|
Vở diễn tái hiện một thời chiến tranh khốc liệt và sự hy sinh
quên mình của thế hệ thanh niên thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, trong đó có 10 nữ
liệt sĩ thanh niên xung phong Ngã ba Ðồng Lộc, mang lại nhiều cảm xúc cho người
xem.
Tác phẩm viết bằng trái tim
Khi bắt tay vào viết kịch bản Khoảng trời con gái, tác giả - nhà
thơ Nguyễn Sĩ Ðại cho biết: "Tôi viết vở kịch này để tri ân các chị - 10
cô gái Ngã ba Ðồng Lộc vào dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Ðồng Lộc, 50 năm
Ngày mất của các chị". Thật tình, lúc đầu, tôi không dám tin vào thành
công vì anh chỉ là nhà thơ, chưa bao giờ viết kịch.
Vậy mà, chỉ trong chưa đầy hai tháng, vừa viết kịch bản, vừa tìm
kiếm tài trợ cho vở diễn từ sự giúp đỡ của bạn bè và lo tìm đoàn dàn dựng, đến
ngày 10-7 vừa qua, vở kịch đã được công diễn tại tỉnh Hà Tĩnh. Lâu lắm rồi
tôi mới thấy khán giả ngồi kín cả Trung tâm Văn hóa - Ðiện ảnh Hà Tĩnh để xem
kịch say mê từ đầu đến cuối và khi ra về, nhiều đôi mắt còn nhòe lệ. Ðêm diễn
thứ hai vào ngày 12-7 tại Khu di tích lịch sử Ngã ba Ðồng Lộc có gần 4.000
khán giả, phủ kín cả quảng trường trước Tượng đài Chiến thắng và tràn ra cả mặt
đường! Lại khóc, lại lưu luyến không nỡ rời khi tấm màn đã khép.
Tôi may mắn được tác giả gửi xem cuốn kịch bản Khoảng trời con
gái khi Nhà xuất bản Văn học vừa mới ấn hành, rồi được mời tham dự buổi tổng
duyệt vở diễn ở Nhà hát Dân ca Nghệ An. Ngay từ đầu, tôi đã nhận rõ sự chuẩn
xác về tư liệu lịch sử và tính tư tưởng, tính nhân văn sâu sắc của kịch bản.
Hình ảnh Ðại tướng Võ Nguyên Giáp xuất hiện cùng các nữ thanh niên xung phong
phản ánh được ý nghĩa cao đẹp của cuộc chiến tranh nhân dân, niềm khao khát
hòa bình cháy bỏng và quyết tâm chiến thắng kẻ thù của nhân dân ta. Không
gian mà kịch bản tái hiện có những cảnh đầu ở Phú Lộc, nơi Tiểu đội 4 của 10
nữ thanh niên xung phong đã sống một thời gian dài cho đến tháng 4-1968, rồi
chuyển về Ðồng Lộc và buổi chiều cuối cùng của các chị vào ngày 24-7-1968.
Mỗi nhân vật trong vở kịch đều thật, thật cả tên gọi như trong
khai sinh, nhưng đều có tính biểu tượng cao. Nhân vật Bà Mẹ là hiện thân của
nhân dân các xã khu vực Ðồng Lộc nói riêng, cả nước nói chung đã không quản
gian khổ, che chở, đùm bọc các lực lượng vũ trang, thanh niên xung phong, sẵn
sàng hy sinh tất cả vì kháng chiến và là điểm tựa vững vàng, ấm áp trong mọi
hoàn cảnh. Tính nhân văn của vở kịch thấm đẫm ở từng cử chỉ, từng lời thoại
khi con người luôn nghĩ đến nhau, lo lắng cho nhau. Chỉ một lời tự sự của
nhân vật Viện khi nhìn các cô gái mới nhập ngũ: "Giá tôi có thể làm thay
các em, giá thế hệ chúng tôi có thể đánh thắng giặc nhanh hơn, để các em khỏi
đi vào nơi bom đạn" cũng có thể làm rơi nước mắt khán giả vì vẻ đẹp của
tình thương yêu.
Ðộc đáo nhất là bên cạnh các cảnh huống kịch với lời thoại diễn
tả cuộc sống, công việc, tâm hồn, tình cảm của các nhân vật, tác giả đã sử dụng
nhiều làn điệu ví, dặm (hò đối đáp tự sáng tác giữa bộ đội và lái xe, dặm vè
Thần Sấm ngã của Lê Thanh Bình), ngâm thơ các tác phẩm Mừng chiến thắng trời
quê của Duy Thảo, Gửi em cô Thanh niên xung phong của Phạm Tiến Duật, và tất
cả đều nói bằng tiếng Hà Tĩnh… làm cho vở diễn sinh động, hấp dẫn, đi vào
lòng người, toát lên bản sắc của vùng quê miền trung.
Sau hai đêm diễn, tác giả - nhà thơ Nguyễn Sĩ Ðại cho biết:
"Bản thân tôi và các diễn viên đều coi đây là điều thiêng liêng, cho nên
đã làm hết mình. Ðây là tác phẩm viết từ trái tim, viết để tri ân các chị, viết
như có các chị ở bên từng giờ, viết để diễn cho cha mẹ, anh em mình xem nên cố
gắng đến mức cao nhất, không thể giả, không thể sống sượng. Các diễn viên tập
ngày tập đêm, NSND Hồng Lựu có lúc suýt ngất. Cái gì làm thật, làm hết mình sẽ
có kết quả thật. Sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả làm cho tôi càng thấm
thía: Chỉ có đôi khi nghệ thuật quay lưng lại với nhân dân mình, chứ nhân dân
chưa bao giờ quay lưng lại với nghệ thuật!".
Ấn tượng từng vai diễn
Các đạo diễn, diễn viên của Nhà hát Dân ca Nghệ An, Trung tâm Bảo
tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ không chỉ bắt trọn "tần số cảm
xúc", cùng chung tấm lòng tri ân các Anh hùng liệt sĩ và với tác giả kịch
bản mà còn có nhiều sáng tạo trong thể hiện các khúc hát dân ca (nghệ sĩ An
Ninh soạn lời), trong diễn xuất. Các vai diễn sống động, lay thức khán giả,
tái hiện chân thực không khí cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cũng như
tinh thần chiến đấu hy sinh, lạc quan yêu đời của tuổi trẻ Việt Nam một thời.
Các cô gái 8X, 9X của hôm nay đã hóa thân vào các nhân vật nữ
anh hùng rất ăn nhập. Bên cạnh tinh thần chiến đấu hăng say, lạc quan sôi nổi
là những "nốt lặng" sâu lắng của tâm hồn. Tình cảm với mẹ cha, tình
yêu đôi lứa, tình đồng đội, tình cảm quân dân được diễn tả chân thực qua những
lời thoại và dòng thơ, dòng nhật ký, câu hát ví, dặm. Dàn nhạc, chủ yếu là
các nhạc cụ dân tộc cùng nghệ thuật sử dụng ánh sáng, hình ảnh tư liệu trên
màn hình led đã góp phần tái hiện cảnh bom đạn khốc liệt ở Ðồng Lộc, đồng thời
chuyển hóa những cảm xúc nội tâm của nhân vật như cảnh hò hẹn, chia tay, lời
hẹn ước thủy chung, trao kỷ vật tóc thề và lược của chị Tần, anh Hồng; cảnh
chị Hà viết nhật ký tâm sự với mẹ...
Âm nhạc đã làm sôi động sân khấu, thể hiện tinh thần "tiếng
hát át tiếng bom" của các cô gái. Rất nhiều khán giả đã vỗ tay cho các
ca cảnh Thần Sấm ngã của bà mẹ, lời ngâm thơ của nhân vật Trần Thị Hường và lời
ca của anh Hồng, chị Tần... Không ít khán giả đã nhòa lệ khi xem cảnh cuối: sự
hy sinh oanh liệt của 10 cô gái thanh niên xung phong ở Ngã ba Ðồng Lộc, sau
đó là cảnh Thanh Bính cùng mọi người đốt hương đi tìm thi thể chị Cúc và ngâm
bài thơ Cúc ơi!. Soi lại kịch bản văn học mới thấy sự sáng tạo nghệ thuật của
đạo diễn khi đưa những dòng kịch trên sách thành những ca cảnh và diễn xuất
sinh động của diễn viên.
Ấn tượng để lại trong vở diễn là hình ảnh khoảng trời trong xanh
hiếm hoi ở Ðồng Lộc với lời thoại của các nhân vật về 10 ngôi sao kết thành
hàng với nhau, một ngôi sao tách rời, cứ đi xa, xa mãi, phút yên tĩnh như dự
báo điều dữ sẽ xảy ra… đã khắc họa điều tác giả muốn nói: Các chị trong trắng
thanh cao như khoảng trời xanh Ðồng Lộc. Các chị như những ngôi sao, bay mãi
vào bầu trời cao rộng, để lại dư ảnh không tắt cho đời, như câu thơ Tên con
đường là tên em gửi lại/Cái chết em xanh khoảng trời con gái (thơ của Lâm Thị
Mỹ Dạ).
Ngồi những hàng ghế đầu là các cựu thanh niên xung phong N55. Họ
chăm chú nghe từng lời thoại và như được sống lại những năm tháng chiến đấu
sôi nổi. Họ lắng nghe và hồi hộp với từng chi tiết. Ðó là chi tiết nhân vật
chị Võ Thị Hà, quê thị trấn Ðức Thọ, gia nhập thanh niên xung phong lúc 16 tuổi,
khi chị Tần, chị Thanh lo sợ Hà không chịu nổi sự ác liệt của chiến tranh, vì
chưa đủ tuổi, gợi ý nên xin về, Hà đã khóc dỗi và nói: "Trong lá đơn
tình nguyện, em đã viết: Ra đi giữ trọn lời thề/Ðánh xong giặc Mỹ mới về quê
hương". Hoặc là chi tiết cả tiểu đội xúm lại nhìn, đầy ngưỡng mộ khi chị
Dương Thị Xuân gửi lại chị Hợi cuốn Ðiều lệ Ðảng được người yêu tặng trước
lúc ra mặt đường và nói: "Em và anh Tân đã hẹn nhau, khi nào được vào Ðảng,
mới tính chuyện gia đình".
Tôi nghe một chị ở hàng ghế sau thốt lên: "Chúng ta hồi ấy
thế cả, đi tình nguyện mà, chưa đủ tuổi cũng đi, khoan yêu, khoan cưới, khoan
đẻ!". Rồi đến cảnh các chị tập hát Vui mở đường, rồi cảnh đối đáp tinh
nghịch của các chị với nhà thơ Phạm Tiến Duật và các anh lính lái xe trên đường
vào Trường Sơn. Ngồi chung quanh tôi xem cảnh này, chị Liên (C553), chị Diệu
Lan (C552) và nhiều cựu thanh niên xung phong thốt lên: "Ðúng như vậy
đó! Hồi đó chúng mình vui đùa trêu chọc cánh lái xe như vậy đó, cho quên hết
mệt nhọc mà". Còn anh Thanh Bính (Yến Thanh, tác giả bài thơ Cúc ơi!)
thì nghẹn ngào: "Rất xúc động! Rất chân thực! Tôi không biết nói gì hơn
ngoài lời cảm ơn tác giả kịch bản, đạo diễn và các diễn viên".
|
TheoNhandan