(HBĐT) - Mỗi khi tiếng khèn ngân lên thì già, trẻ, gái, trai khắp bản chẳng thể ngồi yên mà tưng bừng nhảy múa theo nhịp điệu khèn. Say đắm đến vậy nên khèn Mông không thể thiếu trong đời sống của người dân 2 xã Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu).


Nghệ nhân Sùng A Tô dạy khèn cho lớp trẻ

Tìm về tích xưa

"Thuở ấy, cách đây dễ đến ba, bốn trăm năm, thời người Mông chưa biết đến khèn…” - cụ Sùng A Tô, bậc cao niên, đồng thời là người giỏi khèn nhất ở bản Chà Đáy, xã Pà Cò mở đầu câu chuyện. Chuyện rằng, ở gia đình nọ có 4 cha con sống hòa thuận, yêu thương, gắn bó chung một mái nhà. Cho đến ngày kia, khi âm dương cách biệt, người cha về với tổ tiên. Theo tục lệ, 3 người con ngồi trông giữ linh cữu của cha ba ngày, ba đêm. Ngày thứ nhất… ngày thứ hai… đến ngày thứ ba, vào lúc nửa đêm, họ bỗng nghe âm thanh tựa như cây nứa "gáy”. Gió càng mạnh, cây càng gáy rền, tiếng gáy mỗi lúc thêm đều, thêm khỏe. Phần vì lạ, lại thấy tiếng gáy hay, 3 người con nghĩ thử dùng thân nứa, cắt thành ống thổi xem sao. Chẳng ngờ, khi âm thanh đó cất lên, dân làng tập trung đến rất đông. Ai cũng xao xuyến bởi âm thanh kỳ lạ. Kể từ dạo đó, bà con dân bản học theo ba anh em nhà nọ, thống nhất về sau này, khi các cụ trăm tuổi "về trời” có âm thanh của khèn đưa tiễn mới hay…

Cụ Sùng A Màng, 85 tuổi, hiện là người Mông duy nhất ở xã Pà Cò biết làm khèn. Cụ bảo thời tổ tiên ông bà, mỗi người thổi 1 ống khèn, cứ 6 ống là phải có 6 người thổi chứ không đáp thành khèn như bây giờ. Sau này trải qua quá trình tìm tòi, nghiên cứu, người Mông đã dùng cây làm trống để ghép 6 ống lại với nhau, làm thành khèn để 1 người thổi mà thôi. Trước đây, các tay khèn trong, ngoài xã đều tìm đến cụ Màng để đặt cụ làm. Khèn do cụ làm vừa khéo, vừa bền, có khi dùng được cả chục năm. Tuy nhiên nay sức yếu, cụ khó khăn trong việc lên rừng chọn cây nứa tốt, đục đẽo làm khèn cho trai tráng trong, ngoài làng. Dẫu vậy, bà con ở các xóm vẫn không thể không có khèn. Họ đến nơi khác tìm mua về dùng cho bằng được.

Biết khèn - "lợi thế”của các chàng trai Mông

"Học khèn khó lắm chứ chẳng chơi” - anh Phàng A Páo, 35 tuổi ở bản Chà Đáy chia sẻ. Là một trong những "hậu bối” về khèn hiện nay ở bản, anh Páo cho biết thời gian theo học chí ít cũng mất cả năm, còn nếu để biết nhiều hơn thì phải 3 - 4 năm ròng. Ngày đó theo học, cứ tối tối là anh lại đến gặp thầy. Người thầy ở bản không ai khác chính là cụ Sùng A Tô. Khèn khó học và học rất khó là bởi người dạy không thể truyền đạt bằng tiếng, bằng lời mà chỉ có thể dùng giọng kêu của tiếng khèn, còn người học buộc phải ghi giọng nói đó ở trong lòng. Bản thân anh Páo là người ham học, chịu khó, kiên trì nhưng đến nay cũng chỉ biết được một số bài khèn cơ bản như bài "Cành trư” có giai điệu rộn rã, tươi vui; bài "Tò đang” có ý nghĩa đón tổ tiên về làm giỗ hoặc ăn Tết. Nhiều bài khác còn rất ít người biết như điệu khèn ăn cơm tối, ăn cơm trưa, thổi khèn khi đi xung quanh các nhà, khèn đúc giấy, đúc tiền…

Học khèn rất khó nhưng một khi đã thuộc thì lâu quên, kể cả một năm quay lại vẫn nhớ và nhập cuộc được ngay, không bỏ sót âm điệu nào của bài. Đặc biệt, với các chàng trai người Mông, biết thổi khèn là lợi thế vô cùng quan trọng và thu hút. Bởi vậy, lớp trẻ từ 12 - 16 tuổi trở đi thường háo hức được học và đều biết được ít nhiều. Có những mối tình đơm hoa, kết trái, nên duyên vợ chồng cũng được dệt bằng giai điệu của khèn Mông. Khi người con trai thổi khèn, chị em rất thích nghe, thích nhìn. Cho dù có bao phiền não, lo lắng trong lòng chỉ cần tiếng khèn cất lên, mọi nỗi buồn đều tan biến, mọi người cùng nhảy múa, vui chơi thâu đêm, bài khèn nọ nối tiếp bài khèn kia không dứt.

Nét đẹp - men say

Khèn Mông là thế, không thể thiếu vắng trong đời sống của đồng bào Mông bất kể chuyện vui hay có việc buồn. Khèn cũng tựa như chất men say, không chỉ người Mông mà du khách đều háo hức, đắm say theo nhịp điệu. Gia đình có việc, người Mông dùng khèn để bày tỏ tâm ý. Khách quý đến chơi nhà, bà con dùng khèn thể hiện tình cảm, kết nối câu chuyện và khởi động cho cuộc vui. Ngày Tết ở bản Mông rộn rã, tươi vui cũng nhờ có tiếng khèn gọi bạn…

Mang đậm ý nghĩa tinh thần như vậy, khèn Mông đang được bà con 2 xã Hang Kia, Pà Cò gìn giữ và mong muốn được bảo tồn. Qua trao đổi với Chủ tịch UBND xã Pà Cò Sùng A Màng được biết: Nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền địa phương đã quan tâm, tạo điều kiện phát triển văn hóa, nhất là với khèn của người Mông. Các dịp lễ hội, giao lưu, hoạt động văn hóa, văn nghệ ở xóm, bản không thể thiếu giai điệu của tiếng khèn. Cũng chung tâm nguyện của bà con, cấp ủy Đảng, chính quyền xã mong muốn tới đây sẽ có những lớp học về khèn Mông mở tại địa phương, mời nghệ nhân là những người am hiểu về loại hình này truyền dạy cho con cháu, từ đó góp phần gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.

 

Trong các dịp lễ hội của đồng bào 2 xã Mông Hang Kia, Pà Cò không thể thiếu tiếng khèn


                                                                                       Lạc Bình



Các tin khác


Đặc sắc làn điệu páo dung của “người ở rừng”

(HBĐT) - Trong những chuyến công tác về các bản Dao, chúng tôi luôn bị cuốn hút bởi con người chân chất, khéo tay, hay nói cười. Ấn tượng hơn cả là các bản làng này thường nằm trong khu rừng trù phú. Thế nên, nhiều người vẫn ví von gọi họ với cái tên "người ở rừng”, ý nói về nơi sinh sống cũng như ý thức bảo vệ rừng của đồng bào Dao. Nếu ai đó từng bị mê hoặc bởi những câu hát thường, hát đối của người Mường thì giai điệu, làn điệu Páo Dung của người Dao như một bản nhạc du dương giữa đại ngàn.

Sức sống Di sản văn hóa Mo Mường

(HBĐT) - Trong lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam, dân tộc Mường đã sáng tạo và lưu giữ được nền văn hóa dân gian phong phú, đa dạng. Trong nền văn hóa đồ sộ đó, Mo Mường là một loại hình nổi bật, độc đáo, là món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống của dân tộc chiếm trên 63% dân số trên địa bàn tỉnh. Từ lâu, Mo Mường đã được các học giả trong và ngoài nước quan tâm nghiên cứu và được đánh giá là một hiện tượng văn hóa đặc sắc, hàm chứa nhiều giá trị nhân văn, giá trị văn hóa, lịch sử huyền thoại của dân tộc Mường.

Khai mạc Lễ hội Đường hoa Tết Kỷ Hợi 2019 TP Hồ Chí Minh

Tối 2-2 (28 Tết Nguyên đán Kỷ Hợi), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc Lễ hội Đường hoa Tết Kỷ Hợi 2019 với chủ đề "TP Hồ Chí Minh - Vững bước vươn xa”. Dự Lễ khai mạc có các đồng chí: Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Trương Tấn Sang, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước; Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo TP Hồ Chí Minh.

Tản mạn xung quanh bộ chữ Mường

(HBĐT) - Ngày xuân trong sương khói lãng đãng mơ màng bên tách trà, ngắm nhìn những nụ đào hồng tươi khoe sắc, lòng người xốn xang, thường hay nghĩ về chuyện đã qua với nỗi lòng trải nghiệm suy ngẫm.

Người lưu giữ tinh hoa bảo vật xứ Mường

(HBĐT) - Năm 2014, được sự đồng ý của UBND tỉnh, ông Bùi Thanh Bình thành lập Bảo tàng Di sản văn hóa Mường. Với đam mê, khát vọng bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản dân tộc, ông Bình đã dành hơn 30 năm miệt mài sưu tầm các di vật, cổ vật của dân tộc Mường trên khắp các tỉnh, thành phố của Việt Nam. Đến nay, có trên 6.000 hiện vật đang được trưng bày tại bảo tàng.

Vui hội ném còn

(HBĐT) - Ném còn là trò chơi dân gian thường được các dân tộc Thái, Mường, Tày, Mông tổ chức vào dịp lễ, Tết. Về cơ bản, luật chơi ném còn của các dân tộc giống nhau. Tuy nhiên, qua trò chơi, mỗi dân tộc lại mang một thông điệp, khát vọng riêng. Đối với người Mường, hội ném còn là dịp để nam thanh, nữ tú gặp nhau. Trò chơi này như bà mối se duyên cho trai tài, gái sắc. Bên nào thua sẽ để lại một vật làm tin. Thường người thua là con trai để lấy lòng người con gái. Sau lễ hội, các chàng trai sẽ quay lại nhà cô gái để xin lại vật gửi làm tin trước đó, đây cũng là cớ để hai người gặp gỡ, tìm hiểu tiếp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục