(HBĐT) - Lại ngẫu nhiên gặp anh Nguyễn Việt, một đồng nghiệp ở Hà Nội (chuyên viết về văn hóa - du lịch) tại TP Hưng Yên. Anh có một nhận xét: "Thành phố này đẹp và hiện đại, phát triển từng ngày, nhưng quý nhất là nơi đây vẫn giữ được nét xưa cũ của một thời "Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến…”. Trước đây, biết Hưng Yên qua câu chuyện lịch sử Triệu Quang Phục và đầm Dạ Trạch, rồi qua cuốn tiểu thuyết "Nhãn đầu mùa” (Xuân Tùng - Trần Thanh), món tương Bần nổi tiếng mỗi lần qua phải mua chút về làm quà… Đến Hưng Yên lần thứ 2, câu nói đó như động lực thôi thúc cần phải khám phá, tìm hiểu "Hưng Yên xưa” vẫn còn hiện hữu trong cuộc sống sôi động hôm nay.
Hồ Bán Nguyệt, điểm nhấn của Phố Hiến xưa trong lòng thành phố Hưng Yên (Hưng Yên) hôm nay.
Phố Hiến, TP Hưng Yên (Hưng Yên) ngày nay từng là một thương cảng nổi tiếng sầm uất ở Đàng Ngoài vào thế kỷ XVI - XVII, sánh ngang bằng với Hội An ở Đàng Trong. Thời ấy, Phố Hiến có một đô thị trải dài dọc bờ tả ngạn sông Hồng. Tại văn bia ở chùa Thiên Ứng, dựng năm Vĩnh Tộ thứ 7 (năm 1625 đời vua Lê Thánh Tông) ghi rằng: "Phố Hiến nổi tiếng trong 4 phương là một tiểu Tràng An”. Lời văn bia ấy, cùng với câu ca dân gian: Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến, càng như khẳng định sự phát triển hưng thịnh một thời ở nơi đây. Thương cảng này từng là nơi buôn bán, giao thương tấp nập, nhộn nhịp "trên bến dưới thuyền” với các thuyền buôn nước ngoài. Hiện nay, quần thể di tích Phố Hiến còn 128 di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật, trong đó có 16 di tích và cụm di tích được xếp hạng cấp quốc gia với hàng nghìn cổ vật có giá trị… xứng tầm là khu di tích quốc gia đặc biệt. Bất cứ ai đến nơi đây đều muốn đến thăm, tìm hiểu, chiêm bái: Chùa Chuông, Văn Miếu Xích Đằng, đình An Vũ, Đông Đô Quảng Hội, đền Kim Đằng, đền Nam Hòa, đền Mẫu, đền Trần, đình -chùa Hiến, đền Thiên Hậu, Võ Miếu, đền Cửu Thiên Huyền Nữ, đền Bà Chúa Kho, chùa Phố, chùa Nễ Châu…
Văn Miếu Xích Đằng thuộc phường Lam Sơn, được khởi dựng từ thời Lê, được trùng tu xây dựng năm Minh Mạng thứ 20 (1839) với tổng diện tích gần 6.000m2. Văn Miếu Xích Đằng là biểu tượng tôn vinh truyền thống hiếu học của người Hưng Yên, là nơi tập trung tinh hoa, trí tuệ, thể hiện tinh thần tôn sư trọng đạo của người Hưng Yên xưa và nay. Hiện, Văn Miếu còn lưu giữ một số hiện vật quý, trong đó giá trị lớn nhất là 9 tấm bia đá ghi danh 161 vị đỗ đại khoa của trấn Sơn Nam xưa. Đây là những tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh được chạm khắc hoa văn phong phú, tinh xảo, uyển chuyển, tỉ mỉ đến từng chi tiết.
Xuôi về phía Nam là Phố Hiến cổ với cụm di tích đình - chùa Hiến (phường Hồng Châu), vốn rất thu hút khách du lịch. Trước sân chùa Hiến có hai tấm bia đá dựng năm 1625 và 1709, ghi lại quá trình tụ cư của thương cảng Phố Hiến xưa. Chùa còn nổi tiếng có cây nhãn Tổ niên đại hơn 300 năm tuổi, đây là cây nhãn đường phèn, mã lụa, cùi dày, quả to, hương vị thơm ngon đặc sắc, xưa hay để tiến Vua. Giống nhãn ngon và quý khiến nhà bác học Lê Quý Đôn từng thốt lên: "Mỗi lần bỏ vào miệng thì tận trong răng lưỡi đã nảy ra vị thơm tựa như nước thánh trời cho”… Đi trong lòng Phố Hiến hôm nay thấy như cuộc sống sôi động ngày xưa hiện về, dẫu những dãy phố cũ, thương điếm của người Anh, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Nhật Bản… không còn. Nhịp sống phố thị hiện đại trôi chảy có tác động mạnh mẽ vào dấu tích xưa. Nhưng di tích đặc biệt quốc gia này vẫn là điểm đến, hội tụ của mỗi du khách khi đã có ấn tượng về vùng đất trấn Sơn Nam xưa… Mỗi dịp đầu năm, hoặc các dịp lễ hội trong năm, Phố Hiến lại dập dìu khách thập phương; nghe tiếng chuông chùa nơi miền cổ tích, ngắm trăng đêm trên hồ Bán Nguyệt, nghe một giọng ca Trù đâu đây, cảm nhận tình đất - tình người Hưng Yên thật ấm áp. Khu di tích đặc biệt Phố Hiến đã góp phần để Hưng Yên mỗi năm đón 1 triệu lượt du khách đến thăm (gấp 4 lần so với năm 2010). Phố Hiến - vùng đất có sức hút kỳ lạ.
Bùi Huy
Tối 19/11, tại Hà Nội, Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam tổ chức sự kiện ra mắt tác phẩm "Đi trốn” và giao lưu với tác giả Bình Ca. Sự kiện có sự tham dự của nhiều nhà văn, nhà thơ và đông đảo bạn đọc.
Suốt chặng đường 20 năm qua, các cuộc thi tiểu thuyết, truyện, ký về đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” do Bộ Công an phối hợp Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, đã dần trở nên gần gũi với giới sáng tác cũng như những người viết trẻ mới tiếp cận con đường văn nghiệp.
(HBĐT) - Ngày 18/11, Bộ TT&TT phối hợp với Bộ VH-TT&DL, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức trao Giải Báo chí với chủ đề "Văn hóa ứng xử”. Đến dự có lãnh đạo Bộ TT&TT, Bộ VH-TT&DL, Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ GD&ĐT và đại diện lãnh đạo các cơ quan báo chí các tỉnh, thành phố tham gia giải.
Sáng 18/11, tại Cung Văn hoá hữu nghị Hà Nội, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã tổ chức khai mạc hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam – VITM Hà Nội 2020.
"Đời giáo dở khóc dở cười” là tác phẩm mới nhất mà NXB Phụ nữ Việt Nam giới thiệu tới bạn đọc nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11. Tác giả của cuốn sách là Colm Cuffe, một giáo viên tiểu học nhiệt huyết, yêu nghề và cũng là một họa sĩ hóm hỉnh, hài hước.
NXB Văn học giới thiệu "Nghề vương bụi phấn”, tác phẩm thứ ba của tác giả Nguyễn Huy Du, gồm những câu chuyện về tình thầy trò với văn phong mộc mạc, giản dị nhưng lôi cuốn, nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11.