ảnh khác. Tại LHP Việt Nam lần thứ 20 diễn ra tại TP Đà Nẵng vào tháng 11-2017, lần đầu có Giải thưởng Phim ASEAN do Việt Nam sáng lập và đăng cai với chủ đề "Điện ảnh kết nối cộng đồng ASEAN”, được cộng đồng quốc tế ấn tượng và đánh giá cao về ý tưởng cũng như việc tổ chức trang trọng, chất lượng.

Trên đà phát triển, song điện ảnh Việt Nam cũng còn đối mặt với nhiều khó khăn như: nạn vi phạm bản quyền điện ảnh và truyền hình; những vướng mắc trong quy trình đặt hàng sản xuất phim Nhà nước; cuộc cạnh tranh phát hành, phổ biến phim giữa doanh nghiệp nội và doanh nghiệp ngoại; hay việc cổ phần hóa một số đơn vị điện ảnh còn mập mờ, không thuyết phục… Trước mắt là năm 2018 nhiều thử thách nhưng cũng là cơ hội bởi khán giả vẫn đang dành sự quan tâm và tình cảm cho phim Việt. Ngành điện ảnh vừa phải giải bài toán doanh thu, đáp ứng nhu cầu giải trí của công chúng, vừa phải tạo ra những tác phẩm nghệ thuật mang đậm bản sắc, tạo tiếng vang không chỉ trong nước mà còn trên trường quốc tế.


Theo Báo Nhân Dân


 

Các tin khác


Tổng kết Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” và Công tác gia đình tỉnh năm 2017

(HBĐT) - Ngày 15/1, BCĐ Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” và BCĐ Công tác gia đình tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2017, triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2018. Đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ chủ trì hội nghị.

Âm vang tiếng chiêng trong các lễ hội tại Mường Thàng

(HBĐT) - Tiếng ping… pồng… ping… vang khắp núi rừng báo hiệu lễ hội khai mùa Mường Thàng (Cao Phong) bắt đầu. Các mế, các mẹ, những thiếu nữ diện trang phục rực rỡ sắc màu tham gia đánh chiêng khai hội. Tiếng chiêng trầm bổng hối thúc mọi người khắp nơi tụ hội về tham dự lễ hội khai mùa Mường Thàng.

Du lịch Việt Nam tiếp tục bứt phá ngoạn mục

Năm 2017, bức tranh du lịch Việt Nam đã có nhiều khởi sắc khi vị thế quan trọng của ngành dần được khẳng định trong cơ cấu kinh tế - xã hội. Sự phát triển theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp của các sản phẩm, dịch vụ, dự án du lịch cùng mức tăng trưởng ngoạn mục về lượng khách đã khẳng định bước tiến của ngành, đồng thời đòi hỏi du lịch Việt Nam tiếp tục vượt qua thách thức để bứt phá trên hành trình trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Xã Hạ Bì lan tỏa phong trào xây dựng gia đình văn hóa

(HBĐT) - Phát huy thành tích đã đạt được của những năm trước, năm 2017, phong trào xây dựng gia đình văn hóa (GĐVH) tại xã Hạ Bì (Kim Bôi) được triển khai sâu rộng, là nền tảng vững chắc để các gia đình vươn lên phát triển kinh tế. Toàn xã có 1.289/ 1.548 hộ được công nhận GĐVH (chiếm 82,6%), trong đó có 864 hộ đạt danh hiệu GĐVH 3 năm liên tiếp; 4/6 KDC văn hóa.

Dấu ấn Việt Nam qua “Kong: Skull Island” lọt Top sự kiện văn hoá tiêu biểu

Chiều 10/1, Bộ VHTT&DL đã chính thức công bố 10 sự kiện văn hoá, thể thao và du lịch tiêu biểu. Theo đó, Dấu ấn Việt Nam qua bộ phim "Kong: Skull Island” lọt top 10 sự kiện này.

Nhà báo Đào Tuấn nhận sai, gửi lời xin lỗi Hoa hậu H'Hen Niê

Ngày 9-1, nhà báo Đào Tuấn đã nhận sai vì đã có những lời xúc phạm, miệt thị mà nhà báo này cho là "những lời lẽ xấu xí của mình" và "gửi lời xin lỗi tới H'Hen Niê và các bạn".

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục