(HBĐT) - Năm Kỷ Hợi 2019 có lẽ là một năm khá bận rộn và cũng để lại nhiều cảm xúc với các nhà nhiếp ảnh chuyên và không chuyên nghiệp ở tỉnh Hòa Bình. Đó là bởi có đến 5 cuộc trưng bày, triển lãm ảnh được tổ chức trong tỉnh và khu vực miền núi phía Bắc. Mỗi cuộc thi, mỗi đợt triển lãm là dịp để các nhà nhiếp ảnh thể hiện tay nghề, góc nhìn nghệ thuật, tạo nên những kiệt tác làm say đắm lòng người.

 
Bức ảnh "Một thoáng Mường Vang" của nhiếp ảnh Đinh Hải khiến người xem yêu hơn, tự hào hơn về vùng đất, con người Hòa Bình.

Cùng các nghệ sỹ nhiếp ảnh của Hòa Bình lênh đênh trên lòng hồ thủy điện để sáng tác, tôi có dịp tìm hiểu rõ hơn về "nghề ảnh”. Trước những câu hỏi của tôi về nhiếp ảnh, ông Hoàng Lai, Chi hội trưởng Hội nhiếp ảnh Hòa Bình chia sẻ: Thông thường, ở điều kiện ánh sáng đẹp thì các lens có thông số tương đương sẽ cho ra hình ảnh không khác nhau quá nhiều, nhưng khi gặp ánh sáng phức tạp mới thấy được sự khác biệt. Có thể bạn chụp ảnh chân dung ngoài trời hay chụp ảnh sự kiện ban đêm thì ánh sáng là yếu tố cực kỳ quan trọng. Đối với ảnh chụp thiên nhiên, bạn cũng nên chụp có nội dung để người xem hiểu những gì mà họ đang thấy. Đặc biệt, trong ảnh phải chú ý đến khoảnh khắc và thời điểm. Bởi có những khoảnh khắc chỉ xảy ra rất ngắn và không xuất hiện lần hai, hay có những khoảnh khắc ở những khoảng thời gian cụ thể như hoàng hôn chiều tà tại địa điểm nào đó. Khi bức ảnh có hồn, được nhiều người cảm nhận được thì lúc đó bạn đã thành công, ông chốt lại: Yếu tố quyết định vẫn là niềm đam mê!.

Thật vậy, chính niềm đam mê đã làm nên tên tuổi nghệ sỹ nhiếp ảnh Hoàng Lai -  người ghi "nhật ký hình ảnh” về công trình Thủy điện Hòa Bình. Ông kể: Tôi may mắn được cầm máy ngay trong đợt ngăn sông Đà đợt I, ngày nổ mìn phá đê quai hạ lưu, ngày khởi động tổ máy số 1, ngày vận hành trạm 500 KV đầu nguồn, rồi Lễ khánh thành Nhà máy Thủy điện Hòa Bình. Tính chất công việc đòi hỏi tôi phải bám sát từng diễn biến trên công trường, ghi lại những khoảnh khắc đời thường nhất. Làm việc bất kể ngày đêm với chiếc máy ảnh thường trực trên tay, niềm đam mê với nhiếp ảnh đã ngấm vào máu tôi từ lúc nào không biết. Chỉ biết rằng trong khoảng 15 năm xây dựng công trình Thủy điện Hòa Bình, tôi đã có hàng chục nghìn tấm ảnh ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ. Thời điểm đó (những năm 1983 - 1993), những tấm ảnh kèm theo thông tin ngắn gọn của Hoàng Lai xuất hiện khá dày trên các mặt Báo Nhân Dân, Báo Quân đội Nhân dân như: bức ảnh "Thành công đợt đầu khoan phun xi măng vào thân đập”; "Đập tràn Nhà máy Thủy điện Hòa Bình khởi động đón lũ an toàn trong đêm đón lũ đầu tiên”; "Các chuyên gia Liên Xô làm việc hết mình trên công trường Thủy điện Hòa Bình”; "Phân xưởng bê tông đã sản xuất 2.000 m2 bê tông/ngày để phục vụ các hạng mục công trình trọng điểm trong chiến dịch thi đua chuẩn bị ngăn sông Đà đợt II”; "Tấm gương lao động sáng tạo của kỹ sư Vì Việt Dũng - đoàn viên TNCS Xí nghiệp Thủy công 3”... Không chỉ quanh quẩn với những cảnh sắc vốn đã thân quen trên công trình thủy điện Hòa Bình, từ khi công trình thủy điện Sơn La khởi công đến nay, ông đã 5 lần vác máy ảnh, ngược sông Đà để ghi lại những khoảnh khắc đẹp. Tính sơ sơ, nghệ sỹ Hoàng Lai đã 4 lần giành giải nhất cuộc thi ảnh nghệ thuật của tỉnh Hòa Bình, lần lượt đổi màu huy chương từ đồng, bạc, đến vàng trong các cuộc thi ảnh khu vực miền núi phía Bắc. Đặc biệt, bức ảnh đường hầm thủy điện Hòa Bình đã được chọn vào sách ảnh Việt Nam thế kỷ XX. 

Trong giới nhiếp ảnh Hòa Bình, ngoài nghệ sỹ Hoàng Lai, còn có nhiều tay máy nổi bật như: Thái Kiên, Vân Anh, Tào Khánh Loan, Trần Quốc Dũng, Hoàng Tâm, Đinh Hải, Nguyễn Xuân Thanh… Năm 2019 cũng là một năm khá thành công với nghệ sỹ nhiếp ảnh Nguyễn Xuân Thanh, Chi hội phó Hội nghệ sỹ nhiếp ảnh tỉnh Hòa Bình. Riêng với Cuộc thi Ảnh - video clip quảng bá Khu du lịch hồ Hòa Bình, nghệ sỹ Xuân Thanh đã có hàng chục tác phẩm đoạt giải. Trong đó, có 1 giải nhất thể loại ảnh với tác phẩm "Vịnh Hạ Long thu nhỏ”; 1 giải nhì thể loại video clip với tác phẩm "Bản sắc và hội nhập”. Bên cạnh đó, anh có tới vài chục bức ảnh đẹp được treo tại cuộc Giao lưu ảnh nghệ thuật Hòa Bình - Hà Giang; Liên hoan ảnh nghệ thuật "Hòa Bình - Đất nước, con người”; triển lãm tại Không gian trưng bày và trình diễn di sản văn hóa tiêu biểu các dân tộc tỉnh Hòa Bình trong khuôn khổ Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Hòa Bình năm 2019 và nhiều cuộc thi, giao lưu khác ở Khu vực trung du, miền núi phía Bắc. 
Với góc nhìn sáng tạo, nghệ sỹ Nguyễn Xuân Thanh đã thổi hồn vào những bức ảnh vốn là những khoảnh khắc rất dung dị của cuộc sống đời thường như: Tác phẩm "Tuổi thơ vùng cao” đặc tả nụ cười hồn nhiên, trong trẻo của những cô bé, cậu bé ở bản Mông xã Hang Kia (Mai Châu); tác phẩm "Trưa hè Mường Vó” là khoảnh khắc nghỉ ngơi của người dân lao động bên rặng tre già Mường Vó, xã Tân Lập (Lạc Sơn); không gian lễ hội được tôn lên rực rõ trong tác phẩm "Đu vôi” xã Liên Vũ (Lạc Sơn)...

Bàn về chuyện nghề, nghệ sỹ Xuân Thanh tâm sự: Đất và người Hòa Bình tươi đẹp lắm! Đó vừa là chất liệu, vừa là chất xúc tác để khơi nguồn cảm hứng sáng tạo cho những người cầm máy ảnh. Khi đã làm nghề nhiếp ảnh, ngoài việc xử lý ánh sáng, chọn góc chụp, điều quan trọng hơn cả là người chụp phải thổi vào khuôn hình nguồn cảm xúc. Trau chuốt, kỹ lưỡng đến vậy, nên nghệ sỹ Xuân Thanh đã tạo nên "thương hiệu” ảnh, video clip của riêng mình. Bằng cảm xúc, đam mê những nghệ sỹ nhiếp ảnh Hòa Bình đã lưu lại hàng ngàn khoảnh khắc đẹp về đất và người Hòa Bình cho hôm nay và mai sau.

Thúy Hằng

Các tin khác


Dịch bệnh do virus Corona: Hà Nội dừng các hoạt động ở phố đi bộ

Việc tạm dừng tổ chức các hoạt động tại hai không gian phố đi bộ nhằm hạn chế việc tập trung đông người, phòng tránh dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe cộng đồng.

Thịt chuột rừng – món ăn “đặc sản" của huyện vùng cao Đà Bắc

(HBĐT) - "Ngày xưa nghèo lắm, làm gì có sẵn thịt gà, thịt lợn như bây giờ. Thế nên, thịt chuột rừng trở thành món ăn "cứu đói”. Nó quen thuộc với chúng tôi như cây măng trên rừng vậy…” - Câu chuyện giữa chúng tôi với ông Lê Văn Sinh, Chủ tịch UBND xã Tân Pheo (Đà Bắc) trở nên thật thú vị khi ông kể về những chú chuột rừng. Được biết, thịt chuột rừng chính là món ăn đã "đi cùng năm tháng” với một số dân tộc thuộc huyện vùng cao Đà Bắc, trong đó, có cộng đồng người Dao xã Tân Pheo.

Lan tỏa phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở huyện Lạc Thủy

(HBĐT) - Những năm qua, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TD ĐKXDĐSVH) đã được các cấp ủy, chính quyền huyện Lạc Thủy quan tâm, chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Phong trào đã lan tỏa sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân, tạo nên không khí thi đua sôi nổi ở khắp các địa phương.

Nghệ sĩ với cảm xúc về mùa xuân và đất nước

Những nghệ sĩ lớn đã từng vào sinh ra tử trong chiến tranh, từng đi qua những chặng đường gian khó nhất của đất nước - họ càng thấm thía hơn ý nghĩa của hạnh phúc ngày hôm nay. Và dù ở bất cứ lĩnh vực nào, họ vẫn không ngừng lao động, cống hiến với một tâm thế, con người phải luôn vận động và chuyển mình. Nhân dịp đầu Xuân mới, chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng, họ đã có chút trải lòng hồi tưởng cùng chúng tôi…

Chương trình “Mùa xuân dâng Đảng” kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng

Tối 2-2, chương trình nghệ thuật "Mùa xuân dâng Đảng” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2020), đã diễn ra trang trọng tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục