(HBĐT) - Biến sự nhàm chán, gò bó trở thành những trải nghiệm tuyệt vời, mang ý nghĩa giáo dục cao, mô hình "Sân khấu hóa tiết chào cờ đầu tuần để học sinh được trải nghiệm sáng tạo" ở Trường tiểu học Phú Thành (Lạc Thủy) được ngành GD&ĐT ghi nhận là mô hình có hiệu quả, trở thành 1 trong 10 mô hình điển hình tiến tiến đang được tỉnh triển khai nhân rộng trên địa bàn.
Các em học sinh Trường tiểu học Phú Thành (Lạc Thủy) tham gia hoạt động trải nghiệm lồng ghép chủ điểm của tháng giúp trang bị kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích.
Đây là năm học thứ 2, ngôi trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2 xã Phú Thành thực hiện mô hình tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh thông qua sân khấu hóa tiết chào cờ đầu tuần. Cô giáo Nghiêm Thị Hưng, Tổng Phụ trách Đội chia sẻ: trước đây, tiết chào cờ vào những sáng thứ 2 đầu tuần chỉ đơn thuần là nghi lễ được tổ chức theo quy định. Thường là đại diện các chi Đội nêu tình hình diễn biến trong tuần cũ, tiếp đó là giáo viên đứng lên nhận xét và triển khai các nội dung công việc của tuần mới... Cứ đều đặn như vậy dẫn đến nhàm chán và phần nào ảnh hưởng đến tâm lý của các em học sinh. Kể từ năm học 2017 - 2018, sau khi mạnh dạn tìm hiểu, đưa ra sáng kiến, đồng thời đúc rút được những nội dung phù hợp thực tiễn, nhà trường đã cụ thể hóa mô hình bằng các hoạt động phù hợp với các chủ đề, chủ điểm.
Năm học 2019- 2020, nhà trường lựa chọn xây dựng chủ điểm truyên truyền, giáo dục cho các em học sinh về truyền thống của trường. Lồng ghép với đó là các hoạt động văn hóa, văn nghệ hát về thầy cô, bạn bè và mái trường. Đặc biệt, nhà trường còn tổ chức các trò chơi dân gian sôi nổi tạo sân chơi thu hút tất cả các em học sinh cùng tham gia. Tháng 10, có chủ đề, chủ điểm về An toàn giao thông lồng ghép phòng, chống tai nạn thương tích cho học sinh. Tháng 11 với chủ điểm "Mẹ và cô" tuyên truyền và khuyến khích học sinh tìm hiểu về Ngày Hiến chương nhà giáo, đồng thời có các hoạt động văn hóa văn nghệ, trò chơi dân gian, thi văn nghệ, báo tường theo chủ điểm. Tháng 12 với chủ điểm "Uống nước nhớ nguồn", nhà trường thường tổ chức cho các em đi thăm quan, ngoại khóa tại trường Đại học Lục quân, Học viện Phòng không Không quân, viếng lăng Bác... giúp các em học hỏi được nhiều điều bổ ích, tích cực tham gia các hoạt động tri ân các gia đình có công với cách mạng.
Bước sang học kỳ II của năm học, các chủ đề, chủ điểm mang ý nghĩa thiết thực cũng được nhà trường triển khai đến toàn thể học sinh. Trong đó có các chủ điểm chào mừng ngày thành lập Đoàn, Đội, kỷ niệm ngày sinh nhật Bác Hồ. Nhà trường cũng dành thời lượng lớn trong tiết chào cờ đầu tuần để cùng trao đổi, học tập, chia sẻ, giúp các em học sinh tìm hiểu ý nghĩa truyền thống, rèn luyện các kỹ năng về hoạt động Đội, tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, xây dựng các tiểu phẩm hoạt cảnh mang giá trị giáo dục. Cứ như vậy, các tiết sinh hoạt dưới cờ trở thành một hoạt động hấp dẫn thu hút học sinh. Bên cạnh giáo dục về truyền thống, lịch sử, thông qua các trò chơi, hệ thống câu hỏi, giao lưu văn hóa, văn nghệ... đã giúp các phát triển tư duy sáng tạo, giáo dục, trang bị nhiều kỹ năng cần thiết như kỹ năng phòng, chống cháy nổ, phòng, chống xâm hại tình dục, bạo lực học đường...
Thầy giáo Trần Xuân Nhân, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trong 40 phút của tiết chào cờ, có khoảng 10 phút để thực hiện phần nghi lễ, toàn bộ thời gian còn lại dành cho các hoạt động trải nghiệm. Từ đây, tiết chào cờ mang đến cho các em niềm hào hứng, tạo sự lắng đọng, khắc sâu vào tâm hồn trẻ. Các hoạt động trải nghiệm thực tế giúp giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng phòng vệ, mặt khác, qua đó trẻ sáng tạo hơn, tư duy hơn, phát triển kỹ năng giao tiếp ứng xử và các kỹ năng khác trong học tập, rèn luyện.
Kể từ năm học 2018 - 2019, mô hình đã được nhân rộng ở các trường của huyện Lạc Thủy và được Sở GD&ĐT đánh giá cao hiệu quả, tập huấn tuyên truyền và triển khai theo hướng nhân rộng trong toàn tỉnh.
Bùi Minh