Bìa tập thơ "Cất nắng" của tác giả Trần Quang Thạch.
Một tập thơ đầy đặn, có chất lượng, đa dạng đề tài, chủ đề, khi đón nhận, người đọc có chung một nhận xét: nếu không gặp tác giả sẽ lầm tưởng đây là tập thơ của người viết còn trẻ. Bởi mỗi câu thơ, bài thơ đều toát lên sự trẻ trung, tha thiết với cuộc đời, với quê hương, đất nước. Mỗi miền quê từng qua đều được tác giả quan sát, thể hiện bằng góc nhìn thân thương, ấm áp. Một người đi nhiều và có sự chia sẻ, thấu hiểu mỗi vùng đất, con người đã qua và "chưng cất" thành những vần thơ chan chứa yêu thương. Trên nền thể thơ quen thuộc như lục bát, thơ tự do, thơ 5 chữ, 6 chữ..., hầu hết các bài thơ đều dành "cái tôi trữ tình" để hướng về "cái chúng ta" rộng lớn. Cả tập thơ ít có bài soi rọi, mổ xẻ về nội tâm, hướng nội, mà đều là những cảm xúc hướng tới cuộc đời, cộng đồng.
Cũng vì xuất phát từ những tình cảm rất thật, không cầu kỳ trong diễn đạt, cấu tứ, nên những bài thơ của ông dễ chinh phục bạn đọc và lôi cuốn người đọc vào mạch cảm xúc của mình. Người đọc thích thú với một dòng sông Đà và thành phố quê hương hiện lên mờ ảo bằng ánh sáng của ký ức trong thơ ông. Có chút gì hoài niệm, bàng bạc nhưng lãng mạn, trong sáng và lấp lánh tin yêu. Trong bài Ký ức Đà Giang, bạn đọc thêm biết về một thị xã Hòa Bình năm xưa với nhịp sống đặc trưng: "Bến Đúng, Phương Lâm đò ngang hối hả/ Sớm chiều kẻ đợi, người mong/ Em sang sông đi vào nhà máy". Trong gian khó một thời vẫn tự tại, tươi nguyên tình yêu với thiên nhiên: "Dạo bước đêm hè ngắm trăng thanh". Đọc tập thơ, thấy sông Đà và các miền quê như là "nhân vật trữ tình" xuyên suốt trong nhiều bài thơ của ông. Mỗi cảnh huống, thời điểm mà ông "gặp" sông Đà đều tình cảm, tha thiết và đáng nhớ: "Sông Đà vẫn thức thâu đêm/ Nhớ chiều thu ấy hát câu ru hời/ Nhớ xưa bè gỗ ta ngồi/ Buông câu lục bát bồi hồi đợi em". Nhiều bài thơ thật trẻ trung từ đầu đề, cấu tứ đến cách diễn đạt, thể hiện. Cái tôi - tác giả trẻ trung luôn muốn đối diện, chiêm nghiệm với các nhân vật trữ tình, với "Về Mường em", "Anh đến thăm em", "Bản Lác quê em", "Cánh đồng Mường em", "Hương sắc quê em"... Đấy là những miền quê nên thơ, ấm áp, thẫm đẫm bản sắc văn hóa dân tộc đang chuyển mình trong cuộc sống mới hôm nay. Với cách gọi "em" thân tình như vậy, không khó để thấy tác giả đã cảm không chỉ bằng cảm tính nhất thời mà bằng cả những gắn bó sâu nặng với mỗi miền quê, những miền đất ông từng đến, từng qua. "Về Mường em chiêng, cồng đằm thắm/ Khúc Rằng thường, Bọ mẹng ngân nga/ Hoa của rừng say điệu xòe đêm hội/ Trăng nghiêng đỉnh núi vời vợi dân ca" (Về Mường em). Dù bằng góc nhìn, chiêm nghiệm của thời hiện tại nhìn về quá khứ qua tầng ký ức tươi thắm hay của chính ngày hôm nay..., mỗi vần của tác giả Trần Quang Thạch luôn có chừng mực, không quá lên gân, cường điệu trong thể hiện. Đấy cũng chính là một phẩm chất dung dị mà mỗi bài thơ cần đạt tới...
Trong tập thơ này, bên cạnh những bài thơ dành cho Hòa Bình - miền quê mà ông từng gắn bó, hay một số bài riêng tư (viết về cha mẹ, tặng con trai, cháu nội...), tác giả Trần Quang Thạch còn mở rộng hướng tới nhiều miền quê, vùng đất trên dải đất hình chữ S. Như một loạt bài về biển đảo, về Trường Sa thân yêu... (Biển Việt Nam, Xuân về đảo xa, Anh lính Trường Sa). Đọc những bài thơ của Trần Quang Thạch, bên cạnh ghi nhận chất trẻ trung, tha thiết với đời, với người, còn thấy trách nhiệm công dân của người cầm bút.
Tuy nhiên, nếu nhiều bài thơ tác giả quan tâm hơn nhiều đến việc đặt đầu đề thì sẽ đỡ gây cho người đọc sự so sánh không cần thiết. Bởi có những bài thơ ông đề tựa giống nhiều ấn phẩm nghệ thuật khác đã có đời sống trong cộng đồng như: "Hoa đất Mường", "Thương nhớ đồng quê", "Một mình", "Làng tôi", "Nơi anh gặp em", "Ký ức"...
Bùi Huy