Xã Ngọc Sơn hiện có 8 xóm, 667 hộ với 2.800 khẩu, trong đó dân tộc Mường chiếm 98% dân số. Điểm đặc biệt của mảnh đất này là có khoảng gần 90% nhà ở của người dân là nhà sàn gỗ. Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Bùi Văn Hiềng, Chủ tịch UBND xã cho biết: Trước đây, người dân Ngọc Sơn có thói quen vào rừng chặt gỗ về dựng nhà sàn. Những năm gần đây, xã phối hợp với Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Tổ chức cho người dân ký cam kết "3 không”: không tác động vào rừng, không săn bắn, không chặt phá cây rừng. Nhờ vậy rừng đã được bảo vệ, hiện tượng chặt phá rừng đã giảm đáng kể. Nhà sàn còn lại trong xã là những nhà đã được làm từ lâu, nhà mới hiện nay đều là nhà xây bằng gạch bê tông, thói quen chặt phá rừng dần bị đẩy lùi.
Người dân xóm Cha, xã Ngọc Sơn (Lạc Sơn) phát triển sản xuất gạch bê tông, góp phần tăng thu nhập, thoát nghèo.
Ngoài ra, xã quan tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo ANTT, đẩy lùi tai, tệ nạn xã hội. Hiện xã Ngọc Sơn không có người nghiện, không có trường hợp tảo hôn, không có điểm nóng về ANTT, đời sống người dân ổn định. Xã tích cực tuyên truyền, vận động để người dân đẩy lùi hủ tục. Đồng chí Chủ tịch UBND xã cho biết thêm: Người dân trên địa bàn xã chủ yếu là người Mường với các phong tục, tập quán truyền thống liên quan đến đám hiếu, đám hỉ. Để xây dựng đời sống văn hóa mới, xã tuyên truyền, vận động người dân giảm lược các thủ tục như thách cưới cao, đám ma kéo dài ngày. Các xóm xây dựng được quy ước, hương ước thực hiện đời sống văn hóa mới như đám ma không được để quá 24h, đám cưới không được mở nhạc quá 22h. Các nghi lễ như mo dài ngày trong đám ma cũng được lược giản để không còn gánh nặng về kinh tế cho mỗi gia đình.
Công tác đảm bảo vệ sinh môi trường được đặc biệt quan tâm. Khảo sát sơ bộ các hộ gia đình dọc một số tuyến đường liên xóm cho thấy không còn hiện tượng nuôi nhốt gia súc dưới gầm sàn gây mất vệ sinh như trước đây. Gia súc, gia cầm được nuôi nhốt ở chuồng trại cách xa nhà.
Thiết thực xây dựng đời sống văn hóa, các hộ đã tích cực mở rộng nhiều loại hình sản xuất, phát triển kinh tế, phát huy thế mạnh địa phương trong nông, lâm nghiệp, tìm kiếm ngành nghề phụ phù hợp. Qua đó góp phần nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân. Mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn nhưng xã đã nâng mức bình quân thu nhập lên 15 triệu đồng/người/năm và phấn đấu trong năm 2018 hoàn thành 10/19 tiêu chí xây dựng NTM.
Công tác xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa cũng được chú trọng và bước đầu đạt một số kết quả đáng ghi nhận. Đồng chí Bùi Văn Hiềng, Chủ tịch UBND xã cho biết thêm: Theo bình xét, năm 2017 toàn xã có 67% hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, 6/8 xóm đạt làng văn hóa. Có 2 xóm không đạt làng văn hóa là xóm Trung Sơn và xóm Cha do có trường hợp sinh con thứ 3. Đây cũng là vấn đề xã hết sức quan tâm, tuyên truyền, vận động để không tái diễn tình trạng sinh con thứ 3 trong năm nay.
Theo chia sẻ của lãnh đạo xã, một trong những khó khăn lớn nhất trong xây dựng đời sống văn hóa ở Ngọc Sơn hiện nay là thiết chế văn hóa thiếu và yếu. Nhà văn hóa xóm đạt tiêu chuẩn chưa đến 50%. Do đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm xã đang quan tâm triển khai đó là bố trí kinh phí, quỹ đất, huy động các nguồn xã hội hóa xây dựng nhà văn hóa xóm, tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động ở cơ sở, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa.
Dương Liễu
Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (1948 - 2018), Báo Sài Gòn Giải Phóng trân trọng giới thiệu bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại lễ kỷ niệm.