Đoàn rước kiệu Thánh từ đền ra bãi hội tại Lễ hội Khai hạ Mường Bi (Tân Lạc) năm 2019.
Mỗi lễ hội có nét đẹp bản sắc, tín ngưỡng, truyền thống riêng mang dấu ấn của từng dân dộc, từng vùng miền, tiêu biểu như lễ hội Khai hạ Mường Bi (Tân Lạc), lễ hội Mường Động (Kim Bôi), lễ hội Mường Thàng (Cao Phong), lễ hội Đu Vôi (Lạc Sơn), Tết cơm Đe Mường Rậm (Yên Thủy), lễ hội Xên bản - Xên Mường của người Thái (Mai Châu), lễ hội Gầu Tào của đồng bào Mông (Mai Châu), lễ hội cầu mùa của người Tày (Đà Bắc), Tết nhảy, lễ cấp sắc của đồng bào Dao… Bên cạnh đó, tại các đền, chùa cũng tổ chức các lễ hội truyền thống vào dịp đầu năm để người dân đến du xuân, vãn cảnh, chiêm bái như: lễ hội chùa Tiên (Lạc Thủy), lễ hội đền Bờ (Đà Bắc), lễ hội đình Ngòi (TP Hòa Bình), lễ hội đình làng Vôi (Lạc Thủy), lễ hội đình Cổi (Lạc Sơn)…
Nét đặc trưng ở các lễ hội dân gian thường thể hiện sự kết nối của cộng đồng, tinh thần đoàn kết, gắn bó của một bản, một vùng. Trong lễ hội thường được chia thành 2 phần là phần lễ và phần hội. Với phần lễ thường được tổ chức trang trọng, tôn nghiêm, mang màu sắc tín ngưỡng; phần hội được tổ chức với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, các trò chơi dân gian, ẩm thực… Tùy theo từng vùng, từng dân tộc, phần thực hiện nghi lễ có khác nhau, nhưng mọi hoạt động đều được tổ chức trang nghiêm, thành kính, bày tỏ lòng tưởng nhớ, kính trọng tới tổ tiên, thần linh, những người có công dựng bản, dựng Mường để tạ ơn và cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, một năm mới ấm no, hạnh phúc, bình yên.
Khi nhắc đến các lễ hội đặc sắc của tỉnh, không thể không nhắc đến lễ hội khai hạ hay còn gọi là lễ xuống đồng, lễ mở cửa rừng, là lễ hội dân gian gắn liền với nền nông nghiệp lúa nước, mang nhiều dấu ấn của nền văn minh Việt cổ và hoạt động không thể thiếu của đồng bào Mường. Lễ hội Khai hạ khởi đầu cho một năm mới, vì sau nghi lễ này, người dân bắt tay vào làm công việc đồng áng hay vào rừng hái lượm, săn bắn… Trong đó, lễ hội Khai hạ Mường Bi được tổ chức vào ngày 7 - 8 tháng giêng hàng năm tại xã Phong Phú (Tân Lạc). Phần lễ được tổ chức trang nghiêm tại miếu thờ xóm Lũy Ải với nghi lễ cúng Thành Hoàng là Quốc mẫu Hoàng Bà và Tam vị Tản Viên Sơn Thánh. Sau khi thầy mo làm nghi lễ, đám rước kiệu gồm hơn 40 người, đi đầu là dàn cò ke, ống sáo, tiếp theo là đoàn chiêng, đoàn cờ, đoàn tế, các cụ cao niên và nhân dân rước Quốc mẫu Hoàng Bà ra sân vận động xã để vui hội. Tiếp theo đó, đoàn rước kiệu ra cánh đồng của xã thực hiện nghi thức xuống đồng đường cày đầu xuân với mong ước một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, bản làng no ấm. Rời khỏi không gian trầm mặc nơi miếu thờ, đoàn người trẩy hội trở về sân vận động để xem trình tấu chiêng Mường, thi ném còn, bắn nỏ, đẩy gậy, kéo co, đánh mảng, đi cà kheo... Tiếng chiêng vang ngân trong không gian rộn ràng càng làm không khí ngày hội thêm tưng bừng, náo nhiệt. Bên cạnh các trò chơi dân gian truyền thống, trong lễ hội còn tổ chức thi ẩm thực, già trẻ, gái trai của đất Mường Bi cùng trổ tài thi thố làm cho ngày hội thêm phần hấp dẫn. Những nét đẹp văn hoá truyền thống trong lễ hội Khai hạ đã tạo nên giá trị văn hoá độc đáo, mang đậm bản sắc văn hoá Hoà Bình.
Các lễ hội thường gắn liền với những đặc điểm cụ thể về địa lý, tự nhiên và đời sống xã hội của các cộng đồng dân cư tồn tại ở đây từ lâu đời. Việc khôi phục, bảo tồn, phát huy các lễ hội truyền thống, nhất là vào dịp đầu xuân không chỉ tôn vinh, bảo tồn giá trị lịch sử, văn hóa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân mà còn góp phần quảng bá, giới thiệu về bản sắc văn hóa các dân tộc tỉnh Hòa Bình đến du khách trong nước và quốc tế.
Hồng Ngọc