Tiết mục múa "Ngày hội hội đất Mường" được chị em phụ nữ đội văn nghệ tổ 1,2,3 phường Phương Lâm chọn biểu diễn trong buổi gặp mặt đầu xuân của làng mường Phú Nghĩa.
Xúng xính trong bộ trang phục truyền thống dành riêng cho những dịp lễ hội, những công dân đang sinh sống tại tổ 1, phường Thái Bình và tổ 1,2,3 phường Phương Lâm và những người con được sinh ra và lớn lên ở khu dân cư này rộn ràng trẩy hội. Địa điểm không phải chốn đình, chùa, hay rộng rãi hơn là nhà văn hóa của khu dân cư mà là một ngôi nhà còn giữ vẹn nguyên bản sắc "cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui, ngày lui, tháng tới”- bản sắc văn hóa Mường. Không gian hẹp nhưng tạo sự kết nối rộng, bởi nhiều dân tộc anh em cùng chung sống dưới cùng một khu dân cư mang tên Phú Nghĩa.
Sự kết nối thể hiện ngay trong phần "Hội”. Một chương trình văn nghệ "cây nhà, lá vườn”, nhưng được dàn dựng khá công phu. Mở đầu là màn tấu chiêng do các bà, các chị nghệ nhân xóm Trại biểu diễn. Tiếp đến là màn múa "ngày hội đất Mường”, hát "Gửi về quan họ”, múa "Hoa thơm bướm lượn”, hát "Thơ tình của núi”, "Mời trầu”… mộc mạc thôi nhưng lắng đọng và ngập tràn cảm xúc. Phần lễ dành thời gian nhất định để ôn lại chuyện Mường xưa Phú Nghĩa. Nhờ sự khái lược của vị trưởng làng (chức danh do trên 70 hộ dân ở KDC giáp ranh phường Thái Bình và phường Phương Lâm bầu), nhiều người trẻ hôm nay mới biết được địa danh làng mường Phú Nghĩa.
Tìm về lịch sử, làng mường Phú Nghĩa có tên từ năm 1891, là một trong các xóm thuộc xã Quỳnh Lâm - Hòa Bình. Hòa Bình lập lại (tức vào khoảng những năm 70-80 của thế kỷ trước) làng Phú Nghĩa thuộc xã Thái Bình huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hà Sơn Bình. Qua nhiều lần sáp nhập, chuyển đổi địa giới hành chính và tiến trình đô thị hóa, tháng 11/1983, xóm Phú Nghĩa đổi tên thành phường Phương Lâm- thành phố Hòa Bình.
Theo như lời kể của các bậc cao niên, làng Mường Phú Nghĩa xưa có phong cảnh hữu tình: phía Tây Bắc tiếp giáp với dòng sông Đà và dãy núi non hùng vĩ, phía Đông Nam là khu đầm ao Quỳnh Lâm trù phú, nơi bà con trồng cấy và đánh bắt cá tôm làm nguồn sống. Đến năm 1969-1970, nghe theo tiếng gọi của Đảng, Nhà nước bà con Phú Nghĩa đồng lòng di chuyển nhà ở, làng mạc để dành đất xây dựng thủy điện sông Đà. Từ đây, người làng Phú Nghĩa chia tách về các tổ 1,2,3,4 của phường Phương Lâm và một phần của phường Thái Bình.
Người dân Phú Nghĩa vốn có truyền thống đoàn kết, gắn bó, bởi vậy, dù đi nơi đâu, những người con sinh ra và lớn lên từ mảnh đất này vẫn luôn nhớ về quê cũ. Phát biểu trước đâu đảo bà con lối xóm, ông Nguyễn Văn Vui, tổ 2, Phường Phương Lâm - TP Hòa bình rưng rưng nguồn cảm xúc: "Tôi sinh ra, lớn lên ở nơi này. Quá trình công học tập, công tác tôi đã di chuyển đại gia đình tới sinh sống ở 4 nơi khác nhau. Tuy nhiên, khi hoàn thành nghĩa vụ công tác, được nhà nước cho nghỉ chế độ tôi lại dắt díu gia đình trở về Phú Nghĩa sinh sống và đến nay tôi hoàn toàn toại nguyện…”. Ông Tạ Minh Tích, một bậc cao niên hiện đang cư trú ở phường Thái Bình cũng bày tỏ tấm chân tình: "Tôi sinh ra ở miền xuôi, nhưng đất Mường Phú Nghĩa- Hòa Bình đã nuôi dưỡng tôi trưởng thành. Bao năm qua, tôi vẫn luôn nuôi dưỡng niềm tự hào về nơi tôi đang sống. Mong rằng các thế hệ cháu con hôm nay có cùng suy nghĩa như tôi, chung tay xây dựng làng Phú Nghĩa (xưa), phường Thái Bình, Phương Lâm- thành phố Hòa Bình (nay) ngày càng giàu đẹp…”
Để thể hiện đầy đủ lễ nghĩa và tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong những ngày đầu xuân, Ban tổ chức lễ hội đã trao quà mừng thọ cho 11 cụ ông, bà từ 70 tuổi trở lên, trao 2 suất quà cho 2 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong khu dân cư Phú Nghĩa.
Hội làng- cuộc gặp mặt đầu xuân của những người đã và đang sinh sống ở làng mường Phú Nghĩa (phường Phương Lâm- thành phố Hòa Bình) đã khép lại, nhưng dư âm còn mãi với lòng người.
Lam Nguyệt