Đội chiêng bản Ngòi, xã Ngòi Hoa (Tân Lạc) tập luyện trước khi tham gia phường bùa đi chúc Tết.
Theo thống kê, dân tộc Mường có 37 lễ hội lớn thì có tới 26 lễ hội sử dụng âm thanh chiêng. Nghệ thuật chiêng Mường được đưa vào các sự kiện chính trị, văn hóa lớn của tỉnh. Những màn trình tấu chiêng độc đáo để lại ấn tượng sâu sắc đối với người dân và du khách. Theo thời gian, chiêng Mường được thế hệ trước truyền lại thế hệ sau. Giữ gìn những chiếc chiêng cổ và các bài chiêng là nhiệm vụ quan trọng của mọi người. Hiện tại, toàn tỉnh có khoảng hơn 10.000 chiếc chiêng.
Đồng chí Tô Anh Tú, Phó trưởng Phòng Quản lý văn hóa (Sở VH-TT&DL) cho biết: Kế thừa, phát huy không gian văn hóa chiêng Mường, Sở VH-TT&DL triển khai nhiều giải pháp để bảo tồn giá trị chiêng Mường. Từ năm 2010, Sở đã kiểm kê số lượng chiêng trên địa bàn tỉnh, đồng thời nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng các làn điệu chiêng cổ của người Mường Hòa Bình. Cùng với mo Mường, nghệ thuật chiêng Mường của tỉnh được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là tiền đề quan trọng để di sản chiêng Mường được bạn bè trong và ngoài nước biết tới. Bên cạnh đó, hàng năm, Sở VH-TT&DL chỉ đạo Phòng VH-TT các huyện, thành phố mở lớp truyền dạy kỹ năng, nghệ thuật đánh chiêng cho người dân trên địa bàn.
Một số huyện tiên phong mở lớp truyền dạy cách đánh chiêng như: Kim Bôi, Lạc Sơn, Tân Lạc. Các huyện đều mời nghệ nhân về truyền dạy. Trung bình mỗi lớp có khoảng 30 học viên tham gia. Ngoài ra, để giữ gìn giá trị của chiêng Mường, chính quyền các cấp đã tích cực tuyên truyền, vận động và hỗ trợ người dân phát triển phong trào nghệ thuật quần chúng với trên 2.000 tổ, đội, thành viên, vừa là nông dân, vừa là diễn viên, tuyên truyền viên tích cực biểu diễn những bài chiêng truyền thống của người Mường, góp phần bảo tồn âm vang tiếng chiêng. Bên cạnh đó, một hoạt động ý nghĩa được Sở VH-TT&DL tổ chức hàng năm là Hội thi tuyên truyền cổ động, Hội diễn nghệ thuật quần chúng và Liên hoan nghệ thuật các đội văn nghệ quần chúng tiêu biểu.
Đầu xuân năm mới, trong mỗi nhà, tiếng chiêng vang lên mời tổ tiên về ăn Tết. Chiêng ngân vang qua từng nóc nhà gọi người dân đi trẩy hội… Tiếng chiêng hòa quyện với tiếng hát sắc bùa làm không khí trở nên sôi động, náo nhiệt. Thông thường, một đội chiêng gồm 12 chiêng, biểu tượng cho 12 tháng trong năm thường được gọi là "phường bùa”. Mỗi phường có một người cao tuổi trong bản Mường đứng đầu chỉ huy, được gọi là "trùm phường”. Trùm phường là người am hiểu tất cả các loại chiêng, thuộc rất nhiều làn điệu dân ca Mường.
Theo phong tục, phường bùa sẽ ghé qua từng nhà, vừa đi vừa tấu những bài chiêng rộn rã. Phường bùa đến từng nhà, vào đến sân, trùm phường hát bài ca chúc Tết gia chủ, ca ngợi gia chủ thịnh vượng. Sau đó, phường bùa tấu chiêng minh họa. Gia chủ sẽ mời phường bùa lên nhà uống chén rượu sắn hay uống rượu cần và không quên tặng quà cho phường bùa là những chiếc bánh, chai rượu... Cứ thế, phường bùa đi khắp các nhà trong bản. Âm thanh của chiêng trầm hùng vang lên như tiếng vang của núi rừng và chân thành, hiền hòa như tấm lòng của người Mường. Những con ngõ nhỏ trẻ em tíu tít hát vang, vui nhộn khi phường bùa đi qua.
"Phường bùa đi chúc Tết phải lựa chọn những người có kỹ thuật đánh chiêng chuyên nghiệp, khéo ăn, khéo nói. Người con gái đánh chiêng sắc bùa mặc trang phục truyền thống của người Mường. Các thành viên trong phường bùa thường tập luyện chiêng trước hàng tháng. Các bài chiêng được sử dụng khi đi chúc Tết phải có âm hưởng vui vẻ, phù hợp với mùa xuân. Điều quan trọng đối với thành viên của đội chiêng phải là nét mặt vui tươi, ăn nói khéo léo, tinh thần phấn khởi. Người đánh chiêng thả hồn vào tiếng chiêng thì âm thanh chiêng mới hay và vang vọng”. Chị Bùi Thị Bạch Kim, xã Xuân Phong (Cao Phong) chia sẻ.
Bên cạnh đó, âm thanh của chiêng còn là tín hiệu báo hiệu mở hội xứ Mường. Người Mường quan niệm, chiêng không vang lên thì không bắt đầu được hội. Vào ngày mồng 7 tháng giêng theo lịch Mường (mồng 8 âm lịch), các Mường đều tổ chức lễ Khai hạ, Xuống đồng… Tất cả các lễ hội đều có màn trình diễn chiêng. Tiếng chiêng vang vọng mở đầu khai hội và trầm lắng khi kết thúc lễ hội. Tiếng chiêng trầm bổng, ngân vang thể hiện niềm vui của một năm mùa màng bội thu, nhà nhà no ấm, xóm làng bình yên.
Thu Thủy