Suốt chặng đường 20 năm qua, các cuộc thi tiểu thuyết, truyện, ký về đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” do Bộ Công an phối hợp Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, đã dần trở nên gần gũi với giới sáng tác cũng như những người viết trẻ mới tiếp cận con đường văn nghiệp.
Một số tác phẩm đoạt giải trong cuộc thi tiểu thuyết, truyện, ký về đề tài "Vì An ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” lần thứ tư.
Những cuộc vận động sáng tác văn học ba năm một lần này, với mục đích thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền chính trị sâu rộng về cuộc sống chiến đấu gian khổ, nhiều hiểm nguy và không ít hy sinh của người chiến sĩ công an, vừa giúp định hình và phát triển vững chắc mảng đề tài văn học, liên quan đến lực lượng Công an nhân dân. Cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký lần thứ tư về đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” (giai đoạn 2017 - 2020), phát động từ tháng 8-2017. Trong hơn ba năm qua, Ban Tổ chức đã mời được nhiều nhà văn; các cây bút tiềm năng trong và ngoài lực lượng Công an nhân dân, tham dự và tham gia nhiều trại viết, tổ chức trên các miền đất nước, để cùng thực tế sáng tác ở các đơn vị cơ sở trong lực lượng Công an nhân dân.
Qua công tác "chăm sóc” tác giả và tác phẩm, nhiều tác phẩm chất lượng được manh nha hình thành, đánh dấu một diện mạo, sáng tạo mới… ở cuộc thi. Ban Tổ chức nhận được hơn 120 bản thảo tham dự và hưởng ứng. Sau vòng sơ loại, 88 tác phẩm gồm 78 tiểu thuyết, 10 truyện, ký vào sơ khảo. Kết quả, hạng mục tiểu thuyết, Giải A thuộc về các tác phẩm: "Phận liễu” của Chu Thanh Hương, "Rễ người” của Đoàn Hữu Nam; hạng mục truyện, ký, Giải A thuộc về tác phẩm "Đối mặt sói trắng” của Phan Thế Cải. Ban Tổ chức cũng trao năm Giải B, năm Giải C, tám Giải Khuyến khích cho các tác phẩm tiểu thuyết, truyện và ký khác. Tác giả được giải cao tuổi nhất cuộc thi là nhà văn Lương Sĩ Cầm (94 tuổi) và Đức Anh (27 tuổi) là tác giả trẻ tuổi nhất. Trong cuộc thi lần này, chủ yếu các tác giả tập trung sáng tác tiểu thuyết. Điều này chứng tỏ thể loại tiểu thuyết (đặc biệt tiểu thuyết ngắn, trên dưới 200 trang) đang chiếm sự quan tâm rất cao của các cây bút trên văn đàn. Tuy nhiên, việc sáng tác tiểu thuyết về đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” là một thách thức. Một trong những thách thức chính là địa bàn, phạm vi phản ánh thực tế rất rộng, không chỉ về hình tượng người chiến sĩ công an mà còn là những vấn đề đang diễn ra ở đời sống, liên quan đến tình hình an ninh trật tự và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Phản ánh đúng và trúng nhiệm vụ của một lực lượng là việc không dễ dàng, đòi hỏi phải có quá trình thực tế tìm tòi, nghiên cứu chuyên sâu từ người viết.
Các tác phẩm vào chung khảo được đánh giá có tính văn học cao, có tác giả đã viết bằng sự trải nghiệm đầy gắn bó với tác phẩm. Thí dụ, tiểu thuyết "Rễ người” của Đoàn Hữu Nam đoạt Giải A là tác phẩm có giá trị tư tưởng nhân văn về cội rễ cộng đồng và còn mang tính nghiên cứu, phổ cập phong tục bằng văn học. Ở "Đảo bạo bệnh”, tiểu thuyết đoạt Giải C của tác giả trẻ Đức Anh thể hiện khá hấp dẫn bằng kết cấu đan xen nhiều tuyến nhân vật, sự vật, nhưng chặt chẽ và hợp lý. Đây cũng là sự thử nghiệm, một dạng viết kết cấu theo lối mới cho thấy khả năng hư cấu sắc bén của một tác giả trẻ. Bên cạnh đó, còn có những tác phẩm đặc biệt khác như tác phẩm rất dày công sưu tập từ nhiều dữ liệu "sống” ("Đường 1C huyền thoại - Những bờ vai con gái”, Giải Khuyến khích của Trầm Hương). Tác phẩm kể về chiến công, sự hy sinh gian khổ của các chị em phụ nữ làm nên đường huyền thoại 1C, vận chuyển hàng trăm tấn vũ khí đạn dược phục vụ chiến trường Quân khu 9. Lần đầu tiên trong cuộc thi với chủ đề này, có một tác giả viết về lĩnh vực khoa học hình sự công an. Đó là tiểu thuyết "Những người nói hộ xác chết” của Thanh Sắc (tác phẩm vào chung khảo). Tiểu thuyết kể về nhiệm vụ gian khó của các chiến sĩ Công an nhân dân làm nhiệm vụ pháp y trong điều tra tội phạm. Tác phẩm này được kết cấu khá chặt chẽ, hành văn mạch lạc, kết thúc nhân văn và được đông đảo độc giả đón nhận.
Cuộc thi sáng tác văn học "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” lần thứ tư có thể đánh giá là đã thành công tốt đẹp. Những trang sách do cuộc thi đem lại mang nội dung tư tưởng và nghệ thuật góp phần tích cực vào công cuộc bảo vệ an ninh và bình yên cuộc sống của nhân dân. Đồng thời khẳng định những đóng góp lao động sáng tạo của các tác giả sáng tác văn học trong và ngoài lực lượng Công an nhân dân; là nguồn động viên không ngừng say mê sáng tạo nhiều tác phẩm và công trình văn học có giá trị, phục vụ đời sống tinh thần của cán bộ, chiến sĩ công an, góp phần nâng cao uy tín của lực lượng với bạn đọc cả nước.
Theo Báo Nhân dân
Hướng tới chào mừng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23-11-2020), Ban quản lý phố cổ Hà Nội phối hợp với CLB Đình làng Việt tổ chức các hoạt động nhằm tôn vinh áo dài truyền thống mang tên Ngày hội áo dài truyền thống Đình làng Việt.
Tối 15-11, tại Trung tâm Triển lãm và mỹ thuật Hải Phòng đã khai mạc chương trình "Những ngày văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Điện Biên tại thành phố Hải Phòng”.
Tối 15-11, Hội Nhà báo thành phố Đà Nẵng tổ chức phát động chương trình: "Hướng về Trà My - Quảng Nam" và đêm nhạc thiện nguyện "Quảng Nam yêu thương". Đêm nhạc đã được các nhà hảo tâm gửi về ủng hộ hơn 179 triệu đồng.
Tối 15/11, tại Nhà Văn hóa Lao động Công đoàn Đồng Tháp, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp tổ chức chương trình nghệ thuật gây quỹ ủng hộ đồng bào miền Trung với chủ đề "Chút tình gửi về miền Trung”. Chương trình đã nhận được hơn 1,3 tỷ đồng từ các đơn vị, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.
(HBĐT) - Trong nhóm những người bạn về với sông Đà mùa này, anh là người ít nói nhất, trái hẳn với bản tính sôi nổi trước đây… Có phải khởi đầu của chuyến về với thành phố bên dòng sông Đà là thăm Nhà máy Thủy điện Hòa Bình - công trình tiêu biểu của tình hữu nghị Việt Nam - Liên Xô và Đài tưởng niệm những người ngã xuống vì dòng điện của Tổ quốc…