Sáng 12/12, Văn phòng Quốc hội thông tin tới các cơ quan thông tấn báo chí: Vào ngày 17/12, tại tỉnh Bắc Ninh, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư và các đồng chí lãnh đạo đại diện Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Bắc Ninh sẽ chủ trì Hội thảo văn hóa 2022 với chủ đề "Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”.
Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cung cấp thông tin tới báo chí tại cuộc họp báo.
Có 105 tham luận gửi đến hội thảo
Theo ông Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Hội thảo văn hóa 2022 là diễn đàn để các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức có liên quan và các nhà quản lý, nhà khoa học trong, ngoài nước tham gia báo cáo, thảo luận nhằm làm rõ các căn cứ lý luận, thực tiễn. Trên cơ sở đó, đề xuất, kiến nghị hoàn thiện thể chế, chính sách và các giải pháp đẩy mạnh việc huy động, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho bảo tồn, phát triển văn hóa theo chủ trương, đường lối của Đảng. Việc tổ chức Hội thảo cũng hướng tới kỷ niệm 80 năm Đề cương Văn hóa Việt Nam (1943 - 2023).
Dự kiến có khoảng hơn 800 đại biểu tham dự trực tiếp. Ngoài ra Hội thảo còn kết nối trực tuyến tại một số điểm cầu và qua nền tảng internet với sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia văn hóa trong và ngoài nước. Đã có 105 tham luận gửi đến hội thảo. Tham dự Hội thảo sẽ có các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước; lãnh đạo các cơ quan Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố, các Bộ, ngành liên quan; đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố, trực thuộc trung ương; các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong nước và quốc tế; đại diện một số doanh nghiệp, hiệp hội hoạt động trong lĩnh vực văn hóa và liên quan tới văn hóa.
Hội thảo gồm 2 phiên (phiên chuyên đề và phiên toàn thể) với 3 nhóm nội dung chính: Thể chế, chính sách và nguồn lực phát triển văn hóa. Mỗi phiên sẽ có một báo cáo trung tâm, các tham luận và phần thảo luận của các diễn giả, chuyên gia (phần thảo luận với hình thức trao đổi, thảo luận bàn tròn).
Trong phiên chuyên đề, Hội thảo sẽ nghe phát biểu khai mạc của lãnh đạo Quốc hội, phát biểu đề dẫn của lãnh đạo Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, báo cáo của các bộ, ngành Trung ương, ý kiến tham luận và thảo luận của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo các địa phương, cơ sở đào tạo về văn hóa, nghệ thuật, các chuyên gia về quan điểm, đường lối của Đảng về phát triển văn hóa, về thực trạng bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa và những vấn đề đặt ra qua các góc nhìn khác nhau.
Trong phiên toàn thể, Hội thảo sẽ tiếp tục nghe phát biểu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các báo cáo đánh giá về chính sách, pháp luật và nguồn lực cho phát triển văn hóa; kinh nghiệm quốc tế của một số nước và ý kiến tham luận, thảo luận của lãnh đạo một số địa phương, các chuyên gia trong nước, quốc tế, doanh nghiệp.
Trong khuôn khổ Hội thảo, có triển lãm về văn hóa, nghệ thuật vùng Kinh Bắc tại sảnh Hội trường chính.
Phát triển văn hóa là trách nhiệm của toàn xã hội
Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết: Với việc tổ chức Hội thảo văn hóa 2022, Ban Tổ chức hy vọng góp phần đẩy mạnh thể chế hóa đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật cụ thể và triển khai các nguồn lực một cách thiết thực, hiệu quả để xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hoá thật sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Theo bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, liên quan đến vấn đề đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa nghệ thuật, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang hoàn thiện dự thảo trình Chính phủ liên quan đến vấn đề này. Ngoài ra, Bộ cũng rất quan tâm đến thực trạng sắp xếp cán bộ làm công tác văn hóa ở địa phương, bởi việc sắp xếp này vẫn còn nhiều bất cập có liên quan đến vấn đề đào tạo, bố trí việc làm đúng chuyên ngành cán bộ làm công tác văn hóa…
Đề cập đến lĩnh vực người làm văn hóa có tính chất đặc thù, bà Trịnh Thị Thủy cho biết: Hiện nay về chính sách đặc thù cho các văn nghệ sĩ, vẫn còn bất cấp, vấn đề đãi ngộ cho diễn viên múa, xiếc… cũng còn hạn chế. Chính vì vậy Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xây dựng dự thảo Nghị định về chính sách đãi ngộ những người làm công tác văn hóa có tính chất đặc thù.
Trả lời câu hỏi của phóng viên báo Tin tức đề cập về việc phát triển văn hóa là nhiệm vụ chính trị, là trách nhiệm chung chứ không phải chuyện riêng của ngành văn hóa, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thủy Thủy đồng tình với ý kiến phóng viên nêu. Bà Thủy nhấn mạnh: Nếu chỉ xác định là của riêng ngành văn hóa thì sẽ không giải quyết được những khó khăn, điểm nghẽn về thể chế, chính sách cho phát triển văn hóa. Do đó, để khơi dậy tối đa các nguồn lực trong xã hội quan tâm và phát triển văn hóa, bà Trịnh Thị Thủy cho rằng cần quan tâm đến một số vấn đề như: Thể chế, cơ chế chính sách về phát triển văn hóa phải lấy con người làm trung tâm, cải thiện điều kiện hưởng thụ văn hóa của nhân dân, nghiên cứu có cơ chế, chính sách phù hợp giữa các khu vực, vùng miền…
Cũng theo bà Trịnh Thị Thủy, các địa phương cần có những giải pháp phát triển văn hóa gắn với bảo tồn văn hóa. Đây là vấn đề cốt lõi không riêng của ngành văn hóa mà của cả hệ thống chính trị. Thông qua hội thảo này, các cơ quan chức năng tiếp tục xác định xây dựng văn hóa là chủ trương, chính sách lớn, cụ thể hóa việc bảo tồn giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; tiếp tục bàn thảo về những chính sách chung, huy động nguồn lực của cả hệ thống chính trị, gắn văn hóa với phát triển du lịch, gắn với công nghiệp văn hóa…
Ông Vương Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết: Thời gian qua, Bắc Ninh đã có chính sách riêng với các nghệ nhân, nhất là nghệ nhân quan họ cao tuổi. Tỉnh Bắc Ninh chi ngân sách thường xuyên và dành nguồn lực cho văn hóa cao gấp 2 lần so với bình quân chung của cả nước.
"Việc Bắc Ninh đăng cai tổ chức Hội thảo văn hóa 2022 với chủ đề "Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” nhằm cụ thể hóa trong việc phát triển công nghiệp văn hóa. Bắc Ninh luôn là điểm đến hấp dẫn bởi địa phương có nhiều di tích văn hóa nên Bắc Ninh đã chuẩn bị sẵn sàng về cơ sở vật chất để hỗ trợ cho Hội thảo này thành công”, ông Vương Quốc Tuấn nhấn mạnh.
Hội thảo sẽ được truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam, kết nối với một số điểm cầu trong cả nước và phát trực tuyến trên nền tảng Internet. Ngôn ngữ sử dụng tại Hội thảo bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Sau khi Hội thảo kết thúc, Ban Tổ chức sẽ in Kỷ yếu Hội thảo.
Theo Báo Tin tức
(HBĐT) - Người Mông của tỉnh sinh sống chủ yếu ở 2 xã Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu). Trang phục truyền thống của người Mông được sử dụng nhiều kỹ thuật thủ công và kỹ thuật tạo hình hoa văn độc đáo. Đó là kỹ thuật thêu, dệt, ghép vải, ghép kim loại, kỹ thuật in sáp ong. Sự phong phú về kỹ thuật không chỉ phản ánh giá trị của trang phục mà còn phản ánh trình độ sáng tạo, kỹ thuật thủ công và khả năng thẩm mỹ của đồng bào dân tộc.
Sau nhiều năm nỗ lực nghiên cứu, lập và trình hồ sơ, hệ thống ma nhai (văn tự khắc trên vách đá) tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn vừa được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
(HBĐT) - Ngày nhỏ, chiều xuống, dường như lần nào tôi cũng hỏi dì: "Cánh chuồn về ngủ ở đâu”. Rồi sống đến nửa cuộc đời tôi cũng không biết tăm tích giấc ngủ của những cánh chuồn ấy. Chỉ biết là, khuất nẻo bờ suối về phía rừng. Còn tôi, tôi phải theo dì về dưới làng của mẹ. "Rừng thiêng nước độc” có thứ lá giết chết cả con trâu mộng, đá nhọn hoắt sắc như tai mèo. Nhưng, trên ấy là quê cha tôi. Làng gác núi, rừng quấn quýt với đồng cũng bởi một dòng suối bình thản trong mát. Suối cũng như tôi, như một vương nợ, một day dứt giữa làng với núi.
(HBĐT) - Hàng năm, vào ngày 26/10 âm lịch, người dân Mường Rậm, xã Lạc Thịnh (Yên Thủy) lại tổ chức Tết cơm đe theo truyền thống.
(HBĐT) - Không chỉ thực hành trong các phong tục, nghi lễ truyền thống, sinh hoạt keng loóng được đồng bào dân tộc Thái ở huyện Mai Châu bảo tồn và trở nên phổ biến trong đời sống, nhất là vào những ngày vui, dịp lễ hội. Đồng thời, trở thành hình thức trình diễn nổi bật phục vụ hoạt động du lịch và các sự kiện văn hoá.