Đài tưởng niệm những người đã hy sinh vì dòng điện cho Tổ quốc, trong đó có nhiều cán bộ, kỹ sư, chuyên gia đến từ nước Liên xô(cũ)
Trong khói hương nghi ngút, cả đoàn bị giọng đọc rủ rỉ âm trầm xứ Nghệ của anh chinh phục khi đọc dòng chữ "Tổ quốc ghi công các bạn”, cùng câu thơ của nữ thi sĩ Nga On-ga Bec-gôn vang lên như khắc sâu vào từng trái tim: "Không một ai bị quên lãng, không điều gì bị lãng quên”. 35 năm trước, anh là 1 trong hơn 300 lưu học sinh Việt Nam sang Liên Xô (cũ) du học. Anh từng có 1 năm học dự bị tiếng Nga ở thành phố Min-skơ, thủ đôBê-la-rút-xia, sau đó lên học ở Tổng hợp Kieps… Cũng gần 10 năm học, làm việc ở thời Liên Xô, chứng kiến nhịp sống nước Nga sau chính biến (năm 1991), trải qua cả sự cố Trec-nô-bưn của người trong cuộc, nên góc nhìn của anh về đất nước Xô viết một thời vẫn đầy sự trân trọng, nhân văn và ngưỡng mộ. 11 cái tên thuộc Liên Xô (cũ) được anh đọc trang trọng bằng giọng Nga đặc sệt, như điểm danh, đánh thức mỗi người chuẩn bị cho ngày lao động mới trên công trường sôi động, để rồi họ đã ngã xuống cho dòng điện sáng mãi, vươn xa…
Lại một điều không có sự sắp đặt, mà như cố ý: bữa liên hoan giữa anh và những người bạn diễn ra ở một nhà hàng thuộc khuôn viên làng chuyên gia Nga bên sông Đà. Nhạc cụ ghi ta gỗ, cùng cây đàn phong cầm chất nhạc Nga… Món ăn Nga khá đặc trưng: thịt hun khói, sa-lát Nga, trứng cá hồi, chút rượu vốt-ca… Câu chuyện của 35 năm trước được hồi tưởng như thước phim ký ức ngắn gọn nhưng đầy đủ, sâu sắc. Những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi hừng hực khí thế lần đầu đi máy bay, lần đầu đến đất nước Liên Xô vĩ đại. Họ đã được đến Quảng trường đỏ, thăm viếng Lăng Lê nin; học ở trường đại học danh tiếng có hàng trăm năm tuổi - Đại học Tổng hợp Lô-mô-nô-xốp; đã từng đắm say với những mùa thu vàng và ngỡ ngàng với những đêm trắng, cùng mùa tuyết trắng trắng trời đầu tiên… Điều tuyệt vời hơn là được gặp những người bạn Liên Xô nhân hậu, chí tình. Đó có thể chỉ là cô giáo người Nga, bà quản trị ký túc xá, hay những người bạn sinh viên sôi nổi… nhưng đều khiến lòng ấm áp trong những ngày xa đất nước. Nước mắt nhớ quê được thay bằng nụ cười, cùng sự quyết tâm chinh phục chân trời tri thức. Ở đó, họ được văn hóa Nga, tính cách Nga, con người Nga… nuôi dưỡng. Cho nên trong câu chuyện hôm nay, có cả những câu thơ bằng tiếng Nga của Puskin, Lermontov vang lên cùng những bài hát một thời "Địa chỉ của chúng tôi là Liên bang Xô viết”, "Chiều hải cảng”, "Tôi hỏi cây tần bì”. Những lời ca qua giọng hát ngôi sao nhạc nhẹ Pugatreva đã nâng bao người mạnh mẽ, vươn lên trong những lúc yếu đuối, cô đơn nhất trong cuộc đời. Và những bộ phim Nga đi vào cuộc đời mỗi con người cả khi còn niên thiếu cho đến khi đã trưởng thành như: "Bài ca người lính”, "Số phận con người”, "Đàn sếu bay qua thành phố”…
Sau hơn 35 năm, những người bạn từng đi du học Nga lại xúc động hồi tưởng qua từng câu chuyện, bài hát, lời thơ… Ánh sáng buổi đêm bàng bạc ngoài vườn kia, dù là ở Việt Nam, nhưng sao vẫn khiến mọi người nghĩ đến những cánh rừng bạch dương như đang lùi dần, lùi dần phía sau chuyến tàu liên vận năm nào. Ký ức đó không bao giờ nhạt nhòa, mất đi trong cõi nhớ mỗi người. Chắc chắn thế!