(HBĐT) -Trở lại phố cổ Hội An sau 5 năm, tôi lại được thấy những ngôi nhà cổ kính, những con đường nhỏ quanh co hình ô cờ trên phố quen thuộc luôn tấp nập người đi bộ. Hội An được gọi là phố cổ quả không sai vì sự trường tồn với những nét đẹp và giá trị văn hóa truyền thống còn được lưu giữ đến ngày nay.

Du khách nước ngoài thích thú dạo phố bên những gian hàng truyền thống ở phố cổ.

Phố cổ Hội An như một bức tranh mộc mạc, giản dị mà nên thơ đến đi vào lòng người. Dù là ngày hay đêm, Hội An vẫn mang trong mình những vẻ đẹp lôi cuốn khác nhau mà không nơi nào có được. Là một thành phố nổi tiếng của tỉnh Quảng Nam, một phố cổ giữ được gần như nguyên vẹn với hơn 1.000 di tích kiến trúc từ phố xá, nhà cửa, hội quán, đình, chùa, miếu, nhà thờ tộc, giếng cổ… cho đến các món ăn truyền thống và tâm tình của người Hội An. Tôi ấn tượng với phố cổ ngay từ lần "gặp” đầu tiên bởi lối kiến trúc truyền thống trong từng mái ngói, viên gach, hàng cây… như chính nét bình dị trong tính cách, tâm hồn thuần hậu, chân chất của người dân địa phương. Phổ biến nhất là những ngôi nhà hình ống chỉ một hoặc hai tầng có chiều ngang hẹp, chiều sâu khá dài. Nhà được làm từ những vật liệu có sức chịu lực và độ bền cao, hai bên có tường gạch ngăn cách và khung nhà bằng gỗ, chia thành ba gian với lối đi ở giữa. Mỗi căn nhà ở Hội An đều đảm bảo sự hài hòa giữa không gian sống và thiên nhiên. Nhờ lối kiến trúc độc đáo tạo cho Hội An một nét riêng, thể hiện sự hòa hợp giữa con người với thiên nhiên, mang lại sự thú vị cho những ai muốn tìm hiểu về Hội An xưa.

Ắt hẳn du khách tới đây không thể bỏ lỡ điểm thăm quan chùa Cầu linh thiêng ngự trên dòng sông Hoài thơ mộng nằm giữa trung tâm Hội An. Chùa Cầu do các thương gia Nhật Bản đến buôn bán tại Hội An xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ XVI. Chùa có mái che độc đáo được làm bằng gỗ với những họa tiết trang trí bắt nguồn từ xứ sở hoa anh đào nên còn có tên gọi khác là cầu Nhật Bản. Cây cầu dài 18 m, phía trên có một miếu nhỏ thờ thần Bắc Đế Trấn Vũ chuyên trấn trị phong ba, lũ lụt, đem lại niềm vui, hạnh phúc, may mắn cho nhân dân. Phía trên cửa chính có chạm nổi ba chữ Hán là "Lai Viễn Kiều”, nghĩa là cầu của những người bạn từ xa đến. Trải qua năm tháng và những lần trùng, chùa đã trở thành tài sản vô giá và là biểu tượng của Hội An thu hút đông đảo du khách thập phương mỗi năm.

Con người Hội An thân thiện, mến khách chúng tôi cũng như bao du khách khác có thể xin chụp ảnh cùng với bất kỳ ai, ở bất kỳ quán hàng nào trong phố cũng đều nhận được những nụ cười, ánh mắt thân thiện, sự đáp lại vô tư của họ. Có lẽ chính vì thế mà Hội An không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn được đông đảo bạn bè quốc tế biết đến. Dạo một vòng quanh phố, không khó để bắt gặp các cặp đôi uyên ương đang say sưa chụp ảnh lưu giữ lại những tấm hình cưới thật đẹp cùng con phố xưa. Vợ chồng anh Linh, đến từ Hà Nội chia sẻ: "Chúng tôi dự định làm một album ảnh cưới thật đẹp mà đơn giản với không gian cổ kính, sông nước hữu tình. Phố cổ Hội An là địa điểm mà chúng tôi lựa chọn sau một thời gian đắn đo, suy nghĩ. Ở nhiều góc cảnh khác nhau, chúng tôi đã có cho mình những bức hình thật đẹp, đúng với mong muốn ban đầu”.

Phố cổ Hội An, nơi mà cuộc sống cứ bình lặng như thế, nơi mà dường như dòng chảy của thời gian chẳng thể nào vùi lấp đi không khí, không gian cổ xưa vốn có. Mong sao phố thị ấy cứ mãi cổ kính như vậy, cứ lưu lại trên mình những dấu ấn của thời gian để con người hôm nay và mai sau vẫn còn cơ hội được chiêm ngưỡng tinh hoa văn hóa vẹn nguyên về một thời đã qua. Để sau những bộn bề thường nhật, người ta có nơi về tránh khỏi sự bon chen của cuộc sống và tìm cho tâm hồn một chốn thanh bình đúng nghĩa.

                                                                                   Thanh Sơn



Các tin khác


Cuộc hội ngộ của sáu dòng tranh dân gian Việt Nam tiêu biểu

Triển lãm "Tranh dân gian Việt Nam và ứng dụng” sẽ diễn ra từ ngày 24/10-10/11 tại Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu-Quốc Tử Giám (Hà Nội).

Tập huấn phương pháp tiếp thị và quảng bá điểm đến, năm 2018

(HBĐT) -Ngày 22/10, tại Nhà văn hóa xóm Tiện, xã Thung Nai (Cao Phong), Sở VH,TT&DL phối hợp với Công ty CP đào tạo dịch vụ du lịch miền Bắc tổ chức khai giảng lớp tập huấn phương pháp tiếp thị và quảng bá điểm đến, năm 2018 cho 30 học viên là người quản lý, đại diện các hộ hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn 2 xã Thung Nai, Bình Thanh, huyện Cao Phong thuộc Khu du lịch hồ Hòa Bình.

Xã Thượng Cốc đoàn kết xây dựng nông thôn mới

(HBĐT) - Được triển khai từ năm 2016, cuộc vận động (CVĐ) "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được nhân dân xã Thượng Cốc (Lạc Sơn) tích cực thực hiện, gắn với phong trào "Chung sức xây dựng nông thôn mới (NTM)”.

Thành phố Hòa Bình: Khánh thành Thư viện Cầu Vồng KB

(HBĐT) - Sáng 19/10, tại trường Tiểu học Hữu Nghị (thành phố Hòa Bình), UBND thành phố Hòa Bình tổ chức Lễ khánh thành và bàn giao công trình Thư viện cầu vồng KB, thiết bị phòng học, thiết bị dạy học cho nhà trường. Tới dự có lãnh đạo UBND thành phố Hòa Bình; đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Ngoại vụ và các đơn vị tài trợ thực hiện dự án.

Giám sát công tác quản lý nhà nước về các di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh

(HBĐT) - Ngày 19/10, tại Sở Văn hóa - thể thao& du lịch, Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND tỉnh) đã giám sát công tác quản lý nhà nước về các di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh. Đồng chí nguyễn Văn Toàn, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Ban Văn hóa- Xã hội (HĐND tỉnh) điều hành cuộc giám sát.

Tổ chức Hội thi tìm hiểu tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII

(HBĐT) - Ngày 18/10, tại nhà văn hóa xã Yên Trị (Yên Thủy), Hội LHPN tỉnh tổ chức Hội thi tìm hiểu tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII. Dự hội thi có lãnh đạo Hội LHPN tỉnh, đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, huyện Yên Thủy và đông đảo cán, bộ hội viên, phụ nữ và ông đảo người dân xã Yên Trị.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục