(HBĐT) - Rực rỡ sắc màu, rộn ràng tiếng cười nói là nét đặc trưng của chợ Tết vùng cao. Đi chợ Tết đối với bà con vùng cao không chỉ đơn thuần là để mua sắm mà để gặp gỡ bạn bè, trò chuyện hoặc cùng nhâm nhi chén rượu. Hòa vào dòng người ngược lên vùng cao mây phủ vào sáng thứ ba tuần cuối năm, chúng tôi đi chơi chợ Tết Lũng Vân (Tân Lạc).


Chợ phiên Lũng Vân được họp vào thứ ba hàng tuần, thu hút người dân các xã vùng cao huyện Tân Lạc và các vùng lân cận đến thăm quan, mua sắm. Do chợ phiên chỉ diễn ra một ngày trong tuần nên người dân đều sắp xếp công việc để đi chợ mua sắm hàng hóa phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình. Các mặt hàng được bày bán tại phiên chợ rất đa dạng và phong phú như nhu yếu phẩm, đồ dùng gia đình, thực phẩm… Do các xã vùng cao của huyện Tân Lạc xa trung tâm, dân cư sinh sống thưa thớt, vì vậy vào thứ ba hàng tuần, các tiểu thương lại góp mặt tại chợ phiên Lũng Vân cung cấp hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.

Ngay từ sáng sớm, hàng chục chiếc xe tải chở hàng hóa Tết tập trung trước khu vực UBND xã Lũng Vân tháo dỡ, sắp xếp hàng hóa. Những gánh hàng đặc sản của các xã vùng cao được người dân gánh về tập kết tại các sạp hàng. Trong không khí tấp nập của phiên chợ, ai nấy đều bận rộn, chuẩn bị các mặt hàng phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.


Chợ phiên Lũng Vân (Tân Lạc) thu hút người dân đến mua sắm hàng hóa đón Tết.

Vừa nhanh tay sắp xếp lại đống quần áo trẻ em đủ sắc màu sặc sỡ, chị Hoàng Thị Nga (Chương Mỹ, Hà Nội) cho biết: Năm nay rét đậm kéo dài, vùng cao càng rét hơn. Ngoài ra, gần Tết, gia đình nào cũng muốn mua cho con cháu bộ quần áo mới nên để chuẩn bị cho phiên chợ cuối năm này, tôi đã dồn vốn, lấy nhiều hàng phục vụ bà con. Để phù hợp với đời sống của người dân vùng cao, quần áo cũng có giá cả khá hợp lý. Tùy theo chất liệu, lứa tuổi nhưng nói chung chỉ khoảng trên dưới 100.000 đồng là mỗi đứa trẻ có được một bộ quần áo mới ấm áp diện Tết.

Ngoài khu vực quần áo tấp nập người chọn lựa, ướm thử, đông vui không kém là khu vực bán đào, quất. Ngay khu vực đầu chợ, người dân tập trung chọn những cành đào, cây quất có thế đẹp, nhiều hoa quả, lộc non để trang trí nhà cửa với hy vọng năm mới nhiều may mắn và tài lộc. Ngoài ra, các mặt hàng không thể thiếu trong những ngày Tết đó là bánh kẹo, mứt, rượu, bia cũng được người dân mua nhiều hơn. Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, tại những phiên chợ cuối năm, các tư thương đã nhập thêm đủ chủng loại hàng hóa để cung cấp cho người dân. Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Thị Tỏ ở phố Lâm Lưu, xã Phú Cường cho biết: "So với mọi năm, sức mua tại chợ phiên giáp Tết năm nay tăng hơn. Các mặt hàng của gia đình tôi bày bán như gạo, bánh, kẹo, bia đem lên đây đều đã bán gần hết từ sớm. Giá cả các mặt hàng năm nay tăng nhẹ so với mọi năm, có gạo tăng cao khoảng 50.000 đồng/yến”.

Bên cạnh những mặt hàng phổ biến tại thị trường, chợ phiên Lũng Vân còn bày bán các mặt hàng đặc trưng của các xã vùng cao như quýt cổ Nam Sơn, rau su su, nấm sò Quyết Chiến, mộc nhĩ rừng, lá dong, lạt giang gói bánh, đậu xanh… Ngoài ra, chợ phiên còn có các sạp hàng bày bán vải thổ cẩm với nhiều họa tiết nổi bật mang vẻ đẹp tinh tế trong văn hóa người Mường khiến nhiều du khách đến thăm quan trầm trồ, thích thú.

Đặc sắc của phiên chợ vùng cao là nhiều người dân mang đến chợ bán những món đồ tự làm thủ công bằng tay, nhất là đồ đan lát như rổ, rá, nong, nia, rế, vỏ dao…

Một vài năm trở lại đây, người dân đến với phiên chợ Lũng Vân không chỉ để mua sắm. Nhiều người dân sinh sống tại các vùng lân cận đều đến chợ để trải nghiệm, thăm quan và tìm hiểu phong tục, bản sắc văn hóa dân tộc. Chia sẻ với chúng tôi, anh Hà Văn Định ở xã Lũng Cao, huyện Bá Thước (tỉnh Thanh Hóa) cho biết: "Chợ phiên cuối năm nào tôi cũng đưa cả gia đình đến đây để mua sắm, thăm quan và thưởng thức ẩm thực. Tại chợ phiên rất vui và náo nhiệt, người dân ở đây thân thiện, dễ mến. Bên cạnh một số mặt hàng thiết yếu như mứt, bánh, kẹo, bia để thắp hương gia tiên trong ngày Tết. Gia đình tôi rất ưa thích quýt Nam Sơn bởi có hương vị riêng”.


Đức Anh

Các tin khác


Ai về Mường Động mà chơi hội

(HBĐT) - Xã Vĩnh Đồng (huyện Kim Bôi) ngày nay là trung tâm của Mường Động trước kia – một trong bốn vùng Mường trù phú nhất của tỉnh. Tại đây, những ngày giáp Tết Nguyên đán, không khí chuẩn bị cho mùa lễ hội đang tràn ngập khắp nơi, len lỏi vào trong từng nếp nhà và thôi thúc mọi người cùng háo hức chờ đợi. Mỗi năm một lần, vào ngày 15 tháng giêng âm lịch, lễ hội đình Chiềng Động sẽ được tổ chức, mang lại thật nhiều niềm vui và phúc lộc đầu xuân.

Tết ông Công ông Táo: Để có một cái Tết đẹp và ý nghĩa

Hằng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp, người dân Việt Nam lại chuẩn bị mâm cơm cúng tiễn ông Công ông Táo về trời. Đây là một nét văn hóa đặc sắc, một phong tục đẹp của dân tộc Việt Nam đã được lưu truyền và gìn giữ từ bao đời nay.

Nhạc sĩ Hoàng Vân đã vĩnh biệt cõi trần

Nhạc trưởng Lê Phi Phi vừa báo tin cho VietNamNet biết, bố anh - nhạc sĩ Hoàng Vân vừa mới qua đời vào hồi 4h sáng 4/2 tại nhà riêng hưởng thọ 88 tuổi.

Lương Sơn: Giao lưu văn nghệ “ Trọn niềm tin với Đảng”

(HBĐT) - Chào mừng kỷ niệm 88 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2018) và mừng xuân Mậu Tuất 2018, tối 3/2, Ủy ban nhân dân huyện Lương Sơn đã tổ chức đêm giao lưu văn nghệ với chủ đề " Trọn niềm tin với Đảng”.

Mường Bi, tìm về...

(HBĐT) - Quả thật, vào lúc giao mùa cuối đông - đầu xuân, nhận được lời mời của người bạn về Mường Bi (Tân Lạc) thật có bao điều náo nức như lần đầu về thăm miền đất cổ. Mùa này, không chỉ vì được thưởng thức đặc sản bưởi đỏ có tiếng hay các điệu rằng thường, bài chiêng Mường mời gọi mà còn có âm thanh của lễ hội từ ngàn xưa để lại.

Đón đọc Báo Hòa Bình Xuân Mậu Tuất 2018

(HBĐT) - Mừng đất nước đổi mới, mừng sinh nhật Đảng, mừng một mùa xuân mới, Báo Hòa Bình xuất bản ấn phẩm đặc biệt Xuân Mậu Tuất 2018. Ban Biên tập Báo Hòa Bình trân trọng kính mời bạn đọc đón đọc ấn phẩm Báo xuân, gộp 8 số gồm: 5167, 5168, 5169, 5170, 5171, 5172, 5173, 5174 (từ ngày 13 - 21/2/2018).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục