(HBĐT) - Hòa Bình có nhiều dân tộc cùng sinh sống, trong đó, dân tộc Mường chiếm 63% dân số toàn tỉnh. Những năm qua, nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp đã bảo tồn, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường như: các làn điệu dân ca, ngôn ngữ, ẩm thực, nhà sàn, trò chơi dân gian, trang phục truyền thống. Trong đó, trang phục của dân tộc Mường mang đặc trưng, nét đẹp riêng. Trong cuộc sống hiện đại, trang phục truyền thống dân tộc Mường vẫn luôn được nâng niu, tôn vinh.


Trang phục truyền thống của dân tộc Mường mang đặc trưng, nét đẹp riêng. Ảnh: Nam nữ diễn viên trong trang phục truyền thống biểu diễn văn nghệ tại sự kiện lớn của huyện Tân Lạc. 

Bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Mường gồm áo, váy, yếm, mũ, bộ tênh cùng đồ trang sức kèm theo. Áo có 2 loại là áo ngắn (áo pắn, loại áo mặc bên ngoài, sử dụng thường ngày, được may ngắn thân, độ dài vừa chấm eo lưng, cổ tròn, xẻ ngực, đa phần không có khuy, ống tay dài, bó sát cánh tay) và áo dài (áo chùng, tương tự như áo ngắn nhưng dài đến đầu gối, phía dưới hơi xòe rộng, hai vạt áo buông tự do, tạo cảm giác mềm mại, không phổ biến, chỉ mặc trong dịp lễ hội). Yếm (áo báng) mặc bên trong áo ngắn, may hình vuông, phần trên được khoét tròn ôm khít cổ, có 2 dây để buộc sau gáy, hai phần bên cũng có dây để buộc ra sau lưng.

Váy gồm 2 phần chính là cạp váy (phần thân trên từ ngang hông trở lên là bộ phận nổi bật trên trang phục) và thân váy (phần thân dưới tiếp giáp với cạp váy đến gấu váy). Phần trên cùng của cạp váy (người Mường gọi là rang trên) có hoa văn trang trí là hình học, rộng 20 cm. Tiếp đến là rang dưới được dệt với màu đỏ, vàng nổi trên nền màu đen, hoa văn hình động vật, có các dải ngăn cách bằng hoa văn hình chong chóng. Phần dưới cùng của cạp váy nối với thân váy gọi là cao, chiều rộng khoảng 10 - 15 cm, được dệt các sọc màu, mỗi sọc to, nhỏ khác nhau. Thân váy dài, chủ yếu màu đen, được khâu nối với phần cạp váy rồi khâu thành hình ống to gấp đôi thân người. Phần cạp váy ôm sát ngực vừa là điểm nhấn tạo nên nét duyên dáng cho người phụ nữ Mường, vừa thể hiện sự khéo léo của người mặc.

Đi đôi với váy là bộ tênh (khăn thắt ở eo) thường bằng vải đũi màu xanh hoặc vàng, dài hơn sải tay, khâu nối hai đầu, thắt giữa eo, trên nền cao váy để làm nổi bật eo người mặc; bộ xà tích bằng bạc được móc vào bộ tênh từ bên hông đeo vòng về phía trước (chỉ đeo trong dịp lễ hội). Chiếc khăn trắng đội trên đầu (bít trôốc), thể hiện cho sự chung thủy của người phụ nữ Mường, gắn với sử thi "Đẻ đất, đẻ nước”. Chiếc nút thắt của khăn nằm ở vị trí phía trên búi tóc thể hiện sự yên bình, chỉ những phụ nữ đã lập gia đình mới chít khăn trên đầu. Ngày nay, bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Mường đã được điều chỉnh để phù hợp hơn, may gọn nhẹ, dễ mặc nhưng vẫn giữ nguyên được giá trị, bản sắc và cấu trúc của bộ trang phục. 

Khác với trang phục của phụ nữ, bộ trang phục của đàn ông Mường khá đơn giản, áo ngắn hoặc áo dài, màu chàm, cài khuy, quần dài, rộng, thắt lưng quấn quanh cạp, đầu búi, quấn khăn dài, đầu khăn giắt sang hai bên, sau này cũng có dùng khăn xếp quấn như của người Kinh.

Xóm Lũy Ải, xã Phong Phú (Tân Lạc) được biết đến là làng Mường cổ ở tỉnh ta, còn lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Theo giới thiệu của cán bộ văn hóa - xã hội xã Phong Phú, chúng tôi gặp chị Đinh Thị Đưn, Chi hội trưởng chi hội phụ nữ xóm Lũy Ải - người hiểu biết về trang phục truyền thống dân tộc Mường. Chị Đinh Thị Đưn chia sẻ: "Ở lễ hội Khai hạ Mường Bi, tất cả mọi người tham gia vào các nghi thức và hoạt động đều phải mặc trang phục truyền thống của dân tộc Mường. Đây là dịp bảo tồn, gìn giữ, giới thiệu bản sắc văn hóa của dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình đến với khách du lịch trong và ngoài tỉnh, đồng thời cũng là dịp tôn vinh trang phục truyền thống của dân tộc”.

Linh Nhật

Các tin khác


Báo Hòa Bình gặp mặt cán bộ hưu trí nhân dịp Xuân Quý Mão 2023

(HBĐT) - Nhân dịp Xuân Quý Mão 2023, ngày 13/1, Báo Hòa Bình đã tổ chức buổi gặp mặt cán bộ hưu trí của cơ quan. Tham dự buổi gặp mặt còn có lãnh đạo các xã Hợp Tiến (Kim Bôi), Tân Vinh và Nhuận Trạch (Lương Sơn) là những địa bàn mà lãnh đạo Báo Hòa Bình được BTV Tỉnh ủy phân công phụ trách.

Người dân huyện Mai Châu dựng cây nêu đón Tết

(HBĐT) - Việc dựng cây nêu mỗi dịp Tết đến, xuân về là nét văn hóa truyền thống. Trong không khí hân hoan đón Tết cổ truyền tại huyện Mai Châu, phong trào dựng cây nêu được người dân tích cực hưởng ứng, làm cho cảnh quan ngày Tết càng thêm tươi đẹp.

Đau đáu phong vị Tết xưa!

(HBĐT) - Tết đến xuân về là dịp để mọi người tạm gác lại công việc, những bộn bề lo toan trong cuộc sống, để những người con xa quê trở về đoàn tụ… nên dẫu ở tuổi nào mỗi người con đất Việt cũng đều trông mong Tết. Nhưng sự háo hức, trông mong Tết đến, xuân về ở mỗi lứa tuổi khác nhau. Trong khi thế hệ con cháu mong Tết để được nghỉ học, nghỉ làm để ở nhà lướt web, xem phim hay đi du lịch… thì thế hệ ông bà, cha mẹ lại luôn đau đáu với hương vị Tết xưa!

Tổng kết công tác Văn học nghệ thuật năm 2022

(HBĐT) - Ngày 12/1, Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết công tác VHNT năm 2022, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 và kết nạp hội viên mới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục