Cách đây mười năm, vào 20 giờ 30 phút ngày 31-7-2010, theo giờ địa phương tại Brazil (tức 6 giờ 30 phút ngày 1-8-2010, giờ Việt Nam), Ủy ban Di sản thế giới thuộc UNESCO đã thông qua Nghị quyết công nhận Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long là Di sản văn hóa thế giới.
Sự kiện này diễn ra sau 1.000 năm kể từ khi Vua Lý Thái Tổ ban Thiên đô chiếu, quyết định định đô tại Thăng Long. Những giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản được ghi nhận dựa trên ba đặc điểm nổi bật: Chiều dài lịch sử văn hóa suốt 13 thế kỷ; tính liên tục của di sản với tư cách là một trung tâm quyền lực; các tầng di tích, di vật đa dạng, phong phú, sinh động.
Tại lễ kỷ niệm, các vị đại biểu đã thực hiện nghi thức dâng hương tưởng nhớ các vị tiên đế có công với đất nước.
Thay mặt Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thủ đô, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã đọc diễn văn khẳng định, Thủ đô Hà Nội là thành phố có bề dày lịch sử nghìn năm, nơi hội tụ, kết tinh và lan tỏa các giá trị văn hóa dân tộc Việt Nam.
Trải qua bao biến thiên, thăng trầm của lịch sử, Thăng Long - Hà Nội vẫn lưu giữ trong mình những di tích lịch sử văn hóa quý giá, những giá trị văn hóa độc đáo, những làng cổ, làng nghề truyền thống đậm nét văn hóa Việt. Trong đó, Hoàng thành Thăng Long là di sản vô cùng quý báu của dân tộc, là minh chứng cho lịch sử hào hùng của Thăng Long - Hà Nội.
Đúng vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Hoàng thành Thăng Long đã trở thành tài sản của nhân loại. Nhìn lại hành trình di sản của Hoàng thành Thăng Long chúng ta càng biết ơn những thế hệ đi trước đã dày công vun đắp nền văn hiến, để lại cho hậu thế một di sản nhân loại hôm nay.
Đồng chí Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, 10 năm qua, thực hiện những cam kết của Chính phủ với UNESCO, UBND TP Hà Nội đã tập trung chỉ đạo Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, tranh thủ sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu để bảo tồn, phát huy giá trị di sản, từ việc mở cửa khu di sản, đưa di sản tiếp cận rộng rãi tới công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ; mở rộng nghiên cứu khoa học, nghiên cứu khai quật khảo cổ học; xây dựng kế hoạch quản lý và quy hoạch bảo tồn dài hạn... đến đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong công tác nghiên cứu bảo tồn, phát huy giá trị, với những bước đi vững chắc và bài bản.
Đồng chí cũng cho biết, TP Hà Nội sẽ tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong gìn giữ di sản Hoàng thành Thăng Long, chú trọng vào các mục tiêu: Nhất thể hóa quản lý di tích, di vật theo cam kết với Ủy ban Di sản thế giới; tập trung triển khai các dự án thành phần theo quy hoạch được phê duyệt; hoàn thiện Đề án nghiên cứu phục dựng Điện Kính Thiên; đẩy mạnh chương trình giáo dục di sản cho thế hệ trẻ; tăng cường các hoạt động phát triển du lịch bền vững, đóng góp hiệu quả vào công cuộc xây dựng Thủ đô văn minh, giàu đẹp.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, thay mặt Ủy ban UNESCO Việt Nam đánh giá cao những thành tựu mà Hà Nội đạt được trong bảo tồn, phát huy giá trị Hoàng thành Thăng Long.
Đồng chí đề nghị, thành phố Hà Nội và Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tiếp tục thúc đẩy triển khai các nội dung còn lại trong cam kết của Chính phủ Việt Nam với UNESCO năm 2010, để nâng cao các uy tín quốc tế của Việt Nam với tổ chức UNESCO, trách nhiệm của Việt Nam với cộng đồng thế giới; mở rộng hợp tác với các nhà khoa học trong và ngoài nước nhằm sưu tầm các tài liệu, triển khai công tác mô phỏng tái hiện không gian xưa và tiến tới nghiên cứu việc phục dựng Điện Kính Thiên; đồng thời, đẩy mạnh hợp tác giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức cá nhân, khai thác, phát huy hiệu quả hơn nữa các di sản văn hóa, di sản tư liệu thế giới của Việt Nam được UNESCO công nhận.
Nhân dịp này, UBND TP Hà Nội đã trao bằng khen, giấy khen cho những tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong bảo tồn, phát huy giá trị Hoàng thành Thăng Long thời gian qua.
10 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị Hoàng thành Thăng Long
Chiều 23-11, tại Di tích Hoàng thành Thăng Long, UBND TP Hà Nội phối hợp Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế "10 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long”.
Tại Di tích Hoàng thành Thăng Long, ngoài một số kiến trúc hiện hữu trên mặt đất như di tích Cột Cờ, Đoan Môn, Thềm rồng Điện Kính Thiên, Hậu Lâu, Cửa Bắc... còn số lượng lớn các dấu tích kiến trúc xuất lộ qua khai quật khảo cổ học hiện đang bảo tồn tại chỗ. Các di tích ở những lớp văn hóa khác nhau chồng lên nhau là chứng cứ cho thấy đây là trung tâm chính trị, văn hóa quan trọng của nước ta từ thành Vạn Xuân thế kỷ VI, phủ thành Tống Bình, phủ thành An Nam thế kỷ VII - IX, kinh đô của nước Đại Việt qua các thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn từ thế kỷ XI đến XIX. Các hiện vật, phế tích kiến trúc tìm được còn cho thấy hệ thống cung điện, lầu gác đồ sộ, đồng thời, bổ sung kiến thức quan trọng vào hiểu biết về nền kiến trúc, mỹ thuật Việt Nam truyền thống.
Cách đây 10 năm, vào tháng 8-2010, Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Khu Di sản Hoàng thành Thăng Long mang trong mình những giá trị nổi bật toàn cầu, không chỉ có giá trị quốc gia, dân tộc mà còn mang tầm vóc của nhân loại. Từ đó đến nay, UBND TP Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động để thực hiện các cam kết của Chính phủ Việt Nam với UNESCO về nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long. Trong đó, đã thực hiện nhiều cuộc khai quật để nhận diện rõ hơn diện mạo Hoàng thành Thăng Long qua các thời kỳ; tích cực hợp tác quốc tế để tìm giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị; tổ chức nhiều hoạt động thường xuyên để giới thiệu giá trị Hoàng thành Thăng Long; đưa Hoàng thành Thăng Long trở thành điểm du lịch hấp dẫn...
Hội thảo đã thu hút 40 tham luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các nhà bảo tồn, quản lý… thuộc các Viện, Trung tâm nghiên cứu, các trường đại học, cơ quan quản lý văn hóa, bảo tàng và các Di sản văn hóa thế giới trong và ngoài nước gửi đến hội thảo. Một số chuyên gia Nhật Bản, Pháp gắn bó lâu năm với Hoàng thành Thăng Long do tình hình dịch bệnh Covid-19 không đến Việt Nam tham dự, nhưng vẫn gửi bài tham luận tới Hội thảo.
Các tham luận đề cập đến nhiều lĩnh vực từ nghiên cứu, bảo tồn, bảo quản, phục dựng… di tích di vật trong các khu di sản, cũng như kinh nghiệm quản lý, quảng bá, tuyên truyền và phát huy giá trị di sản. Các tham luận tập trung vào hai chủ đề chính: Tổng kết, đánh giá kết quả 10 năm nghiên cứu Di sản Văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội (từ năm 2010 đến năm 2020), định hướng nghiên cứu phục dựng các công trình kiến trúc; Quản lý bền vững các khu di sản ở Việt Nam và thế giới - kinh nghiệm và định hướng phát huy giá trị văn hóa phi vật thể và giáo dục di sản.
Ngoài vấn đề bảo tồn, nhiều ý kiến đề xuất cần sớm phục dựng một số hạng mục kiến trúc cổ trong Hoàng thành, tăng cường hoạt động trưng bày, triển lãm, giáo dục di sản để đưa giá trị Hoàng thành gần gũi hơn với công chúng, sớm đưa toàn bộ khu Di sản Hoàng thành Thăng Long thống nhất quản lý bởi UBND TP Hà Nội...
Theo NhanDan