(HBĐT) - Dù chỉ có mấy mẹ con nhưng bà Bùi Thị Chín ở khu tái định cư (TĐC) xóm Nhụn, xã Yên Phú (Lạc Sơn) cũng gói chục cái bánh chưng, thêm ít bánh uôi, bánh ống, chuẩn bị thịt để đón Tết. Cũng như nhiều nhà ở trong xóm, gia đình bà vừa hoàn thiện xong căn nhà ở khu TĐC."Về nơi ở mới, đón một mùa xuân mới với một khởi đầu mới thì Tết cũng phải tươm tất hơn xưa chứ”, nở nụ cười tươi trên khuôn mặt lam lũ, bà Chín mở lòng.


Khu tái định cư xóm Nhụn, xã Yên Phú đã và đang được xây dựng khang trang, hiện đại, hình thành một khu "phố” mới trên vùng đất Mường Vang (Lạc Sơn). 

Niềm vui nơi "phố” mới

Không chỉ có gia đình bà Chín mà ngay từ khi đầu "chạp”, cả trăm nóc nhà ở khu TĐC xóm Nhụn lúc nào cũng rổn rảng tiếng cười nói. Nhà mừng vì vừa dọn về ngôi nhà mới khang trang, rộng rãi; nhà thì mừng vui đón con cháu từ nơi xa về, nhà tất bật lo dọn dẹp, thi công nốt phần việc còn lại để chuẩn bị đón Tết... Nhìn về phía những ngôi nhà xây theo kiểu cách, thiết kế mới, hiện đại, ông Quách Văn Thỏn, Trưởng khu TĐC xóm Nhụn cười mãn nguyện: Tết này là tôi vừa tròn 60 tuổi. Trước đây nằm mơ tôi cũng không thể hình dung được có ngày người dân trong xóm lại đổi thay, lột xác như thế này. Trước kia cuộc sống khốn khó, cả xóm có trên trăm hộ dân nhưng cũng chẳng có mấy người xây được nhà kiên cố, nói gì đến chuyện xây được những ngôi nhà khang trang, hiện đại và rộng rãi như thế này.
Theo trưởng xóm Quách Văn Thỏn, sau khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án xây dựng hồ chứa nước Cánh Tạng, 105 hộ của xóm được chuyển về khu TĐC. Đến nay, từ nguồn tiền hỗ trợ GPMB của Nhà nước, đã có 95/105 hộ xây dựng nhà ở khu TĐC. Ngoài các hộ xây dựng nhà theo phong cách mới, hiện đại thì có đến hơn một nửa hộ dân vẫn chọn xây dựng nhà sàn bê tông giả gỗ để gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. 

Với hạ tầng giao thông, hệ thống chiếu sáng công cộng được đầu tư đồng bộ, khu TĐC xóm Nhụn đã "vươn tầm” trở thành khu "phố” mới khang trang, hiện đại của vùng đất Mường Vang. Nói như ông Thỏn thì: Với mật độ xây dựng và các ngôi nhà khang trang, hiện đại san sát nhau, giờ đây khu TĐC xóm Nhụn không khác gì một "phố” mới hiện đại.

Ngồi bên cửa voóng ngôi nhà sàn bê tông giả gỗ vừa hoàn thiện còn thơm mùi sơn, ông Quách Văn Dức và ông Bùi Văn Nhựng nhấm nháp chén nước chè trải lòng: Như thế này với chúng tôi là mãn nguyện lắm rồi. Trước kia, cuộc sống lam lũ, vất vả đâu có dám nghĩ đến lúc sẽ được thảnh thơi thế này.

Trò chuyện với chúng tôi, đồng chí Bùi Văn Tưởng, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Phú chia sẻ: Thực hiện dự án xây dựng hồ chứa nước Cánh Tạng, xã Yên Phú có trên 200 hộ ở các xóm Trắng Đá và Nhụn bị ảnh hưởng trực tiếp phải di dời để thực hiện TĐC. Trong đó, xóm Trắng Đá có 100 hộ, xóm Nhụn có 105 hộ. Chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, 100% hộ dân ở Yên Phú đã di dời đến nơi ở mới. Đến nay, hầu hết các hộ sau khi di chuyển đã ổn định cuộc sống. Phần lớn các hộ đã xây dựng xong nhà cửa kiên cố. Điều đáng mừng nhất là các gia đình đều có đời sống cao hơn nơi ở cũ.

Nỗ lực xây dựng cuộc sống mới

Đồng chí Bùi Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Sơn cho biết: Quá trình triển khai dự án xây dựng hồ chứa nước Cánh Tạng, toàn huyện có 596 hộ tại các xã: Yên Phú, Văn Nghĩa, Bình Hẻm bị ảnh hưởng phải thực hiện TĐC. Để sớm đảm bảo cuộc sống người dân, huyện đã cùng các ngành, các cấp tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng 8 khu TĐC cho người dân. Tính đến nay, 8 khu TĐC gồm: Cuốc, Rộc, Khi (Bình Hẻm), Nhụn, Đồng Xe (Yên Phú), Kén, Sào 1, Sào 2 (Văn Nghĩa) ở các xã bị ảnh hưởng đã cơ bản hoàn thành, đón hộ dân đến ở. 

Cũng như khu TĐC xóm Nhụn, ở khu TĐC xóm Kén (Văn Nghĩa) trong thời điểm cuối năm, các hộ dân gấp rút hoàn thiện nhà để chuyển về ở trước khi đón năm mới 2023. Là khu TĐC đã được đầu tư đồng bộ về hệ thống hạ tầng nên các hộ đã xây dựng nhà khang trang, bề thế. Khu TĐC xóm Kén có hơn 120 lô, trung bình mỗi hộ được bố trí 400m2 đất ở, hiện đã có hơn 100 hộ nhận đất và xây dựng nhà ở. Anh Bùi Văn Chi, một trong những hộ đã thực hiện TĐC ở xóm Kén cho biết: Sau khi Nhà nước thu hồi đất, gia đình tôi được đền bù hơn 1 tỷ đồng tiền đất đai, hoa màu. Nhận đất tại khu TĐC, gia đình yên tâm ở nơi mới vì có tiền để xây dựng nhà khang trang hơn, điện, nước sinh hoạt được đầu tư đầy đủ.

Cũng như gia đình anh Chi, là một trong những hộ dân đang gấp rút hoàn thiện ngôi nhà 3 tầng khang trang ở khu TĐC xóm Kén để dọn về ở trước Tết Nguyên đán 2023, ông Bùi Văn Chiến cho biết: Gia đình tôi nhận được gần 3 tỷ đồng tiền đền bù. Với khoản tiền này, gia đình xây ngôi nhà mới 3 tầng để ở. Ngoài phần để xây nhà, gia đình cũng để dành ra một phần làm vốn phát triển kinh tế, ổn định đời sống về lâu dài. Trước mắt, gia đình tôi cũng như các hộ khác tập trung vào việc "an cư” ở nơi TĐC mới, tiếp đó mới tính đến chuyện "lạc nghiệp”.

Trên thực tế, đây cũng là trăn trở của cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh, huyện đến địa phương và từng hộ gia đình. Theo đồng chí Bùi Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Sơn: Để thực hiện dự án hồ chứa nước Cánh Tạng, Nhà nước đã thu hồi GPMB gần 900 ha đất các loại. Trong đó chủ yếu là đất sản xuất của các hộ dân. Nhiều xóm mất hoàn toàn đất trồng lúa, đất sản xuất nông nghiệp và đất rừng. Trong khi cuộc sống của các hộ khi chưa phải di chuyển để TĐC chủ yếu sống bằng sản xuất nông, lâm nghiệp. Việc tạo sinh kế sau khi bị thu hồi đất là "bài toán” khó, trăn trở của địa phương.

Đồng chí Bùi Văn Tưởng, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Phú cho biết thêm: Quá trình thực hiện dự án hồ Cánh Tạng, hơn 100 hộ dân xóm Nhụn đều nằm ở khu vực lòng hồ. Do vậy, khi thực hiện GPMB, người dân đã phải nhường lại toàn bộ đất đai. Đến giờ hầu hết các hộ không còn đất sản xuất. Tương tự như vậy, người dân xóm Trắng Đá nằm ở khu vực đập đầu mối nên việc thi công, xây dựng cũng bị ảnh hưởng. Sau khi di chuyển, hầu hết các hộ dân đều không còn đất sản xuất. 

Xung quanh vấn đề này, đồng chí  Bùi Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Sơn cho biết: Bài toán sinh kế cho hơn 500 hộ dân bị ảnh hưởng thu hồi đất và phải thực hiện TĐC là vấn đề huyện đặt ra ngay từ khi dự án còn "nằm trên giấy”. Với chủ trương đảm bảo cho người dân TĐC có mức sống bằng hoặc cao hơn so với nơi ở cũ, cấp uỷ Đảng, chính quyền quyết tâm tạo điều kiện tốt nhất để giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống cho người dân. Huyện đã phối hợp với các sở, ngành chủ động tổ chức các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn để giúp con em tìm việc làm sau TĐC. Trước mắt, huyện đã chỉ đạo các xã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng mở các lớp dạy nghề cho bà con. Từ năm 2020 đến nay, thực hiện quan điểm chỉ đạo của huyện, các xã đã phối hợp mở hơn 10 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn. Trong đó, chủ yếu đào tạo nghề nuôi cá lồng với định hướng sau này có thể tận dụng diện tích mặt nước để nuôi cá lồng. Bởi huyện xác định sau khi hồ chứa nước hoàn thành sẽ có diện tích mặt nước lớn, có thể phát triển nghề nuôi cá lồng và phát triển kinh tế rừng. Cùng với đó, huyện tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư để thu hút các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, du lịch vào địa bàn. Từ đó tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn. "Rút kinh nghiệm, bài học thực tiễn ở nhiều địa phương, đối với các hộ dân sau khi nhận tiền đền bù, chúng tôi trực tiếp xuống tuyên truyền, vận động bà con sử dụng một phần tiền để làm nhà ổn định cuộc sống, phần còn lại bà con nên gửi vào ngân hàng để có vốn đầu tư làm ăn”, đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Sơn chia sẻ. 

Rời các khu TĐC, "phố” mới đã ở lại sau lưng, anh bạn nói như chỉ để cho một mình mình nghe: Từ nay đất Mường Vang có thêm nhiều "phố” mới. An cư rồi sẽ lạc nghiệp. Đó là sự khởi đầu mới trên vùng đất này. 


Mạnh Hùng

Các tin khác


Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Báo Nhân Dân ra mắt MV Kenny G "Going Home" quảng bá du lịch Việt Nam

Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV "Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc Going Home tại các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024

Ngày 17/4, tại Nhà Văn hoá huyện Lạc Sơn, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lạc Sơn tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục