Gần đây, sự việc ba bộ phim Việt Nam được Nhà nước đầu tư kinh phí: Những người viết huyền thoại, Mùi cỏ cháy, Vũ điệu đam mê phát trên ứng dụng xem phim trực tuyến Netflix mà các cơ quan chức năng không hề hay biết, đã khiến vấn đề mua - bán bản quyền gây xôn xao dư luận.
Một cảnh trong phim Mùi cỏ cháy đang được phổ biến trên Netflix.
Không rõ ràng dẫn đến rắc rối
Cục Ðiện ảnh thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTT và DL) cho rằng, phim được Nhà nước đầu tư kinh phí thuộc sở hữu Nhà nước, vì vậy mọi vấn đề liên quan đến bản quyền phải được sự đồng ý của Bộ. Tuy nhiên, giấy phép phổ biến ba bộ phim trên lại ghi Chủ sở hữu bản quyền là Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam, nay là Công ty cổ phần đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam (VFS). Ngày 10-12-2020, Cục Ðiện ảnh gửi công văn tới Thanh tra Bộ VHTT và DL và VFS về việc ba bộ phim: Những người viết huyền thoại, Mùi cỏ cháy, Vũ điệu đam mê do Bộ VHTT và DL, Cục Ðiện ảnh đặt hàng sản xuất, sử dụng 100% vốn Nhà nước, việc khai thác và sử dụng phải được sự đồng ý của Bộ VHTT và DL, Cục Ðiện ảnh. Cục Ðiện ảnh đề nghị Thanh tra Bộ, VFS kiểm tra, xem xét việc cung cấp các bộ phim trên cho đơn vị phát hành. Trả lời Cục Ðiện ảnh, VFS cho rằng, trong giấy phép phổ biến ba bộ phim đều ghi rõ Chủ sở hữu bản quyền là Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam, nay là VFS, kèm điều khoản cho phép phổ biến phim rộng rãi tới mọi đối tượng trong và ngoài nước. Với mong muốn quảng bá tác phẩm điện ảnh Việt Nam tới công chúng, VFS đã hợp tác cùng Công ty TNHH Tfilm Studio có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh để đưa phim lên nền tảng Netflix. VFS cũng gửi tới Cục Ðiện ảnh bản sao các giấy phép phổ biến phim: Những người viết huyền thoại giấy phép số 14/GPPBP-CÐA/2013 VN ngày 19-8-2013; Mùi cỏ cháy giấy phép số 11/GPPBP-CÐA/2011 VN ngày 2-12-2011; Vũ điệu đam mê giấy phép số 17/GPPBP-CÐA/2010 VN ngày 6-7-2010. Trong văn bản trả lời Cục Ðiện ảnh, Công ty TNHH Tfilm Studio khẳng định đơn vị này trực tiếp cấp quyền phát trên ứng dụng xem phim trực tuyến cho Netflix ba bộ phim đã nêu dựa trên cơ sở hợp đồng hợp tác chuyển nhượng quyền phát sóng phim điện ảnh ký kết với VFS. Theo kế hoạch của hai bên, sắp tới sẽ có tám bộ phim điện ảnh tiếp tục được phổ biến trên Netflix, gồm: Sóng ở đáy sông, Một giờ làm quan, Bến không chồng, Hà Nội mùa đông năm 1946, Sơn ca trong thành phố, Chiến dịch trái tim bên phải, Của rơi, Ðường thư.
Trong cuộc họp giữa đại diện Thanh tra Bộ VHTT và DL, Cục Ðiện ảnh và VFS vào ngày 22-12-2020, Thanh tra Bộ nhấn mạnh, để có cơ sở xem xét, đề nghị Cục Ðiện ảnh và VFS cung cấp các tài liệu, hồ sơ của ba bộ phim nêu trên, gồm: Quyết định của cơ quan quản lý nhà nước về việc đặt hàng sản xuất phim từ nguồn ngân sách nhà nước, hợp đồng đặt hàng sản xuất phim, các tài liệu có liên quan đến quá trình sản xuất, quyền sở hữu, phát hành, giấy phép phổ biến phim. VFS có nhiệm vụ rà soát lại để xác định quyền sở hữu liên quan đến các bộ phim do Nhà nước đặt hàng sản xuất trước khi phát hành, phổ biến theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời cung cấp các hợp đồng liên quan đến phát hành, phổ biến ba bộ phim trên với Công ty TNHH Tfilm Studio, tài liệu liên quan tới trình chiếu phim trên nền tảng Netflix và các tài liệu liên quan.
Bày tỏ quan điểm về sự việc này, một số chuyên gia điện ảnh cho rằng, ở giai đoạn trước đây, khi Nhà nước chưa có chủ trương về việc cổ phần hóa các đơn vị sản xuất phim do Bộ VHTT và DL quản lý, Hãng phim truyện Việt Nam là doanh nghiệp 100% vốn sở hữu Nhà nước thì việc ghi trong giấy phép phổ biến phim nội dung "Chủ sở hữu bản quyền: Hãng phim truyện Việt Nam" tuy chưa chặt chẽ như quy định của Luật Ðiện ảnh và các quy định liên quan, nhưng thực tế vẫn thuộc Nhà nước quản lý, ủy quyền cho Hãng phim (đơn vị sản xuất) trực tiếp thực hiện công tác khai thác, phát hành và phổ biến phim; việc đơn vị chủ động khai thác, xử lý các nguồn thu phải được thực hiện theo nội dung văn bản của cơ quan quản lý nhà nước (quyết định, hợp đồng…) và pháp luật hiện hành. Ðể giải quyết sự việc, cần rà soát các văn bản pháp lý liên quan đến quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam; xác định quyền khai thác sử dụng các tác phẩm điện ảnh do Hãng phim sản xuất từ năm 1959 (năm thành lập Hãng phim) đến khi thực hiện cổ phần hóa. Bởi nếu hiểu như đại diện VFS hiện nay, đơn vị này sẽ được toàn quyền khai thác, phát hành, phổ biến toàn bộ tác phẩm điện ảnh do Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất trong hơn 60 năm qua từ nguồn ngân sách Nhà nước.
Thời gian gần đây, hàng loạt phim trong nước từng chiếu rạp được phổ biến trên nền tảng Netflix, như: Cưới ngay kẻo lỡ, Quý cô thừa kế, Ngủ với hồn ma, Bẫy rồng, Sài Gòn bước nhảy, Dòng máu anh hùng, Hai Phượng… Khác biệt ở chỗ, những phim này do các đơn vị tư nhân sản xuất, chủ sở hữu phim thuộc về cá nhân, tổ chức đầu tư tài chính cho nên vấn đề bản quyền đã được xác định theo các quy định của pháp luật hiện hành. NSƯT Bùi Tuấn Dũng, đạo diễn phim Những người viết huyền thoại chia sẻ, một tác phẩm điện ảnh được phổ biến rộng rãi trên không gian mạng, cá nhân người làm phim và nhà quản lý rất mừng. Tuy nhiên, những nguồn thu từ tài sản trí tuệ nên được trả cho cơ quan quản lý để những người từng lao động thật sự có quyền lợi.
Nguy cơ từ phổ biến phim trên không gian mạng
Trong Hội nghị - Hội thảo "Ðóng góp ý kiến xây dựng dự thảo Luật Ðiện ảnh (sửa đổi)" vấn đề phổ biến phim trên không gian mạng (Ðiều 19 dự thảo) thu hút nhiều tranh luận, nhất là khâu bản quyền, cấp phép phổ biến phim. Trong năm 2020, nhiều trang web xem phim lậu đã bị chặn, nhưng lập tức xuất hiện nhiều trang mới để tiếp tục hoạt động khiến nhiều nhà phát hành bất bình. Vụ trưởng Pháp chế, Bộ VHTT và DL Lê Thanh Liêm cho biết, Bộ rất quan tâm đến vấn đề bản quyền phim, nhất là trên không gian mạng. Tuy nhiên, việc phát hiện vi phạm không đơn giản. Tại Việt Nam, tổng số thuê bao truyền hình trả phí qua in-tơ-nét từ các nền tảng xuyên biên giới như: Netflix, Apple TV, WeTV của nước ngoài đang cung cấp tại Việt Nam lên tới khoảng một triệu thuê bao, doanh thu ước tính gần 1.000 tỷ đồng. Riêng thuê bao của Netflix tính trong quý I-2020 tăng khoảng 60% so với cùng kỳ năm 2019. Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, Netflix có nhiều nội dung vi phạm quy định pháp luật Việt Nam về báo chí, điện ảnh, trẻ em, phản ánh sai sự thật lịch sử, xuyên tạc về chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, có nội dung bạo lực... Bộ Thông tin và Truyền thông đang cùng Bộ VHTT và DL chuẩn bị quy chế phối hợp liên ngành nhằm tăng cường bảo vệ tốt bản quyền. Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất cần sửa đổi Nghị định 06/2016/NÐ-CP về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình để quản lý các nền tảng xuyên biên giới.
Trở lại vấn đề ba bộ phim Việt Nam đang phổ biến trên Netflix, nhiều ý kiến cho rằng, với sự bất cập, lỏng lẻo, thiếu thống nhất trong hệ thống văn bản quy định hiện nay, không chỉ ba bộ phim mà sẽ có rất nhiều tác phẩm điện ảnh do Nhà nước đặt hàng bị khai thác tràn lan. Tại Việt Nam, hiện chỉ có một đơn vị có chức năng lưu chiểu, lưu trữ phim và bảo quản các tư liệu điện ảnh; khai thác và phổ biến các tư liệu điện ảnh theo quy định của pháp luật là Viện phim Việt Nam, đặc biệt đối với nguồn phim do Nhà nước là chủ sở hữu. Nhưng, thực tế, với cách làm việc cảm tính, tùy tiện, các bản phim vẫn rải rác ở nhiều đơn vị khác. VFS sau khi tiếp quản thành quả điện ảnh của Hãng phim truyện Việt Nam cũng đang sở hữu khối lượng lớn các bản phim, song, chưa có đầu mối nào trực tiếp chịu trách nhiệm rà soát, kiểm tra hiện trạng bảo quản, lưu giữ các kho phim dạng này. Bên cạnh đó, những năm gần đây, trong nước còn xuất hiện hàng loạt kênh xem phim trên nền tảng in-tơ-nét tự ý phát hành phim và thu lợi, trong đó nhiều tác phẩm điện ảnh do Nhà nước đầu tư toàn bộ kinh phí. Như vậy, ngoài vấn đề nhức nhối liên quan tới bản quyền, khai thác, điện ảnh còn cần hướng đi lâu dài, bền vững để quảng bá thành tựu điện ảnh nước nhà tới công chúng. Cụ thể hơn, các cơ quan chức năng cần tăng cường xác định vai trò, nhiệm vụ trong quản lý điện ảnh để từ đó đưa ra hướng tổng hợp, rà soát lại các tác phẩm, nhanh chóng xây dựng nền tảng số phục vụ khâu quản lý, phát hành, quảng bá. Nhiều quốc gia trong khu vực đã xây dựng thành công nền tảng số với hệ thống phim đồ sộ, trong đó có mảng phim chiếu miễn phí và thu phí. Về vấn đề này, Cục Ðiện ảnh cho biết, được sự đồng ý của Chính phủ, Bộ VHTT và DL, Cục sẽ triển khai nền tảng số để phổ biến rộng rãi kho phim truyện, tài liệu, khoa học, hoạt hình và tư liệu do ngành quản lý, phù hợp nhu cầu của đông đảo công chúng và thời kỳ chuyển đổi số mạnh mẽ; thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 1755/QÐ-TTg ngày 8-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Báo Nhân Dân
HBĐT) - Thị trấn Cao Phong (Cao Phong) không chỉ là địa phương mạnh về kinh tế mà còn có phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng, thể dục, thể thao nổi bật, với nhiều nhân tố tích cực, tiêu biểu, đóng góp cho các phong trào của huyện, tỉnh.
Hàng loạt nghệ sĩ hài trong 'gia đình nhà Táo' vừa loan tin vui năm nay sẽ lên chầu. Sau một năm tạm dừng, chương trình 'Táo quân - Gặp nhau cuối năm' trở lại phát sóng vào đêm 30 tết.
(HBĐT) - Bùi Văn Minh ở xóm Mận, xã Văn Sơn (Lạc Sơn) là thầy mo trẻ (sinh năm 1970), nhưng anh được xếp thứ hạng nhất, nhì trong hệ thống các ông mo Mường ở Hòa Bình. Năm 2015, anh được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú về loại hình tập quán xã hội và tín ngưỡng, được nhiều tổ chức di sản trong nước, quốc tế tặng các danh hiệu danh dự, bảng vàng ghi danh. Năm 2020, thầy mo Bùi Văn Minh tiếp tục được tỉnh tôn vinh, giới thiệu đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân.
(HBĐT) - Chiều 8/1, Thường trực Hội nhà báo tỉnh đã tổ chức họp, bàn kế hoạch tổ chức Hội báo Xuân Tân Sửu - Hòa Bình 2021. Dự họp có đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch; Sở Giáo dục và Đào tạo; Hội Văn học- Nghệ thuật tỉnh; UBND thành phố Hòa Bình, đại diện các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Nguyễn Mạnh Tuấn, Tổng Biên tập Báo Hòa Bình, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh chủ trì cuộc họp.
(HBĐT) - Huyện Cao Phong vừa tổ chức tổng kết 5 năm thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, giai đoạn 2016 - 2020.