(HBĐT) - Một bên là mênh mang sông nước, phía còn lại là trùng điệp núi non hùng vỹ. Thiên nhiên đã "vẽ” nên huyện vùng cao Đà Bắc thành một bức họa đa sắc màu. Vùng cao mỗi độ Tết đến xuân về với những vạt đào, vườn mận bung nở trắng cả góc rừng.


Người dân xã Toàn Sơn (Đà Bắc) chăm sóc đàophục vụ thị trường dịp Tết Quý Mão 2023.

Ngược vùng cao ngắm mận, đào bung nở

Những năm qua, huyện Đà Bắc được đầu tư nhiều nguồn lực phát triển KT-XH, đẩy nhanh công cuộc giảm nghèo. Trong đó,  hạ tầng giao thông đã và đang được chú trọng đầu tư, coi đó là động lực để Đà Bắc vượt khó. Trong năm 2022, một số dự án giao thông quan trọng đã được triển khai thực hiện. Những con đường mới mở là gam màu sáng trong bức tranh đầy xuân sắc của huyện.

Chúng tôi có dịp trở lại xã vùng cao Yên Hoà vào một ngày cuối năm, trên hành trình đầy khởi sắc đã "cởi bỏ” được nhiều nỗi vất vả khi con đường mới từ xã Cao Sơn đi Yên Hoà được đưa vào sử dụng. Bí thư Đảng ủy xã Quách Công Khang cho biết, với con đường này, quãng đường từ thị trấn Đà Bắc đi Yên Hòa giảm gần 20 km, thời gian di chuyển chỉ mất một giờ đồng hồ. 

Ngày cận Tết, tiết trời se lạnh, những tia nắng ấm len lỏi qua nhành lau trắng. Trên những sườn đồi là sắc xanh của rừng keo, bồ đề, trẩu, xoan. Đến Yên Hoà có thể cảm nhận được nhịp sống vùng cao ngày càng nhộn nhịp. Đây là xã vùng cao nhưng được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho một thung lũng khá rộng lớn, bằng phẳng, khí hậu mát mẻ quanh năm. Trong thung lũng này, bà con trồng khoảng 10 ha mận nên mỗi độ Tết đến, cả vùng đất ngập trong sắc trắng tinh khôi của hoa. 

Đi ngược về xã Đoàn Kết, ngay ở khu vực trung tâm xã, nhiều hộ trồng đào ở xung quanh nhà. Chị Xa Thị Thìn, người dân xã Đoàn Kết chia sẻ, khoảng 4 - 5 năm trở lại đây, vào dịp Tết, nhiều tư thương tìm mua đào rừng nên gia đình chị và bà con đã tận dụng diện tích đất ở vườn, hàng rào để trồng đào. Trong hai năm (2020 - 2021), ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc tiêu thụ đào khó khăn, nhưng bù lại, những cây đào phát triển nhanh, nở đỏ rực khắp xóm. Hiện, đa số các hộ dân nơi đây đều trồng đào trước nhà, chủ yếu trồng để làm cảnh, trưng vào dịp Tết.  

Từ Tân Minh ngược lên Tân Pheo, Giáp Đắt, Mường Chiềng, Đồng Chum, Nánh Nghê, những cây đào rừng đã bung nở đón Tết cổ truyền. Rừng trẩu cũng nở hoa trắng xóa, xen giữa những bãi ngô, nương lúa… làm cho hương sắc núi rừng Đà Bắc thêm phần quyến rũ đến lạ.

Mênh mang núi, sông hùng vỹ

Đà Bắc đẹp, vẻ đẹp hoang sơ của trùng điệp núi non và sông nước. Từ những tiềm năng đó, những năm qua, huyện đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng với những cái tên đã dần xuất hiện trên bản đồ du lịch, điển hình như xóm Sưng (xã Cao Sơn). Đặc biệt, phát triển du lịch ở các bản làng vùng ven lòng hồ Hòa Bình đang được chú trọng, là mục tiêu hàng đầu huyện hướng tới, khi mà hồ Hòa Bình được quy hoạch là Khu du lịch quốc gia. Cuối năm, những bụi lau, bụi chít ở các sườn núi trĩu hoa xuống lòng hồ, ấy cũng là thời điểm lý tưởng để khám phá vẻ đẹp của thiên nhiên và con người ở vùng lòng hồ Hòa Bình. Con đường từ thị trấn Đà Bắc đi Hiền Lương đã được mở rộng thuận lợi. Tuyến từ Hiền Lương đi Vầy Nưa, Tiền Phong cũng sẽ sớm được thi công. 

Sau những năm tháng vất vả "vén nhà theo con nước”, đến nay, những xóm, bản của bà con người Mường, người Dao ven lòng hồ ở huyện Đà Bắc đang dần thay đổi. Nhiều ngôi nhà mới khang trang mọc lên, những lồng cá "xếp hình” vuông vắn trên mặt hồ là một trong những yếu tố dẫn đến sự đổi thay đó. Sau quãng thời gian khó khăn vì dịch Covid-19, nay nụ cười đã trở lại với người nuôi cá lồng trên vùng lòng hồ thơ mộng. Như chia sẻ của ông Xa Văn Mong, một hộ nuôi hàng chục lồng cá ở xóm Dưng, xã Hiền Lương: Từ đầu năm 2022 đến nay, đầu ra của cá lồng đã thuận lợi, giá bán cao đã đem lại thu nhập ổn định cho bà con. Tết này no ấm hơn nhờ nuôi cá lồng. 

Đến với vùng lòng hồ, không chỉ được trải nghiệm không gian mênh mông của sông nước với nhấp nhô những đảo to, đảo nhỏ, mà còn khám phá những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc Mường, Dao, Tày. Xóm Lau Bai, bản làng của bà con người Dao ở xã Vầy Nưa thơ mộng trong những ngày cận Tết. Xóm tái định cư này được xây dựng trên một quả đồi, mặt tiền hướng ra vùng lòng hồ Hòa Bình rộng lớn. Từ Lau Bai có thể phóng tầm mắt ra xa để ngắm nhìn cả một vùng hồ rộng mênh mông với những "vịnh” nhỏ được tạo thành từ những dãy núi ngập trong nước. Tiếp tục hành trình về Tiền Phong vẫn là cảnh sông, núi đan xe với những mái nhà sàn ẩn hiện. Nơi đây có xóm du lịch cộng đồng Đá Bia (nay là xóm Đức Phong) nổi tiếng, được nhận nhận giải thưởng du lịch cộng đồng ASEAN năm 2019. 

Mùa xuân là mùa đẹp nhất trong năm, với huyện vùng cao Đà Bắc cũng không ngoại lệ. Đường vùng cao vẫn còn đó ngoằn ngoèo, trắc trở nhưng nơi đây vẫn lưu giữ được vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng, sông suối, đặc biệt là những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc cùng chung sống lâu đời ở nơi vùng cao này. 

 
Viết Đào


Các tin khác


Trống đồng cổ - báu vật của người Mường Hòa Bình

(HBĐT) - Trống đồng là tài sản quý giá được coi là báu vật cha ông để lại, là biểu tượng của nền văn minh và văn hoá Việt Nam thời dựng nước. Trống đồng được tìm thấy ở Hòa Bình chủ yếu là trống đồng loại II Heger với các nhóm sớm muộn khác nhau. Niên đại của trống loại II Heger kéo dài từ thế kỷ I đến thế kỷ XVII. Theo thống kê, tỉnh Hoà Bình phát hiện khoảng trên 100 chiếc trống đồng, trong đó chiếc phát hiện sớm nhất là trống Sông Đà (phát hiện năm 1887), đây là trống loại I Heger và là trống Đông Sơn nhóm A kiểu I, hiện tại chiếc trống này đang được lưu giữ tại Bảo tàng Guimet (Pháp).

Trò chuyện với nghệ nhân lĩnh vực văn hóa dân gian

(HBĐT) - Văn hoá các dân tộc tỉnh Hoà Bình đa dạng, phong phú, mỗi dân tộc có bản sắc riêng. Trong đó, di sản văn hoá phi vật thể gắn liền với phong tục tập quán, ngôn ngữ, tiếng nói, chữ viết, các sinh hoạt trong lễ hội dân gian truyền thống có vai trò hết sức quan trọng. Có thể nói, các nghệ nhân nắm giữ di sản chính là những người góp phần bảo tồn di sản văn hoá các dân tộc tỉnh Hoà Bình.

Giữ gìn văn hóa dân tộc vẹn nguyên trong cuộc sống

(HBĐT) - 2022 là một năm rực rỡ và sôi động với liên tiếp sự kiện tôn vinh các giá trị văn hóa của mảnh đất Hòa Bình. Sau 2 năm tạm lắng bởi dịch Covid-19, các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch được tưng bừng tổ chức, trong đó điểm nhấn là bản sắc văn hóa dân tộc của xứ 4 Mường Bi - Vang - Thàng - Động. "Hòa nhập chứ không hòa tan”, đó là cách hữu hiệu để lưu giữ và phát triển mạnh mẽ hơn các giá trị văn hóa truyền thống trong cuộc sống đương đại.

Sắc màu lễ hội “Hòa Bình - Thanh âm xứ Mường”

(HBĐT) - Không chỉ thu hút hàng vạn du khách có mặt để được xem trực tiếp, chuỗi sự kiện nghệ thuật lễ hội "Hoà Bình - Thanh âm xứ Mường” năm 2022 đã đón nhận sự dõi theo của hàng triệu bạn xem truyền hình cả nước qua sóng VTV1 – Đài truyền hình Việt Nam. Nhân dân các dân tộc trong tỉnh hân hoan hướng về sự kiện độc đáo dịp đón bằng chứng nhận Di sản văn hoá (DSVH) phi vật thể quốc gia đối với DSVH Tri thức dân gian lịch tre (lịch Đoi/Roi) và DSVH Lễ hội truyền thống Khai hạ của dân tộc Mường.

Lịch tre - khẳng định sự trường tồn của tri thức dân tộc Mường

(HBĐT) - Di sản tri thức dân gian lịch tre (lịch Đoi/Roi) có vai trò đặc biệt trong cuộc sống của người dân tộc Mường trên địa bàn tỉnh. Tất cả mọi hoạt động sản xuất, sinh hoạt thường ngày, phong tục, nghi lễ, lễ hội của cộng đồng, những việc quan trọng của mỗi người... đều dựa vào cách tính cát hung của bộ lịch tre. Việc đưa di sản văn hóa lịch tre vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng, cho thấy sự ghi nhận đây là một tài sản văn hóa quý giá mang tầm cỡ quốc gia, góp phần quan trọng bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong cuộc sống hôm nay.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục