(HBĐT) - Theo thời gian, "văn hóa” rượu cần của người Mường đã được đông đảo người dân cả nước biết đến và đón nhận; số cơ sở sản xuất rượu cần và cửa hàng giới thiệu, bày bán rượu cần mở ra trên địa bàn tỉnh ta ngày càng nhiều. Trong những ngày giáp Tết Nguyên đán Kỷ hợi, chúng tôi đã tìm về mảnh đất Mường Vang – nơi nổi tiếng với hương vị rượu cần truyền thống của người Mường xưa, nơi vẫn còn những người phụ nữ Mường đeo "ớp” lên rừng hái lá về làm men.

 Bà Bùi Thị Dừn ở xóm Bắp 1, xã Xuất Hóa (Lạc Sơn) kiểm tra chất lượng các vò rượu cần trước khi ủ.

Rượu cần - kết tinh từ sự khéo léo và tỉ mỉ của người phụ nữ Mường

Ngôi nhà nhỏ của bà Bùi Thị Dừn ở xóm Bắp 1, xã Xuất Hóa (Lạc Sơn) nằm gọn dưới rặng tre ngay cạnh con đường liên xã Xuất Hóa - Nhân Nghĩa. Bà Dừn là một trong những người làm rượu cần ngon nức tiếng trong vùng. Điều đặc biệt, bà không làm nhiều nhưng vì có "thương hiệu” nên khách đặt làm quanh năm, lúc nào trong nhà cũng có vài vò rượu cần sẵn sàng "lên đường” đi khắp mọi tỉnh, thành phố.

Chia sẻ về quá trình làm rượu cần, bà Dừn cho biết: "Năm 1992 tôi bắt đầu làm rượu cần, do các mế dạy lại. Công thức làm bao năm nay vẫn thế, không có gì thay đổi hay thêm bất cứ vị gì. Theo truyền thống của người Mường, trong các gia đình gia truyền làm rượu cần, công thức làm rượu được truyền lại con dâu để lưu giữ cho các đời sau. Đàn ông trong nhà hầu như không hề biết công thức cũng như không tham gia vào việc làm rượu. Thứ quan trọng nhất quyết định rượu cần ngon hay không chính là men rượu. Men ngon nhất phải là làm từ lá rừng với các loại cây như "nanh rề”, húng lìu… Mỗi vùng Mường lại có những cách làm men rượu cần khác nhau. Men chuẩn sẽ cho ra vò rượu thơm, ngon, mang hương vị đặc trưng riêng. Có thể một lần đi rừng sẽ lấy nhiều lá về làm men để dùng dần, men lá cây rừng có thể để được lâu, không như men bột mua ngoài chợ rất nhanh hỏng”.

Để có những vò rượu cần chất lượng phải trải qua nhiều công đoạn. Những công đoạn ấy chỉ những người phụ nữ chịu thương, chịu khó, cẩn thận, tỉ mỉ mới làm được. Bà Dừn chia sẻ: "Gạo nếp phải được ngâm qua một đêm, trấu phải rửa sạch, phơi khô. Gạo đã ngâm trộn đều với trấu rồi đồ lên. Sau khi đồ chín gạo thành cơm thì cho ra để nguội rồi mới trộn men vào, tiếp tục ủ thêm khoảng 1 đêm để lên men rồi mới cho vào vò ủ thành rượu. Vào mùa nóng chỉ khoảng 20 ngày chất rượu đã ngọt nhưng mùa lạnh phải hơn một tháng mới có thể dùng được”.

Nhìn qua các công đoạn tưởng chừng việc làm rượu cần khá đơn giản nhưng không phải ai cũng có thể làm ra được một vò rượu cần ngon. Bà Dừn cho biết: "Bắt đầu từ việc làm men, chọn gạo, chọn trấu phải đảm bảo yêu cầu. Các công đoạn phải làm cẩn thận. Việc ủ gạo, trấu cũng cần cẩn thận nếu không rất dễ bị hỏng. Nếu quá nóng thì sẽ hỏng, quá lạnh không lên men được, rượu sẽ chua, nhạt. Gạo, trấu, men được trộn đều với tỷ lệ phù hợp. Bình để ủ rượu phải được cọ rửa sạch sẽ, chuyên để ủ rượu. Vò rượu được đậy kín để lên men, nếu hở rất dễ hỏng. Điểm đặc biệt của rượu cần là ủ đủ ngày uống sẽ thơm ngon, vừa vị; uống sớm quá thì chưa có vị rượu ngon mà muộn quá sẽ cay, nồng, dễ say”.

Men say rượu cần

Nếu người làm rượu cần được so sánh như một "nghệ nhân” thì người "thưởng” rượu cần phải là một "nghệ sỹ”. Bởi uống rượu cần không giản đơn là mở nắp, đổ nước vào bình rồi cắm cần hút. Làm rượu cần kỳ công và uống rượu cần cũng cầu kỳ không kém.

Bà Dừn chia sẻ thêm: "Uống rượu cần ngon nhất là sau khi mở nắp đổ vào khoảng 1 lít nước nóng. Để một lúc rồi sau đó mới tiếp tục đổ nước lạnh, cắm cần vào uống. Nếu đổ ngay nước lạnh từ đầu, rượu sẽ không "bốc” được mùi và vị. Trong quá trình uống, cần có 1 người tiếp nước vào từ từ, không nên hết cạn mới cho nước vào, nước lúc nào cũng nên mấp mé mép bình. Nước để uống rượu cần ngon nhất là nước mưa, nước suối. Những vò rượu chất lượng là phải đổ nước nhiều lần mà rượu vẫn giữ được vị ngon ngọt, cay nhẹ, thơm nồng. Khi uống cần giữ yên cần, uống một hơi để cảm nhận trọn vẹn được vị rượu”.

Điểm đặc biệt của việc uống rượu cần đó là không có sự "sát phạt”. Đôi khi cũng có uống thi cho thêm phần vui vẻ nhưng thường là ai uống được bao nhiêu thì uống. Vò rượu được đặt giữa nhà để già trẻ, trai gái cùng uống. Thường thì thứ tự uống rượu cần sẽ là người cao tuổi uống trước, trẻ uống sau; nam uống trước, nữ uống sau. Trong những ngày vui như Tết, lễ hội, đám cưới… người ta sẽ vừa uống, vừa hát đối. Cứ uống lần lượt như vậy cho tới khi rượu nhạt thì cả khách và chủ nhà cũng đã ngấm men say.

Là rượu nhưng có vị ngọt cay, thơm nồng, rất dễ uống ngay đối với cả phụ nữ. Uống ít thì ửng hồng đôi má, ấm lòng những ngày đông rét; uống nhiều sẽ lâng lâng say trong niềm hân hoan đón xuân về. Đặc biệt, rượu cần chỉ được uống trong ngày vui, dịp họp mặt và thể hiện tinh thần cộng đồng, gắn kết rất bền chặt của người Mường. Vì những nét riêng đó mà mặc dù ngày càng có nhiều loại đồ uống trong dịp Tết nhưng không gì có thể thay thế được rượu cần.


                                                                                 Đức Anh



Các tin khác


Tự hào bản sắc dân tộc Mường trong không gian văn hóa Việt

(HBĐT) - Cách trung tâm thành phố Hòa Bình khoảng 40 km đi về phía đại lộ Thăng Long, Làng Văn hóa - Du lịch (VH- DL) các dân tộc Việt Nam từ lâu đã trở thành "ngôi nhà chung” rộng lớn và quần tụ của 54 dân tộc anh em trên dải đất hình chữ S. Trong không gian văn hóa có một không hai đó của cả nước, không gian văn hóa dân tộc Mường đã thể hiện vẹn nguyên những giá trị độc đáo nhất, đáng tự hào nhất, mang đậm hơi thở của đất và người với tinh thần "hòa nhập chứ không hòa tan”, góp phần tạo nên một cộng đồng đặc sắc cùng mang dòng máu Việt.

Đặc sắc làn điệu páo dung của “người ở rừng”

(HBĐT) - Trong những chuyến công tác về các bản Dao, chúng tôi luôn bị cuốn hút bởi con người chân chất, khéo tay, hay nói cười. Ấn tượng hơn cả là các bản làng này thường nằm trong khu rừng trù phú. Thế nên, nhiều người vẫn ví von gọi họ với cái tên "người ở rừng”, ý nói về nơi sinh sống cũng như ý thức bảo vệ rừng của đồng bào Dao. Nếu ai đó từng bị mê hoặc bởi những câu hát thường, hát đối của người Mường thì giai điệu, làn điệu Páo Dung của người Dao như một bản nhạc du dương giữa đại ngàn.

Sức sống Di sản văn hóa Mo Mường

(HBĐT) - Trong lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam, dân tộc Mường đã sáng tạo và lưu giữ được nền văn hóa dân gian phong phú, đa dạng. Trong nền văn hóa đồ sộ đó, Mo Mường là một loại hình nổi bật, độc đáo, là món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống của dân tộc chiếm trên 63% dân số trên địa bàn tỉnh. Từ lâu, Mo Mường đã được các học giả trong và ngoài nước quan tâm nghiên cứu và được đánh giá là một hiện tượng văn hóa đặc sắc, hàm chứa nhiều giá trị nhân văn, giá trị văn hóa, lịch sử huyền thoại của dân tộc Mường.

Khai mạc Lễ hội Đường hoa Tết Kỷ Hợi 2019 TP Hồ Chí Minh

Tối 2-2 (28 Tết Nguyên đán Kỷ Hợi), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc Lễ hội Đường hoa Tết Kỷ Hợi 2019 với chủ đề "TP Hồ Chí Minh - Vững bước vươn xa”. Dự Lễ khai mạc có các đồng chí: Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Trương Tấn Sang, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước; Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo TP Hồ Chí Minh.

Tản mạn xung quanh bộ chữ Mường

(HBĐT) - Ngày xuân trong sương khói lãng đãng mơ màng bên tách trà, ngắm nhìn những nụ đào hồng tươi khoe sắc, lòng người xốn xang, thường hay nghĩ về chuyện đã qua với nỗi lòng trải nghiệm suy ngẫm.

Người lưu giữ tinh hoa bảo vật xứ Mường

(HBĐT) - Năm 2014, được sự đồng ý của UBND tỉnh, ông Bùi Thanh Bình thành lập Bảo tàng Di sản văn hóa Mường. Với đam mê, khát vọng bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản dân tộc, ông Bình đã dành hơn 30 năm miệt mài sưu tầm các di vật, cổ vật của dân tộc Mường trên khắp các tỉnh, thành phố của Việt Nam. Đến nay, có trên 6.000 hiện vật đang được trưng bày tại bảo tàng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục