(HBĐT) - Đài tưởng niệm anh hùng Cù Chính Lan giờ là điểm di tích lịch sử nằm trong chuỗi thăm quan khi đến hồ Hòa Bình đi theo con đường Bình Thanh - Thung Nai (Cao Phong). Chúng tôi đến thăm Đài tưởng niệm anh hùng Cù Chính Lan vào những ngày mùa thu, trời cao xanh vời vợi khi quân và dân cả nước có nhiều hoạt động kỷ niệm 73 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9.


Đài tưởng niệm anh hùng Cù Chính Lan sừng sững, hiên ngang bên đường Tây Tiến, cách TP Hòa Bình 8 km. Nơi đây như một điểm nhấn giữa màu xanh bất tận của núi rừng Giang Mỗ, xã Bình Thanh (Cao Phong), ghi nhớ sự hy sinh cao cả, tinh thần xả thân cứu nước, làm nên ngọn lửa "phong trào Cù Chính Lan”, "anh hùng đường 6” trong sự nghiệp giữ nước giữ của quân và dân ta. 66 năm trước, ngày 19/5/1952, liệt sĩ Cù Chính Lan là 1 trong số 7 người đầu tiên trên toàn quốc được Chính phủ tặng và truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Cù Chính Lan sinh ra ở Quỳnh Lưu (Nghệ An), vùng đất địa linh nhân kiệt, trong một gia đình đông con, nghèo khó. Cuộc sống lam lũ, làm thuê, cuốc mướn đã tạo cho Cù Chính Lan tính tự lập, căm thù cường hào, quân xâm lược, mong muốn được hưởng cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc.


Tượng đài anh hùng Cù Chính Lan được xây dựng tại xóm Giang Mỗ, xã Bình Thanh (Cao Phong), nằm trong chuỗi thăm quan hồ Hòa Bình.

Năm 1946, quân Pháp trở lại xâm lược nước ta, Cù Chính Lan 16 tuổi đã xin gia nhập Vệ quốc đoàn. Trong môi trường mới tiếp tục rèn luyện, nuôi dưỡng, hun đúc lên khí chất người anh hùng Cù Chính Lan. Trong chiến dịch Hòa Bình lịch sử năm nào, quân ta tổ chức tấn công cứ điểm Giang Mỗ - Bình Thanh (trước thuộc huyện Kỳ Sơn). Trong lúc chiến sự cam go, quân Pháp huy động nhiều xe tăng đến tấn công cứ điểm. Hàng trăm đồng đội bị dồn bởi hỏa lực mạnh của xe tăng có nguy cơ hy sinh. Trong tình thế hết căng thẳng đó, người tiểu đội trưởng Cù Chính Lan tách đội hình chạy bộ cắt đường, nhảy lên thành xe, cạy nắp tháp xe, thả lựu đạn đã rút chốt, tiêu diệt gọn tốp địch trong chiếc xe tăng đi đầu. Những xe còn lại không có lối đi phải thoái lui. Cứ điểm Giang Mở nhanh chóng bị ta tiêu diệt.

Tinh thần quả cảm, sáng tạo của Cù Chính Lan vang dội trên khắp trên dịch Hòa Bình, làm nức lòng quân và dân ta. Những trận đánh tiếp sau, Cù Chính Lan anh dũng, tiên phong tiêu diệt địch và anh đã hy sinh trong vòng tay đồng đội. Cách đánh sáng tạo dùng lựu đạn diệt xe tăng của Cù Chính Lan được bộ đội ta học tập và áp dụng khiến quân thù khiếp đảm trên khắp các chiến trường.

Để ghi nhớ chiến công của người anh hùng Cù Chính Lan, của quân và dân ta, năm 1965, ngành Văn hóa tỉnh Hà Sơn Bình (cũ) đã đề nghị ghi danh sự kiện anh hùng này. Năm 1993, Bộ Văn hóa - Thông tin ra quyết định công nhận khu di tích lịch sử Cù Chính Lan là di tích quốc gia. Năm 1994, tỉnh ta đã khởi công xây dựng khu di tích, dựng đài tưởng niệm Anh hùng diệt xe tăng. Đến năm 2008, Bộ VH-TT và tỉnh ta thống nhất di dời đài tưởng niệm về cơ sở mới tại xóm Mỗ I, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong. Công trình được xây dựng trên tổng diện tích 3.638 m2, trong đó tượng và bệ tượng được chế tác từ nguồn nguyên liệu đá xanh Thanh Hóa có chiều cao 8,5 m, tổng thể tích 160,4 m3. Tên anh hùng Cù Chính Lan được chọn đặt cho trường TH Cù Chính Lan và trường THCS Cù Chính Lan (phường Chăm Mát, TP Hòa Bình). Đài tưởng niệm được dựng lên khẳng định thêm niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh và là nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, phấn đấu, rèn luyện trở thành người chủ xây dựng quê hương, đất nước.


Lê Chung


Các tin khác


Những chấm sáng thời kỳ đổi mới

(HBĐT) - Nằm ở cửa ngõ vùng Tây Bắc của Tổ quốc, tỉnh ta được biết đến với nền "Văn hoá Hoà Bình" nổi tiếng - cái nôi văn hoá của người Việt cổ, và vùng sử thi huyền thoại "Đẻ đất, đẻ nước”. Hơn thế, đây là miền đất của những lễ hội, của kho tàng văn nghệ dân gian các dân tộc: Mường, Dao Thái, Tày, Mông... nơi thẫm đẫm những làn điệu dân ca "ngọt như mật ong, trong như dòng suối”. Bởi vậy, dù thời xa xưa hay thực tại, Hòa Bình vẫn là miền đất hứa để văn học, nghệ thuật thăng hoa.

Hoành tráng Chương trình nghệ thuật “Việt Nam - Con đường vinh quang”

Kỷ niệm 73 năm Cách mạng tháng Tám (19/8/1945-19/8/2018) và Quốc khánh (2/9/1945-2/9/2018), tối 2/9, tại khu vực Công viên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Chương trình nghệ thuật chủ đề "Việt Nam - Con đường vinh quang."

Về Kỳ Sơn những ngày thu tháng Tám

(HBĐT) - Trong không khí vui đón Tết Độc lập của những ngày tháng Tám lịch sử, trên mảnh đất vùng hạ lưu sông Đà, từ các xã dọc đường 6 đến xã vùng cao Độc Lập, từ xã vùng sâu Phú Minh hay vùng ngoài Phúc Tiến, Yên Quang, nhân dân huyện Kỳ Sơn đón chào ngày Quốc khánh 2/9 trong niềm hân hoan, hứng khởi. Đầu làng, cuối xóm được trang trí cờ rực rỡ. Ngoài sân vận động, nhà văn hóa, nhân dân hào hứng cổ vũ, tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao.

Triển lãm "Tranh dân gian Việt Nam" tại Hoàng thành Thăng Long

Chiều 29/8, 50 bức tranh dân gian Việt Nam đã được giới thiệu tại triển lãm "Tranh dân gian Việt Nam.”

Tăng cường công tác quản lý, đầu tư cho di tích

(HBĐT) - Sở VH-TT&DL đóng vai trò là cơ quan chuyên môn tham mưu cho UBND tỉnh trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về di tích. Phóng viên Báo Hòa Bình đã có cuộc trao đổi với đồng chí Bùi Thị Niềm, Giám đốc Sở VH-TT&DL về thực trạng, bất cập trong công tác quản lý di tích trên địa bàn tỉnh.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu rà soát lễ hội đâm trâu ở TT-Huế

Ngày 29-8, Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản gửi Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên – Huế yêu cầu rà soát hồ sơ, nguồn gốc về lễ hội đâm trâu tại xã Hồng Tiến, thị xã Hương Trà.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục